Ngày 1/9/1939, không tuyên chiến, Đức bất ngờ tấn công Ba Lan, chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu. Đây cũng là ngày mở đầu cho cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất, gây nên tổn thất về người và của khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại: 76 nước bị kéo vào cuộc chiến, 60 triệu người chết, 90 triệu người bị thương và tàn tật, 1.384 tỉ đô la chi phí quân sự trực tiếp, thiệt hại về vật chất là 4.000 tỉ đô la…
Kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc ngày 9/5/1945 đến nay, mặc dù bài học về một cuộc chiến kinh hoàng vẫn còn đó, nhưng người dân ở nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa được hưởng hòa bình thật sự. Chiến tranh lạnh diễn ra từ 1946 - 1989, đã có lúc như đẩy “thế giới bên bờ vực thẳm”. Nhiều giai đoạn căng thẳng đến cao trào trong quan hệ quốc tế, như cuộc bao vây Berlin (1948-1949), chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hay khủng hoảng Berlin 1961, chiến tranh Đông Dương (1945-1975) và nhiều sự kiện khác.
Kể từ sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ (1991), lợi dụng ưu thế không còn đối trọng, Mỹ đã “đơn phương” lãnh đạo, chi phối thế giới, triển khai “cuộc thập tự chinh” áp đặt “các giá trị Mỹ”, như “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “mô hình phát triển kiểu Mỹ”... ra khắp thế giới. Mỹ thực hiện những biện pháp trừng phạt, can thiệp vào công việc nội bộ, trong đó bao gồm cả biện pháp quân sự đối với các quốc gia độc lập có chủ quyền núp dưới chiêu bài bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”... Từ đó, hàng loạt các cuộc chiến đã diễn ra như chiến tranh vùng Vịnh Péc-xích năm 1991, chiến tranh tại Nam Tư năm 1999, chiến tranh Áp-ga-ni-xtan năm 2001, chiến tranh I-rắc năm 2003... Bên cạnh đó là xung đột, chính biến ở hàng loạt các nước, như “cách mạng sắc màu” vào những năm 2004 - 2006 ở nhiều quốc gia trong không gian hậu Xô-viết, “Mùa xuân Ả rập” ở một số quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi vào năm 2011…
Dù nhận định hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cho rằng, xu thế này đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng…
Thực tế là, những năm gần đây, nhân loại đang đứng trước những cảnh báo về một cuộc “Thế chiến ba” có nguy cơ nổ ra. Cuộc xung đột Nga - Ucraina diễn ra hơn hai năm qua đã gây nên những tổn thất cả về người và của. Các con số thống kê tuy không chính thức nhưng ước tính, hơn nửa triệu binh sĩ ở cả hai bên đã thiệt mạng. Cuộc sống của người dân của các hai quốc gia đều bị đe dọa nghiêm trọng.
Cùng với đó, thế giới đang ngày càng căng thẳng hơn với cuộc chiến đang diễn ra ở dải Gaza. Cho đến nay, chiến sự leo thang kéo dài khiến tổn thất gia tăng đối với cả Israel, Hamas và Palestine, nhất là người dân tại Dải Gaza. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), đến nay, số người Palestine ở Dải Gaza bị thiệt mạng đã vượt quá 33.000 người, trong đó có 9.000 phụ nữ và 13.000 trẻ em, số người bị thương lên tới hơn 76.000 người. Con số thống kê này vẫn còn chưa đầy đủ bởi hàng nghìn nạn nhân vẫn còn đang nằm dưới đống đổ nát.
Thành phố Gaza nay đã trở thành đống đổ nát hoang tàn với hơn 100.000 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn, 290.000 tòa nhà bị hư hại nặng, 30 bệnh viện, 150 cơ sở y tế cùng nhiều trường học bị bắn phá và phải tạm ngừng hoạt động, hệ thống y tế và giáo dục bị sụp đổ hoàn toàn. Thiệt hại tại Dải Gaza ước tính khoảng 18,5 tỷ USD(1).
Điều nguy hiểm là cả hai cuộc chiến này đều đang trực tiếp hoặc gián tiếp lôi kéo nhiều nước tham gia. Đối với cuộc xung đột Nga - Ucraina, ngay từ đầu, cuộc chiến này không chỉ nằm trong giới hạn giữa hai quốc gia mà đã nhanh chóng trở thành một cuộc đối đầu giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi phương Tây phát động cuộc tiến công Nga trên tất cả lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, tình báo, thông tin... và sự đáp trả quyết liệt của Nga.
Trong khi đó, cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza đang lôi kéo sự tham gia của các nước khu vực Trung Đông vào cuộc. Ngay khi bùng nổ xung đột Israel - Hamas, Mỹ đã đứng hoàn toàn về phía Israel, can dự trực tiếp, thông qua gói viện trợ khẩn cấp 14,2 tỷ USD, đưa hai tàu sân bay là USS Gerald R. Ford và USS Dwight Eisenhower cùng các tàu hỗ trợ, đồng thời triển khai 2.000 quân tới khu vực. Phía bên kia, cùng chiến tuyến với lực lượng Hamas, các tổ chức Hồi giáo ở Lebanon, Iraq, Syria, Iran... đã tăng cường tấn công vào các lợi ích của Israel và Mỹ. Ngọn lửa chiến tranh quy mô lớn đang lan rộng ra toàn khu vực và ngày một nóng hơn.
Hàng loạt các nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia trên thế giới đã đưa ra lời cảnh báo một cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Ba. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, đến cuối năm 2023, Mỹ sở hữu 5.244 đầu đạn hạt nhân, Nga 5.889, Trung Quốc 410, Pháp 290, Anh 225... Nếu Thế chiến Ba nổ ra, chỉ một lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân cũng có thể hủy diệt Trái đất(2).
Khi những nguy cơ trên đang hiện diện, nhân loại lại một lần nữa nhớ lại sự khủng khiếp mà hai cuộc Chiến tranh Thế giới trước đã gây ra, đặc biệt là Thế Chiến Hai. Những bài học mà nó đem lại vẫn còn nguyên những giá trị trong bối cảnh ngày nay với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nhìn vào lịch sử cũng như hiện tại, để thấy rằng kết luận của C.Mác và Ph.Ăngghen trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản hoàn toàn đúng đắn: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”(3). Thật vậy, tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với các sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít chưa phải đã hoàn toàn diệt vong mà biến tướng sang nhiều hình thức khác nhau như chạy đua vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột vũ trang, tôn giáo, sắc tộc. Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc vẫn là nguyên nhân của mọi áp bức, bóc lột dân tộc trên thế giới, là hiểm họa của hòa bình nhân loại. Chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước hoạt động vũ lực, trước sự hình thành của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cường quyền mới, chủ nghĩa bá quyền… đang có dấu hiệu gia tăng hiện nay.
Để gìn giữ hòa bình, Đảng và nhân dân ta luôn nhận thức rõ, chiến tranh cần phải được tránh bằng mọi giá, các quốc gia cần phải kiềm chế trong khi tìm kiếm lợi ích mà không phải sử dụng vũ lực. Đây cũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng và thực hiện chính sách đối ngoại theo tư tưởng “Ngoại giao cây tre Việt Nam” - với quan điểm mềm mại, khôn khéo, hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Thông điệp của đối ngoại Việt Nam trong quan hệ quốc tế là: Việt Nam yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, sự tin cậy chính trị, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
85 năm đã trôi qua, nhưng những bài học về Thế chiến hai vẫn cần luôn được ghi nhớ với tất cả các quốc gia, dân tộc. Đó là lời nhắc nhớ tất cả chúng ta về ý nghĩa của hòa bình và trách nhiệm gìn giữ nó trong hiện tại và tương lai. Đối với mỗi người cộng sản, xây dựng một thế giới mà trong đó các dân tộc chung sống hòa bình, hữu nghị cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng cần hướng tới.
-----------------------------------------------------------
(1) Nguyễn Quang Khai, Cuộc xung đột quân sự tại Dải Gaza: Những hệ lụy khó lường, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/921602/cuoc-xung-dot-quan-su-tai-dai-gaza---nhung-he-luy-kho-luong.aspx, cập nhật ngày 12/5/2024.
(2) Hà Ngọc, Cảnh báo nguy cơ Thế chiến III, khủng hoảng hạt nhân, http://quocphongthudo.vn/quoc-te/binh-luan-quoc-te/canh-bao-nguy-co-the-chien-iii-khung-hoang-hat-nhan.html, cập nhật ngày 27/2/2024.
(3) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 4, 1995, tr. 624.
Thu Huyền