Chủ trương sáng suốt của Bác Hồ, Đảng và Chính phủ
Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Những điều khoản của Hiệp định không nói đến lực lượng tập kết là thiếu nhi, học sinh. Tuy nhiên, cùng với việc tập kết bộ đội và cán bộ, Bác Hồ, Đảng và Nhà nước đã chủ trương lựa chọn một số con em cán bộ, chiến sĩ, gia đình cách mạng ở miền Nam đưa ra miền Bắc nuôi dạy để bảo vệ, gìn giữ, đào tạo, bồi dưỡng.
Chủ trương đưa học sinh miền Nam ra Bắc học tập đã thể hiện tầm nhìn xa, trộng rộng của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước. Thực hiện hoá chủ trương này, nhiều loại hình chính sách hợp tình, hợp lý đã ra đời và phát huy hiệu quả trong việc nuôi dạy các thế hệ học sinh miền Nam.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: "Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó, nay đã mang lại kết quả rất to lớn cho đất nước”.
Ban đầu, các trường dành cho học sinh miền Nam có tên Trường nội trú Thống Nhất. Nhưng vì đối tượng học tập nên đồng bào địa phương thường gọi là Trường học sinh miền Nam, sau đó tên gọi này được sử dụng trên giấy tờ cũng như đi vào lịch sử.
Thanh Hóa và Nghệ An là những nơi đầu tiên đón tiếp học sinh miền Nam ra Bắc học tập. Sau đó, vì số lượng học sinh đông và bố trí ở xa không tiện chăm sóc nên Bộ Giáo dục và các bộ ngành liên quan đã xây dựng hệ thống trường học sinh miền Nam với những tiêu chí như: thuận tiện giao thông, gần thủ đô Hà Nội, gần Hồ Chủ tịch, gần Chính phủ.
“Chỉ riêng về tổ chức, cơ quan chuyên lo việc nuôi dạy học sinh miền Nam trên đất Bắc cũng ngày càng phát triển với quy mô lớn hơn để đáp ứng yêu cầu trồng người cho miền Nam do Bác Hồ và Trung ương Đảng giao cho ngành giáo dục” – Nhà giáo Hồng Nhân nhớ lại không khí xây dựng và phát triển hệ thống trường học sinh miền Nam.
Quyết tâm xây dựng hệ thống trường học sinh miền Nam cũng được thể hiện qua những thống kê cụ thể. Theo báo cáo tổng kết niên khoá 1961-1962 của các trường học sinh miền Nam, kinh phí đầu tư cho việc kiến thiết trường sở năm 1955 là 600 triệu đồng, năm 1957 là 1 tỷ 200 triệu đồng, năm 1960 là 1 tỷ 500 triệu đồng. Hơn một nửa ngân sách giáo dục của miền Bắc trong thời gian này đã dành cho việc nuôi dạy học sinh miền Nam.
Qua từng bước phát triển, hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất bắc Bắc đã hình thành từ trại trẻ đến các cấp học I, II, III. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử (từ 1954 – 1975), hệ thống trường học sinh miền Nam đã trải qua một số biến động do hoàn cảnh chiến tranh, nhưng chức năng và nhiệm vụ luôn luôn nhất quán.
Những năm tháng không thể nào quên
Theo chiều dài lịch sử, các địa phương miền Nam đã đưa học sinh ra Bắc thành nhiều đợt, dưới nhiều hình thức. Đợt đầu (1954-1955): tập kết theo bộ đội. Đợt hai (1960-1964): quá cảnh sang Campuchia rồi đi máy bay ra Hà Nội. Đợt ba (1698 – 1972): đi bộ vượt Trường Sơn.
Dù ở thời kỳ nào, học sinh miền Nam và hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc luôn nhận được sự quan tâm cùng tình cảm đặc biệt của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc.
“Khi xuống bến Cửa Hội (Nghệ An), cả bọn được một phen kinh ngạc: Trẻ con mà cũng được nghênh đón tưng bừng!… Đồng bào, thiếu nhi địa phương ra đón đã chờ sẵn từ bao giờ. Nón vẫy, cờ phất, trống vỗ, miệng reo náo nhiệt. Ở lối giữa đám đông, mấy hàng học sinh miền Nam mặt nghệch đi vì lạ, vì vui ngỡ ngàng” - Nhà giáo Nguyễn Viết Duệ hồi tưởng ngày đặt chân ra Bắc.
“Bà con nơi nào cũng rất hiền hoà, coi chúng tôi như người thân đi xa mới về. Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, miền Bắc còn rất nghèo khổ, thiếu thốn đủ thứ, vậy mà bà con vẫn nhường cơm cho chúng tôi ăn, nhường chỗ cho chúng tôi ở, còn bà con thì ăn rau củ, kể cả rau má, rau lang, cây và củ chuối. Nhiều gia đình nhà cửa chật hẹp, nhưng vẫn dành cho chúng tôi nơi nghỉ thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông” - Nhà báo Trần Thanh Phương viết về vòng tay đùm bọc của nhân dân miền Bắc.
“Lần đầu tiên tôi được học ở một ngôi trường khang trang to đẹp. Các thầy cô giáo tận tình, cùng ở nội trú và thương yêu chúng tôi như con em, cùng chia sẻ với chúng tôi mọi niềm vui, nỗi buồn của tuổi thơ xa nhà” – NSND Trà Giang nhớ về những ngày tháng dưới mái trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng.
“Miền Bắc lúc bấy giờ mới giải phóng, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống mà chúng tôi, những con em của đồng bào miền Nam tập kết có được một cơ ngơi như vậy để học tập, rèn luyện sức khoẻ và vui chơi giải trí đã thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. Đây cũng là tấm lòng thương mến của đồng bào miền Bắc dành cho những đứa con miền Nam xa quê hương có điều kiện yên tâm học tập và rèn luyện, trở thành những người có kiến thức và bản lĩnh, phục vụ cho quê hương sau này” – Ông Nguyễn Hồng Hải - cựu học sinh trường miền Nam số 21 bày tỏ.
Những ngôi trường “sạch như bệnh viện, đẹp như công viên, kỷ luật như bộ đội” cùng tình cảm Bắc – Nam thắm thiết đã giúp các học sinh miền Nam vơi đi nỗi nhớ quê hương, nỗi buồn xa gia đình hay nỗi sợ khi thiếu vắng không khí sum họp ngày Tết. Các thế hệ học sinh miền Nam đã không ngừng nỗ lực học tập, từng bước trưởng thành trong những ngôi trường trên đất Bắc rồi dốc sức phục vụ quê hương, đất nước.
Những "hạt giống đỏ" nảy nở từ "vườn ươm đặc biệt"
Công tác giáo dục toàn diện đức – trí – thể - mỹ là niềm tự hào của các thế hệ thầy và trò Trường học sinh miền Nam. Việc dạy học kết hợp bồi dưỡng ý chí, nghị lực và lý tưởng cho học sinh được thực hiện bởi những nhà giáo được lựa chọn kỹ càng, có trình độ sư phạm cao và tấm lòng tận tuỵ với nghề.
Chỉ sau khoảng 10 năm ươm trồng, những “hạt giống đỏ” miền Nam đã nảy nở thành đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, nhà báo… Họ tham gia xây dựng và bảo vệ miền Bắc hoặc trở lại quê hương miền Nam để công tác và chiến đấu, trong số này nhiều người đã anh dũng hy sinh.
Nhà báo Trần Thanh Phương chỉ ra một điểm nhấn đặc biệt của học sinh miền Nam khi ấy: “Không hiểu vì sao Học sinh miền Nam trên đất Bắc rất thích đi vào binh chủng không quân. Có người nói do tính cách mạnh mẽ, tính khí ngang dọc, tung hoành và bao giờ cũng thử sức mình cao hơn, xa hơn… Hầu hết chiến sĩ phi công là Học sinh miền Nam đều chiến đấu trên bầu trời miền Bắc. Điều đó nói lên ý chí thống nhất trong suy nghĩ và hành động của Học sinh miền Nam, Bắc – Nam chỉ là một.”
Tới thập niên 1970, để chuẩn bị cho đất nước sau ngày thống nhất cần đội ngũ cán bộ có trình độ cao phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương, một bộ phận lớn học sinh miền Nam sau khi tốt nghiệp phổ thông đã được tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp, hoặc cử đi đào tạo nước ngoài.
Lớp học sinh miền Nam được đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước đã trưởng thành vượt bậc. Rất nhiều cựu học sinh miền Nam đã trở thành những bác sĩ, kỹ sư, diễn viên, nhà văn, nhà giáo, nhà khoa học nổi bật hoặc giữ cương vị cao trong Đảng, Chính phủ, Quốc hội…
Bác sĩ Huỳnh Thị Niệm, người từng trực tiếp chăm sóc nhiều thế hệ học sinh miền Nam bày tỏ cảm xúc đặc biệt qua những dòng hồi ức: “Nhìn các cháu trưởng thành, nhiều người đã là những cán bộ có trọng trách của quốc gia và địa phương, trong đó có những cháu được chúng tôi chăm sóc khi ốm đau, mà lòng thấy nhẹ nhõm, tự hào.
Xin cảm ơn Đảng và Bác Hồ đã có một đường lối sáng tạo và tuyệt đối đúng đắn: Ươm những hạt giống đỏ hết sức quý giá của miền Nam cho ngày nay. Xin cảm ơn đồng bào miền Bắc đã dang tay cưu mang, nuôi nấng và dạy dỗ chúng tôi trưởng thành”.
Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách:
-Trường học sinh miền Nam ở hậu phương miền Bắc (1954-1975): Lịch sử và bài học (NXB Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh)
-Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (NXB Chính trị Quốc gia)
-Học sinh miền Nam: Tư liệu và kỷ niệm (NXB Văn hoá - Văn nghệ)
-Nửa thế kỷ học sinh miền Nam trên đất Bắc (NXB Chính trị Quốc gia)
Hoàng Long/VOV.VN
Tổng hợp