Câu hỏi: Xin Ban biên tập cho biết An ninh mạng và bảo vệ an ninh mạng là gì?
* An ninh mạng
Điều 2, Luật An ninh mạng năm 2018 xác định:
“An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng” 1.
Mục tiêu bảo vệ của an ninh mạng là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đối tượng bảo vệ của an ninh mạng gồm: chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không gian mạng quốc gia và cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; hệ thống thông tin của cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Đặc điểm của an ninh mạng: An ninh mạng hiện nay đang trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. An ninh mạng là một bộ phận của an ninh quốc gia, gắn với công tác quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội có đầy đủ tính chất của an ninh phi truyền thống gồm: tính phi chính phủ; tính tương đối; tính chuyển hóa; tính vận động; tính vô hình và khó xác định. Nó có mối quan hệ mật thiết, qua lại với các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, như an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh văn hóa - tư tưởng. An ninh mạng diễn biến phức tạp, gắn với sự phát triển của khoa học - công nghệ, điện tử viễn thông và công nghệ thông tin.
* Bảo vệ an ninh mạng
Bảo vệ an ninh mạng là tổng hợp các biện pháp, cách thức để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng. Bảo vệ an ninh mạng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các ngành, các cấp, trong đó lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân làm nòng cốt.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng bao gồm: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an; Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng. Các lực lượng khác phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo chức năng.
Đối tượng của bảo vệ an ninh mạng gồm: đối tượng bảo vệ và đối tượng đấu tranh.
Đối tượng bảo vệ gồm: chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; cơ sở hạ tầng mạng thông tin quốc gia; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên vận hành, điều khiển hoạt động của hệ thống mạng thông tin trọng yếu quốc gia; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh mạng và bảo vệ an ninh mạng.
Đối tượng đấu tranh gồm: các thế lực thù địch, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức, cá nhân trong nước có hoạt động xâm phạm an ninh mạng hoặc lợi dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Các biện pháp bảo vệ an ninh mạng: Nghị định số 53-NĐ/CP ngày 15-8-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng chỉ rõ: Các biện pháp bảo vệ an ninh mạng bao gồm: thẩm định an ninh mạng; đánh giá điều kiện an ninh mạng; kiểm tra an ninh mạng; giám sát an ninh mạng; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng; yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền.
Vai trò của bảo vệ an ninh mạng: Bảo vệ an ninh mạng có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm cho sự phát triển, ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Vai trò đó được thể hiện trên những phương diện cụ thể sau: (1) Bảo vệ an ninh mạng góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; (2) Bảo đảm sự an toàn, ổn định, lành mạnh và phát triển đúng định hướng của không gian mạng; (3) Góp phần phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm và các yếu tố khác xâm phạm đến an ninh mạng; (4) Góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh bùng nổ của khoa học công nghệ.
BBT
1 Luật An ninh mạng, Nxb.Tư pháp, H.2018, tr.7-8.
BBT