Nét văn hóa đặc sắc của miền sông nước Cửu Long
Dọc theo tuyến Quốc lộ 91 hướng từ thành phố Long Xuyên lên đến thành phố Châu Đốc (An Giang), khi đến tượng đài cá ba sa ở công viên Châu Đốc, phóng tầm mắt ra phía đối diện sẽ thấy những bè cá sắc màu khoe mình trên dòng sông Châu Đốc. Những mảng màu sặc sỡ đó đã tạo nên sự tươi mới cho phong cảnh vốn bình yên, lặng lẽ nơi đây. Nhìn tổng thể, làng bè như một tấm lụa đầy màu sắc, uốn mình theo hình dáng quanh co, khúc khuỷu của con sông. Đó chính là "Làng bè sắc màu" với 161 nhà bè sơn 6 màu: đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím được hình thành trên cơ sở phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang với Uỷ ban nhân dân huyện An Phú (An Giang) nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, cũng như mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách gần xa.
Mặc dù ngành chăn nuôi thủy sản (cá tra, cá ba sa) ở Châu Đốc đã qua thời kỳ “vàng son”, nhưng các làng bè là nơi lắng đọng những giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất này. Vì vậy, việc "khoác áo mới" cho làng bè Châu Đốc nhằm khai thác lợi thế về cảnh quan sinh thái và văn hóa đời sống sông nước của người dân địa phương để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo đã đưa "Làng bè sắc màu" trở thành điểm đến đặc trưng, thu hút du khách mỗi khi đến với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Làng bè sắc màu là địa điểm lý tưởng để du khách trải nghiệm sinh thái, du lịch cộng đồng, thưởng lãm thủy cảnh hữu tình và dịch vụ nghỉ dưỡng hấp dẫn của Châu Đốc, mang đậm dấu ấn sông nước miền Tây.
Làng bè sắc màu là điểm đến mới lạ cho du khách tại An Giang (Ảnh: Lục Ly)
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Với Dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang thực hiện, những bè cá lâu đời được thay đổi diện mạo, trở nên sống động, rực rỡ, nổi bật lên giữa ngã ba sông Châu Đốc thơ mộng và hiện là sản phẩm duy nhất tại đồng bằng Sông Cửu Long. Tính mới, tính sáng tạo của làng bè sắc màu đã khiến các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh quan tâm, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội.
Thời gian qua, làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc đã được giới thiệu tại các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch, nhằm kết nối với các đối tác ngoài tỉnh để thiết kế các tuyến đưa du khách đến trải nghiệm, khám phá sự độc đáo của làng bè. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã và đang hướng dẫn người dân làng bè phát triển các hình thức kinh tế, cũng như trang trí đèn màu lung linh về đêm, tạo dấu ấn mới cho điểm du lịch này. Đồng thời, kết hợp với nét du lịch văn hóa Chăm tại Đa Phước (huyện An Phú), để mang đến trải nghiệm phong phú cho du khách, đặc biệt là trong dịp lễ, tết sắp đến.
An Giang nâng cao chất lượng hoạt động du lịch sông nước gắn với du lịch văn hóa các
dân tộc (Ảnh: Lục Ly)
Sau khi ra mắt làng bè sắc màu, mục tiêu tiếp theo của ngành chuyên môn là nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách khi đến trải nghiệm tại đây, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sông nước, du lịch văn hóa tại thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu và huyện đầu nguồn An Phú, cụ thể như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, làng Chăm Đa Phước, làng Chăm Châu Phong, các thánh đường Hồi giáo, búng Bình Thiên...
Xoay quanh định hướng phát triển dịch vụ du lịch tại làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc, có rất nhiều ý kiến đóng góp khác nhau nhưng tập trung vào các vấn đề như: cơ chế, chính sách hỗ trợ khai thác, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch tại làng bè; phát triển hạ tầng du lịch, bến bãi đường thủy chuyên nghiệp; phát triển các sản phẩm, dịch vụ đi kèm với làng bè; kết nối các tuyến du lịch đường bộ, đường thủy với các địa phương trong vùng; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho cộng đồng địa phương; cần giải quyết các vấn đề về môi trường, an ninh du lịch, an toàn cho du khách; tăng cường truyền thông, quảng bá làng bè sắc màu đến du khách...
Cần tạo điều kiện để phát triển hoạt động du lịch tại Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc (Ảnh: Lục Ly)
Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và địa phương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang sẽ phối hợp với các địa phương đề ra giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc trở thành điểm nhấn của du lịch sông nước An Giang, là sản phẩm du lịch có thương hiệu và uy tín, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh An Giang ngày càng phát triển bền vững.
Lục Ly