Về mức độ truy cập Cổng thông tin điện tử của các bộ, Bộ Y tế dẫn đầu với hơn 13 triệu lượt truy cập; tiếp sau là Bộ Thông tin và Truyền thông với 4,2 triệu lượt truy cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo với gần 4,1 triệu lượt truy cập. Ba bộ có lượt truy cập thấp nhất (từ dưới lên) gồm: Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ở khối các địa phương, 5 tỉnh có lượt truy cập nhiều nhất tới Cổng thông tin điện tử các địa phương, gồm: Bắc Giang (7,6 triệu lượt), Thừa Thiên - Huế (gần 7,6 triệu lượt); Đắk Lắk (4,65 triệu lượt), Quảng Bình (4,62 triệu lượt), Cà Mau (4,2 triệu lượt). 5 tỉnh có lượt truy cập ít nhất tới Cổng thông tin điện tử (tính từ dưới lên) là: Đắc Nông, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hậu Giang, Hà Tĩnh.
Về tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến ở khối bộ: Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đạt tỷ lệ 100%; tiếp sau là Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 97,67%. Ba bộ phát sinh hồ sơ thấp nhất (tính từ dưới lên) là : Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường.
Ở khối các địa phương, 5 tỉnh có tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến cao nhất là Long An (96,47%), Hải Dương (95,35%), Tiền Giang 94,65%), Hòa Bình (93,98%), Bắc Giang (90,39%). 5 tỉnh có dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ thấp nhất (tính từ dưới lên) gồm: Bạc Liêu, Kon Tum, Bắc Kạn, Cà Mau, Điện Biên.
Về tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến ở các bộ, Bộ Công Thương dẫn đầu với tỷ lệ 99,99%, tiếp sau là Bộ Giáo dục và Đào tạo 99,58%, Bộ Tài chính 91,41%. 3 bộ có tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến thấp nhất lần lượt là: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế.
Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến ở địa phương, 5 tỉnh dẫn đầu gồm: Hòa Bình (87,02%), Quảng Ninh (75,33%), Ninh Bình (59,35%), Hà Nam (56,73%), Thanh Hóa (56,6%). 5 tỉnh có tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến thấp nhất: Sơn La, Bắc Kạn, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Gia Lai.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng các yêu cầu mới, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan nhà nước rà soát các thủ tục hành chính và điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến toàn trình. Giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như là tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến và giám sát chặt chẽ kết quả triển khai. Kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước để giảm thiểu giấy tờ cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân, để người dân mong muốn, chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nghiên cứu, triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24-6-2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Theo Hanoimoi.com.vn