Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại, sự giúp đỡ của các nước anh em; đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành một chân lý của thời đại. Do đó, khẳng định những giá trị, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ là tình cảm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam và những người có lương tri trên thế giới trước những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực phản động, thù địch .
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ
Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội, các thế lực phản động, thù địch rêu rao rằng “Nhân dân Việt Nam giành được chiến thắng ở Điện Biên Phủ là do thực dân Pháp sai lầm về mặt chiến lược”. Đây là những lời lẽ bịa đặt, vẫn là “bình mới, rượu cũ” mà các thế lực thù địch thường hay sử dụng để xuyên tạc về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trên thực tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Việt Nam đã trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ rừng”, dũng cảm, can trường vượt mọi khó khăn, với ý chí sắt đá tiêu diệt quân thù giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính Tổng chỉ huy Tướng Navarre trong hồi ký thừa nhận: “Chúng ta mất khoảng 16.000 người, trong đó 1.500 chết và 4000 bị thương. Tính đơn vị, thiệt hại của ta gồm 16 tiểu đoàn (trong đó có 7 tiểu đoàn dù), hai tiểu đoàn pháo 105 và một đại đội 155, một tiểu đoàn xe tăng và một số đơn vị binh chủng và bảo đảm khác. So với đạo quân viễn chinh, thiệt hại này chiếm 9% và so với tổng số quân ở Đông Dương thì chiếm 3,5%”[1].
Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu mốc quan trọng tạo nên “thiên sử vàng” của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 11-5-1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có thư gửi các cấp ủy và tất cả các đồng chí tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẳng định nhân tố dẫn đến thắng lợi: “có sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch; Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ huy kiên quyết vững vàng và chính xác”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, qua 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã làm nên trận Đại thắng Điện Biên Phủ…”[2].
Sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, bác bỏ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, suy đoán của các thế lực thù địch, phản động khi cho rằng thắng lợi Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam là do phía Pháp mắc sai lầm về chiến lược.
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam
Các thế lực phản động cho rằng: “Việt Nam giành được thắng lợi ở Điện Biên Phủ là do sự giúp đỡ của nước ngoài”. Đây là những nhận xét phiến diện, một chiều, thiếu tính khách quan và không phản ánh được sức mạnh nội lực của Việt Nam, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng.
Sự giúp đỡ của bè bạn quốc tế là rất quan trọng, nhưng chỉ được phát huy khi kết hợp với sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam. Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nêu quyết tâm: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”[3]. Tổng kết toàn chiến dịch, “khối lượng vật chất của nhân dân cả nước huy động 23.126 tấn gạo, 266 tấn muối, 992 tấn thịt, 800 tấn rau, 917 tấn thực phẩm khác... Huy động 216.451 lượt dân công bằng 12 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 736 xe súc vật kéo, 11.400 thuyền bè mảng”[4]. Trong Hội nghị tổng kết chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “…Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày từng giờ, không kém tình hình chiến đấu…quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục khó khăn này. Bọn đế quốc, phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”[5]. Chính Tướng Pháp Y.Gra cũng phải thừa nhận: “Cả dân tộc đã tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần và giải pháp này đã làm thất bại mọi toan tính cũng như dự kiến của Bộ Tham mưu Pháp”[6]. Nhà báo Giuyn Roa, nguyên Đại tá Quân đội Pháp, viết: “... Không phải viện trợ của Trung Quốc đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300 kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm ni lon trải ngay trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương”[7].
Như vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả vĩ đại sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”; sự giúp đỡ các nước anh em, kể cả sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ Pháp là quan trọng, nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu là sức mạnh của toàn dân tộc. Thực tiễn đó bác bỏ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc khi cho rằng Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam là do sự ủng hộ, giúp đỡ của nước ngoài.
Chiến thắng Điện Biên Phủ - dấu ấn của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp
Các thế lực phản động, thù địch cho rằng, “Chiến thắng Điện Biên Phủ giành được là do sự chiến đấu hy sinh của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các lực lượng tham gia Chiến dịch; Bộ Chỉ huy Chiến dịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có vai trò đáng kể trong chiến thắng này”,v.v...và v.v... Đây là cách xuyên tạc dắt lối dư luận rất nham hiểm.
Thực tế, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với sự chiến đấu anh dũng, quả cảm và hy sinh của biết bao cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng tham gia Chiến dịch thì vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Mặt trận, người Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ là đặc biệt quan trọng.
Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến thắng Điện Biên Phủ được nhân dân cả nước thừa nhận, tôn vinh, mà chính Tướng De Castries cũng thừa nhận: “Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông [...] Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và Đại tướng Navarre. Tôi hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”[8].
Điện Biên Phủ - Chiến thắng còn mãi âm vang
Một trong những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là hạ thấp tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng cho rằng “Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ có ý nghĩa kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, chứ không ảnh hưởng gì nhiều tới phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới cũng như hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp”. Tuy nhiên, trên thực tiễn đã bác bỏ hoàn toàn toàn mọi lời lẽ bóp méo sự thật đó.
Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân Việt Nam đã kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở cho đấu tranh ngoại giao giành thắng lợi ở Hội nghị Giơnevơ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ... Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.
Tầm vóc, ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ đã vang vọng khắp năm châu. Ông U.Phao-xtơ, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, viết: “Nhân dân các nước Á - Phi đã nhận thức một cách rõ ràng ý nghĩa chân thực của sự kiện trọng đại đã phát sinh ở Điện Biên Phủ. Họ vui mừng phấn khởi về những thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam và cho rằng đấy là một thắng lợi vô cùng to lớn của toàn thể nhân dân thế giới đối với chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa… Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi hết sức quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới”[9].
Thực tiễn sinh động, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ với những giá trị không thể phủ nhận, vẫn mãi âm vang cùng dân tộc Việt Nam và thời đại.
[1] H.Navarre: Thời điểm của những sự thật, người dịch Nguyễn Huy Cầu, Nxb. Công an nhân dân và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, H, 1994, tr.219.
[2] 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, Nxb KHXH, H, 2004, tr.16.
[3] Văn kiện Lịch sử Đảng, Trường Nguyễn Ái Quốc xuất bản, H, 1964, T.VIII, tr.129.
[4],[7] Tổng cục Hậu cần: Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1995, T.1, tr.290.
[5] Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1974, tr.158 -159.
[6] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr.39.
[8] Những thành công này được đánh giá: “Về chiến thuật, ông Giáp là bậc thầy trong nghệ thuật chiến tranh du kích; về mặt này, ông là người chỉ huy vĩ đại nhất của mọi thời đại” (Peter Mcdonald, Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương, dịch theo bản tiếng Pháp của Jean Clem và Frank Strachitz, người dịch: Nguyễn Viết Quyền và Nguyễn Đình Cao, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2004, tr.376).
[9] Công nhân nhật báo, ngày 10-5-1954.
Đặng Hoàng