Chiến thắng Bình Giã là chiến thắng to lớn của quân và dân Đông Nam Bộ cuối năm 1964, đầu năm 1965, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Mảnh đất Bình Giã từ nơi chiến trường ác liệt giờ đã vươn mình phát triển mạnh mẽ cùng cả nước trong công cuộc đổi mới

Cuộc tiến công Ấp chiến lược Bình Giã “khơi ngòi” Chiến dịch Bình Giã

Cuối năm 1964, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định mở Chiến dịch Bình Giã nhằm tiên slên đánh bại một bước xương sống của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa.

Chiến thuật tiến công của Chiến dịch Bình Giã được xác định là “đánh điểm, diệt viện” (hay còn gọi là “công đồn, đả viện”), là một chiến thuật quân sự phổ biến trong lịch sử chiến tranh. Đặc điểm của chiến thuật này là dùng một lực lượng nhất định tấn công vào một cứ điểm quân sự có tính chất quan trọng của đối phương, gây áp lực buộc đối phương phải điều động quân đến chi viện. Số quân chi viện này sẽ bị đón đánh bởi một lực lượng của phía tấn công đã mai phục sẵn. Về nguyên tắc, đón đánh một đạo quân đang trên đường di chuyển sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đánh bại một lực lượng đang phòng thủ trong những cứ điểm kiên cố.

Để thực hiện chiến thuật “đánh điểm, diệt viện”, vấn đề đầu tiên, tối quan trọng, là phải xác định được vị trí để đột phá. Mục tiêu được chọn phải có giá trị quan trọng, nếu để mất sẽ uy hiếp tới hệ thống phòng ngự của địch trên một khu vực rộng, buộc chúng bằng mọi giá phải ứng cứu khi ta tiến công. Căn cứ yêu cầu như vậy, có hai vị trí ta có thể xem xét, đó là ấp chiến lược Bình Giã hoặc chi khu Xuyên Mộc.

Qua khảo sát địa bàn, Bộ Chỉ huy Miền nhận định, nếu chọn chi khu Xuyên Mộc làm điểm đột phá đầu tiên của chiến dịch thì ta sẽ bất lợi. Bởi lẽ vị trí này đã được địch bố phòng bằng hệ thống công sự vững chắc, bố trí phòng thủ cẩn mật, trong khi đó, trình độ đánh công kiên của bộ đội ta còn hạn chế, nên nếu tấn công sẽ khó chiếm được. Hơn nữa, vai trò về mặt quân sự của chi khu Xuyên Mộc cũng là một dấu hỏi lớn. Không loại trừ khả năng nếu ta chiếm được chi khu Xuyên Mộc, địch sẽ bỏ luôn vị trí này mà không huy động quân tiếp viện.

Quân giải phóng mở Chiến dịch Bình Giã (Ảnh tư liệu)

Ngược lại, ấp chiến lược Bình Giã là một vị trí có giá trị cả về quân sự và chính trị. Vị trí này nằm trên hương lộ 327, nối với lộ 2, cách chi khu Đức Thạnh khoảng 4km, cách thị xã Bà Rịa khoảng 18km. Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thiết lập tại Bình Giã một khu định cư cho giáo dân đạo Thiên chúa di cư. Dân số định cư tại Bình Giã khi ấy là 6.445 người; được chia thành 3 làng (2100 giáo dân ở xứ đạo Hà Tĩnh được bố trí ở Làng 1 (giáo xứ Vinh Hà); 2300 giáo dân thuộc hạt Đồng Tháp, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An ở Làng 2 (giáo xứ Vinh Châu); 2045 giáo dân thuộc xứ đạo trung tâm xã Đoài (Vinh) ở Làng 3 (giáo xứ Vinh Trung)). “Dân làng Bình Giã được xem là một cộng đồng có tinh thần quốc gia chống Cộng, ý thức tự vệ cao độ và kỷ luật hơn bất cứ một nơi nào trên trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Khi quốc sách Ấp chiến lược ra đời, làng Bình Giã thích nghi rất nhanh chóng”[1].

Ấp chiến lược Bình Giã là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía đông Sài Gòn, được chính quyền Việt Nam Cộng hòa coi là ấp “kiểu mẫu”. Vì vậy khi ta đánh vào Bình Giã, chắc chắn địch sẽ phản ứng quyết liệt. Mặt khác, cách bố phòng của ấp chiến lược Bình Giã cũng phù hợp với trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực ta khi ấy.

Rạng sáng ngày 02/12/1964, Đại đội 445 (bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa) nổ súng tiến công ấp chiến lược Bình Giã, chính thức mở màn Chiến dịch Bình Giã. Sau ít phút chiến đấu, quân ta đã đánh tan một Trung đội bảo an, chiếm Làng 2, phát triển về Làng 3, diệt 60 tên địch. Sau khi chiếm được Làng 2 và Làng 3, Đại đội 445 củng cố công sự, tổ chức đánh bật các đợt phản kích của địch.

Cùng đêm 2/12/1964, một Đại đội của Trung đoàn 761 (chủ lực Miền) đánh chiếm Làng 1, sát cánh với Đại đội 445 hoàn thành tốt nhiệm vụ “đánh điểm”, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng phục kích “diệt viện” trên các hướng.

Sáng ngày 5/12/1964, địch điều Tiểu đoàn 38 Biệt động quân từ Phú Mỹ đổ xuống khu vực Ruộng Tre - giáp sông Xoài, Tây Nam Đức Thạnh, cùng với đại đội bảo an Chi khu Đức Thạnh đánh chiếm lại Ấp chiến lược Bình Giã. Trung đoàn 2 của ta đóng ở Đông Nam núi Nghệ kịp thời vận động tiếp cận mục tiêu, đánh cho địch thiệt hại nặng, buộc chúng phải tháo chạy về ấp Ngãi Giao.

Chiều hôm đó, bộ phận còn lại của Tiểu đoàn 38 Biệt động quân (khoảng 2 Đại đội) vào được Bình Giã, co cụm tại nhà thờ Làng 2, lợi dụng khuôn viên nhà thờ để phản kích, bắn về phía đội hình Đại đội 445. Đại đội 445 và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 761) đón mũi phía Tây của địch từ đầu ấp, tạo thế trận tác chiến hiệp đồng với Trung đoàn 762. Thực hiện chính sách tôn giáo, quân ta không bắn vào nhà thờ, do đó các mũi không tiến lên được. Sau 5 ngày 4 đêm trụ lại đánh địch trong Ấp chiến lược Bình Giã, đơn vị được lệnh rút ra ngoài phối hợp với các trung đoàn chủ lực đánh địch đến cứu viện.

Ngày 7/12/1964, ta tiếp tục sử dụng Đại đội 445, lần này được phối hợp 1 đại đội của Trung đoàn 761 tiếp tục tiến công ấp chiến lược Bình Giã. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Bình Giã còn điều 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 761 và 762 tiến công Chi khu quân sự Đất Đỏ để phối hợp.

Ngày 9/12/1964, do áp lực mạnh của quân ta, địch phải tổ chức cuộc hành quân “Bình Tuy 33” để giải tỏa cho các vị trí đang bị tiến công. Trong khi hành quân từ Bà Rịa lên Đức Thạnh để giải tỏa lộ 2, lúc quay trở về đoàn xe cơ giới địch lọt vào trận địa phục kích của ta. Sau khoảng 1 giờ chiến đấu, ta làm chủ trận địa, tiêu diệt gọn Chi đoàn thiết giáp số 3, gồm 14 chiếc M113, diệt trên 100 tên địch, trong đó có 9 cố vấn Mỹ, 5 sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa, thu nhiều vũ khí, trang bị. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam bộ, ta diệt gọn 1 chi đoàn thiết giáp, đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch.

Bước vào đợt 2 của Chiến dịch Bình Giã, ngày 27/12/1964, ta tiếp tục tiến công ấp chiến lược Bình Giã. Khác với những lần trước, lần này Đại đội 445 đã bí mật đột nhập, ém quân bên trong ấp từ hướng Làng 3 trước khi địch mở cổng. Khoảng 4 giờ sáng đơn vị bất ngờ nổ súng tấn công. Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 761) cũng từ rìa Làng 1 phối hợp đánh vào. Cuộc tiến công diễn ra thuận lợi, quân ta nhanh chóng chiếm trọn ấp lúc 7 giờ 15 phút.

Ngày 28/12/1964, địch huy động Tiểu đoàn 33 biệt động quân để cứu nguy cho Ấp chiến lược Bình Giã. Phán đoán đúng ý định của địch, ta bố trí lực lượng phòng không, hạ tại chỗ 12 máy bay lên thẳng, khiến địch không thể đổ quân xuống Đông - Bắc Bình Giã mà buộc phải đổ quân xuống Đông - Nam Bình Giã, rơi vào đúng trận địa phục kích của Trung đoàn 761 và nhanh chóng bị tiêu diệt gần hết. Đòn đánh sấm sét này khiến địch không khỏi choáng váng.

Ngày 30/12/1964, Trung đoàn 761 đã bắn rơi một máy bay lên thẳng trinh sát có cố vấn Mỹ. Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định, chắc chắn địch sẽ đưa lực lượng đi tìm xác cố vấn Mỹ, ta phải chủ động xác định phương án phục kích để tiêu diệt.

Chiều ngày 31/12/1964, đúng như dự đoán, lực lượng địch đi tìm xác cố vấn Mỹ bị lọt vào trận địa phục kích. Quân ta nổ súng nhanh chóng diệt gọn Tiểu đoàn 4 lính thủy đánh bộ với gần 600 tên, kết thúc thắng lợi trận then chốt thứ ba của chiến dịch.

Ngày 3/1/1965, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh kết thúc chiến dịch Bình Giã. Quân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, diệt và làm bị thương hơn 1.700 tên địch, bắt sống 293 tên; phá hủy 45 xe quân sự; bắn rơi và bắn bị thương 56 máy bay các loại. Quân chủ lực cũng hỗ trợ tích cực quần chúng phá nhiều ấp chiến lược trên một địa bàn rộng lớn. Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận định: “Với trận Ấp Bắc năm 1963, địch thấy khó thắng ta, sau Chiến dịch Bình Giã địch thấy thua ta”[2].

Tiêu diệt máy bay địch trong Chiến dịch Bình Giã (Ảnh tư liệu)

Bình Giã hôm nay

Chiến tranh ngày càng lùi xa, cùng với cả nước, nhân dân xã Bình Giã đã không ngừng nỗ lực, cố gắng phát triển kinh tế, ổn định trật tự an toàn xã hội để chung sức xây dựng quê hương. Năm 2023, xã Bình Giã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Những vết thương chiến tranh đang dần được hàn gắn. Cơ sở hạ tầng tại xã ngày càng được đầu tư mạnh mẽ. Đến nay, 100% tuyến đường trên địa bàn xã được cứng hóa. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 100%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã Bình Giã đạt 84,5 triệu đồng/người/năm. Toàn xã không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia. Số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh là 2.383 hộ (đạt tỷ lệ 100%).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lĩnh vực kinh tế của xã đều đạt kết quả tích cực. Các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại xã phát triển tốt, trên địa bàn xã có 13 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 78 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 122,37 tỷ đồng. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ đạt doanh thu 418,89 tỷ đồng; lượng hàng hóa cung ứng dồi dào, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân. Về nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực cây có hạt (lúa, bắp) thu hoạch đạt 2.348 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 646,54 tấn.

Đối với lĩnh vực giáo dục, xã hiện có 3 trường học công lập và 3 cơ sở mầm non tư thục. Tỷ lệ học sinh lên lớp cấp tiểu học hàng năm đạt 99%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt 99,03%, tuyển sinh lớp 6 đạt 100%. Xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập Tiểu học và Trung học cơ sở. Đội ngũ giáo viên trên địa bàn xã không ngừng được chuẩn hóa, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Về lĩnh vực y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của xã đạt trên 95%. Xã có 1 phòng khám đa khoa tư nhân, 3 phòng khám bác sỹ tư nhân cùng với trạm y tế công lập đang thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Việc tiêm chủng cho trẻ em các độ tuổi được thực hiện tốt. 100% các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác phòng, chống dịch bệnh cũng đạt kết quả cao.

Đảng bộ, chính quyền Địa phương cũng luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Trên địa bàn xã hiện có các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài… Hệ thống chính trị xã đã phối hợp tuyên truyền, vận động các tôn giáo đăng ký và thực hiện đúng nội dung đăng ký sinh hoạt tôn giáo, thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Xã hiện có 63 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tuyên truyền vận động đồng bào an tâm về tư tưởng, tích cực lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bình Giã - nơi từng ghi dấu sự khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng và vĩ đại, giờ đây đang từng ngày thay da đổi thịt. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trên địa bàn đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy khát vọng vươn lên, ý chí tự lực tự cường để xây dựng quê hương, góp phần giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và đất nước nói chung ngày càng phát triển phồn vinh, văn minh, giàu đẹp.

 

[1] https://www.bariaphuoctuy.org/TaiLieu/LangBinhGia.html#/

[2] Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7: Lịch sử miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ kháng chiến (1945 -1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.481.