Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đèo Pha Đin là “Tọa độ lửa” bị thực dân Pháp dội bom, đánh phá vô cùng ác liệt nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch chi viện lương thực, súng đạn cho bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ.
68 năm trôi qua, vết thương chiến tranh đã lùi xa và con đường đèo lịch sử ấy cũng đã khoác lên mình màu áo mới, với sức sống mãnh liệt hơn, trở thành tuyến giao thông trọng điểm giúp các tỉnh miền núi Tây Bắc phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), cùng với Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin là một trong những trọng điểm giao thông bị thực dân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt. Bởi thực dân Pháp cho rằng nếu cắt đứt được tuyến đường huyết mạch này thì quân đội ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi không nhận được đầy đủ chi viện là lương thực, súng đạn từ hậu phương.
Trong nhiều ngày, 32km đường đèo từ phía Thuận Châu (Sơn La) đến Tuần Giáo (Điện Biên) luôn bị các loại máy bay của địch đánh phá suốt ngày đêm, đặc biệt là các đoạn cua gấp khúc, dốc đứng. Sau mỗi loạt bom của địch là nhiều đoạn tuyến trên đèo Pha Đin đều bị hư hỏng nặng.
Chỉ tay về những vị trí bị giặc dội bom liên tục trên khu vực đỉnh đèo, những khu vực đóng quân của bộ đội tại các khe núi, ông Lầu Sái Hừ (92 tuổi, người dân bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) cho biết, thời điểm đó, máy bay địch quần thảo đánh phá suốt đêm ngày, người dân rất sợ, nhưng vẫn bám trụ bản làng để cùng hỗ trợ cho bộ đội, dân công chi viện cho tiền tuyến.
Đèo Pha Đin khi ấy gần như không một bóng cây vì sức tàn phá của bom đạn, chỉ còn cỏ tranh nên đời sống của bà con gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, đêm đến, sau mỗi loạt bom của địch là bà con lại cùng hò nhau giúp bộ đội, dân công sửa đường để đảm bảo giao thông thông suốt. Tình cảm quân dân như cá với nước, đồng bào dù ăn chưa đủ no, song vẫn nhường từng cân gạo, bó rau cho bộ đội tiến lên mặt trận chính giải phóng đất Mường Thanh.
"Thực dân Pháp ngày đêm bắn phá, nhất là ở các đoạn cua nhằm cắt đứt và cản trở ô tô của ta. Về phía ta, tối đến là dân quân, bộ đội cùng nhau sửa đường cho thông suốt. Thời điểm ấy, người dân trên này nghèo lắm, nhưng bà con vẫn luôn dành gạo, lợn gà, rau cải để hỗ trợ cho bộ đội. Bây giờ cuộc sống tiến bộ nhiều, có Đảng, Nhà nước hỗ trợ, chưa dám nói là giàu, nhưng kinh tế người dân cũng khá hơn trước nhiều" - ông Lầu Sái Hừ cho biết.
Dù bị địch đánh phá ác liệt, các đội hình phân tán, nhưng với quyết tâm gìn giữ toàn vẹn mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, người dân và các đại đội thanh niên xung phong tại đây đã bảo toàn cho con đường qua đèo Pha Đin luôn thông suốt, giúp cho các trọng pháo của ta được an toàn vào đến mặt trận, làm nên đại thắng năm 1954 tại Điện Biên Phủ.
68 năm đi qua, đèo Pha Đin huyền thoại nay đã xóa đi những tàn tích cũ của chiến tranh để lại, cũng không còn hiểm trở như nhiều năm về trước. Tuyến đường 6 cũ đi qua xã Tỏa Tình dẫu vẫn còn một số khúc cua gấp, song cũng đã được sửa chữa thường xuyên, thảm nhựa đảm bảo đi lại cho người dân giao thương, phát triển kinh tế.
Tuyến đường mới được hạ COS xuống thấp hơn, mở rộng đảm bảo cho các loại xe siêu trường, siêu trọng có thể đi lại an toàn. Từ đó góp phần quan trọng trong việc nối giao thương của tỉnh Điện Biên với các tỉnh thành miền xuôi.
Ông Lầu A Dùa, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo cho biết, nhờ phát huy được những lợi thế của tuyến giao thông trọng điểm này, diện mạo nông thôn mới, đời sống kinh tế của xã Tỏa Tình đã có nhiều đổi thay, khởi sắc hơn trước.
Giao thông thuận lợi, sản phẩm nông sản từ hàng trăm ha cà phê, táo mèo, dưa mèo của người dân nơi đây đã không còn lo lắng về đầu ra khi các phương tiện vận chuyển lớn đã có thể tập kết để thu gom hàng cho người dân vận chuyển đi các tỉnh miền xuôi.
Thêm vào đó, do được mệnh danh là tứ đại đường đèo, với khung cảnh hùng vĩ, đèo Pha Đin hiện nay còn là điểm đến du lịch hấp dẫn với những khu du lịch sinh thái được chính người dân bản địa tạo dựng lên. Nhờ có những điều kiện về du lịch, thế mạnh nông sản, sự cần cù chịu khó của người dân mà tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình mỗi năm từ 1-2%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 10 triệu đồng/năm.
Theo ông Lầu A Dùa, những năm qua, người dân Tỏa Tình rất tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, nên cuộc sống của bà con có những thay đổi rõ rệt. Bà con rất đồng tình việc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ các di tích lịch sử trên địa bàn. Tỏa Tình có khí hậu thời tiết ôn hòa, nên việc làm các điểm du lịch cho du khách đến thăm là lợi thế lớn cho địa phương thoát nghèo.
"Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã tập trung tuyên truyền nhân dân phải bảo vệ, phát triển rừng, giữ rừng để làm kinh tế du lịch từ rừng" - ông Lầu A Dùa cho biết.
Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết, hiện đèo Pha Đin không chỉ còn là tuyến đường huyết mạch nối giao thương của tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Tuần Giáo nói riêng mà đã trở thành một địa chỉ đỏ về du lịch thu hút lượng lớn du khách đến tham quan hàng năm.
Xác định thế mạnh đó, thực hiện các mục tiêu chủ trương của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong huyện Tuần Giáo đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển bảo vệ rừng tại đây nhằm tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái.
"Đối với Tuần Giáo, tuyến đường đèo Pha Đin có ý nghĩa rất quan trọng, vừa là di tích lịch sử, vừa là con đường giao thương rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái, phát triển rừng. Đảng bộ huyện cũng đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế cũng như phát triển du lịch ở khu vực đèo Pha Đin. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát với quy mô khoảng 21ha làm du lịch trên khu vực đỉnh đèo. Địa phương rất mong muốn nhà đầu tư vào đầu tư, giúp địa phương thoát nghèo" - ông Mùa Va Hồ chia sẻ.
“Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”
Những câu thơ đi vào lòng người ấy của nhà thơ Tố Hữu một lần nữa khẳng định lại địa danh đèo Pha Đin đã đi vào sử sách, lịch sử dân tộc như một huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của quân và dân ta. Con đèo huyền thoại ấy hiện đã được đầu tư, kết nối các tỉnh miền núi Tây Bắc và khẳng định tầm quan trọng, giúp Điện Biên Phủ tiếp tục phát triển./.
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc