Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân dự lễ và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Tri ân những đóng góp của các thầy cô giáo
Phát biểu chúc mừng ngày 20/11, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng thay mặt lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi đến các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trên mọi miền Tổ quốc lòng biết ơn, kính trọng; lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thứ trưởng khẳng định: Năm học vừa qua diễn ra dưới tác động kép của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Với quyết tâm và ý chí "Dừng đến trường nhưng không dừng việc dạy và học", hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong cả nước đã chủ động, linh hoạt thích ứng, nhanh chóng chuyển đổi trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục bằng năng lực chuyên môn, sự tận tụy, tâm huyết, sáng tạo đã khắc phục khó khăn, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nhiều thầy cô là tấm gương tiêu biểu trong phòng chống dịch; tiêu biểu trong đổi mới, sáng tạo, thích ứng và hội nhập về chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Đây chính là những tấm gương "Thực tâm - Thực tài - Thực nghề", "Gương mẫu, sáng tạo, đổi mới"… vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Các thầy, các cô đã và đang giữ ngọn lửa nhiệt tình, lòng đam mê nghề nghiệp, xứng đáng với sự trân trọng, tin yêu của toàn xã hội. Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao, tri ân sâu sắc những đóng góp lớn lao của các thầy, cô giáo. Mong các thầy cô tiếp tục thắp sáng ngọn lửa niềm tin, tận tâm, tận tụy với nghề, truyền nhiệt huyết, chia sẻ những cách làm hay, những kinh nghiệm quý, những đổi mới, sáng tạo; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống hiếu học của cha ông; thổi bùng niềm tin, khát vọng, đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ trưởng tin tưởng, trong thời gian tới, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tiếp tục khẳng định, bám sát yêu cầu phát triển mô hình giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; tập trung thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạ, phương pháp đánh giá trong giáo dục nghề nghiệp; gắn giáo dục nghề nghiệp với học suốt đời; làm tốt công tác dự báo cung-cầu về thị trường lao động để đào tạo theo nhu cầu. Ngành cũng cần đẩy mạnh gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, cải thiện chất lượng đào tạo, việc làm sau đào tạo, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh; hiện đại hoá hệ thống quản lý nhà nước, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng, tổ chức thực hiện quản lý phát triển giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở chuyển đổi số mạnh mẽ; hình thành mạng lưới liên kết, chia sẻ nguồn lực, trí tuệ, cơ sở vật chất, thông tin để đưa giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hợp tác cùng phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng và Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp Trương Anh Dũng trao Bằng khen cho các cá nhân đạt giải Nhất- Nhì - Ba tại hội giảng. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Muốn có được đội ngũ nhà giáo nâng cao chất lượng quản lý giáo dục nghề nghiệp giỏi, chất lượng, tâm huyết cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào dạy - học theo hướng tích cực, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số. Áp dụng hình thức dạy học từ xa, trực tuyến theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đáp ứng xu thế công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; chú trọng công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp; thường xuyên chăm lo việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, để người thầy thực sự là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ học trò, là những tấm gương sáng để học trò noi theo; đặt trọn niềm tin ở các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý trong việc không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nhất là kỹ năng số, ngoại ngữ; đồng thời luôn sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đất nước - Thứ trưởng nêu rõ.
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới
Sau 7 ngày hoạt động sôi nổi, Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc đã thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức đã trao giải Nhất toàn đoàn cho đoàn Hà Nội. Giải Nhì là các đoàn: Nghệ An, Bắc Ninh. Giải Ba được trao cho các đoàn: Nam Định, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hà Nam.
140 nhà giáo xuất sắc nhất đã được trao giải tại Hội thi với 20 nhà giáo đoạt giải Nhất; 40 nhà giáo đoạt giải Nhì và 80 nhà giáo giành giải Ba
Đồng thời, Ban Tổ chức cuộc thi "Thiết kế dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp" cũng đã trao 7 giải Nhất, Nhì, Ba cho các nhà giáo có bài giảng xuất sắc nhất. Theo đó, giải Nhất cuộc thi đã được trao cho nhà giáo Phạm Văn Mạnh, Trường Cao đẳng Công Thương, thành phố Hà Nội. Hai giải Nhì và bốn giải Ba cũng đã được trao cho các nhà giáo xuất sắc.
Được phát động từ ngày 15/7/2021, cuộc thi "Thiết kế dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp" đã thu hút được các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước tích cực hưởng ứng, tham gia. 50 địa phương đã tổ chức cuộc thi (Vòng 1) ở cấp cơ sở với 600 nhà giáo có sản phẩm tham dự và lựa chọn ra 101 bài có chất lượng tốt nhất tham gia Vòng 2 (Vòng sơ loại toàn quốc) để Ban giám khảo đánh giá, lựa chọn ra 7 bài giảng có chất lượng tốt nhất để tham dự Vòng 3 (Vòng chung kết toàn quốc) được tổ chức trong thời gian diễn ra Hội giảng.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã trao cờ luân lưu tổ chức Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2024 cho tỉnh Quảng Ninh.
Tổ chức 3 năm/lần, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là hoạt động nhằm tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; động viên, khuyến khích nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề; tạo động lực cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và giảng dạy trực tuyến trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là cơ hội để nhà giáo học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy; thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội; tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; góp phần củng cố niềm tin của xã hội, đặc biệt là của người học về chất lượng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2021, Hội giảng có sự tham gia của 404 nhà giáo trình giảng tại 113 địa điểm trình giảng của 55 địa phương, 6 bộ, ngành. Trong khuôn khổ hội giảng có nhiều hoạt động thiết thực như: Cuộc thi "Thiết kế dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp"; Triển lãm số trong giáo dục nghề nghiệp; tọa đàm "Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và tiềm năng"; hội thảo quốc tế "Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo là người của doanh nghiệp".
Nguồn VTV