Trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, không gian mạng ngày càng phát triển giúp gắn kết mọi cá nhân, tổ chức với nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng; phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của con người trong cuộc sống thường ngày; giúp chúng ta tiếp cận, cập nhật với những giá trị mới, tiến bộ và phát triển hơn... Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là giá trị thật và giá trị được thừa nhận trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng song hành cùng nhau, thậm chí nó khiến nhiều người dùng hoang mang, dễ bị cuốn vào việc thể hiện cái tôi cá nhân quá mức cần thiết và hơn nữa là muốn nói gì thì nói, muốn hăm dọa, chửi ai thì chửi.
Có nhiều trường hợp cố tình vượt qua ranh giới để xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác; đăng tải thông tin sai sự thật để “câu like”, “câu view”. Những thông tin không kiểm chứng, thiếu cơ sở hay bịa đặt đã khiến nhiều người lầm tưởng đó là một quyền lực được mạng xã hội trao cho. Tuy nhiên, trên thực tế cái quyền lực đó không được phép đứng trên pháp luật, nó đã vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp lý và buộc họ phải trả giá.
Quyền lực ảo - Hậu quả thật
Quyền lực trên mạng là thứ quyền lực phi thể chế hóa. Đó là thứ quyền lực được đám đông trao tặng và cũng vì thế, nó có thể được đám đông rút lại một cách rất dễ dàng.Vậy nên, người nào đó được công chúng trao tặng "quyền lực" và "tầm ảnh hưởng" trên mạng (KOLs) thì cũng phải hiểu rõ thử thách của việc nếu không tự nhận biết đâu là giới hạn thì sẽ rất dễ dàng đánh mất nó.
Thời gian qua, trên mạng xuất hiện một số người sau thời gian gây dựng, "đánh bóng" tên tuổi, được nhiều người theoi dõi đã ảo tưởng rằng mình là một đấng “thượng đế” tối cao trên mạng, được phép tha hồ thóa mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm... của người khác, đưa thông tin sai sự thật, không kiểm chứng về cá nhân, tổ chức khác.
Điển hình như ngày 15/4/2022, facebooker Đặng Như Quỳnh ở Hà Nội đã bị cơ quan chức năng khởi tố vì soạn thảo, đăng tải các bài viết trên Facebook cá nhân hàm ý về một số cá nhân đại diện các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị xử lý hình sự; gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư.
Hay Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Nam, người đã từng một thời "khuấy đảo" trào lưu livestream trên mạng xã hội cũng đã bị Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sau một loạt các cuộc livestream “thóa mạ, xúc phạm, kết án nhiều cá nhân” với hàng chục nghìn lượt người theo dõi, chia sẻ, bình luận.
Trước đó là những “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Phú Lê... với những hình ảnh phản cảm, phát ngôn gây shock, hành vi bạo lực… tạo hiệu ứng tiêu cực trong xã hội cũng không thoát khỏi vòng lao lý.
Mạng ảo nhưng hậu quả thật. Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của công dân nhưng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Không gian mạng, tưởng chừng là mênh mông, nhưng hóa ra chật chội hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Bên cạnh mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại, không ít những hệ lụy đã xảy ra, để lại hậu quả nặng nề đến mức không thể khắc phục được. Thậm chí, nhiều người tự ban cho mình cái quyền phán xét, luận tội như “Bao Công xử án trong bộ phim truyền hình Bao Thanh Thiên” hay tự cho là “người phán xử” trước một sự việc chưa rõ đúng sai. Những vụ việc như thế không đơn giản là phản ứng tự nhiên, là cảm xúc của cư dân mạng, đã đến lúc cần phải được kiểm soát để không gây náo loạn trật tự xã hội.
Để không gian mạng “sạch” và an toàn
Đã có một loạt các văn bản quy phạm pháp luật được Nhà nước ban hành để điều chỉnh phát ngôn, hành vi, ứng xử và các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng, nhằm tạo dựng một không gian mạng lành mạnh, an toàn, như: Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng; Luật Viễn thông; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự hay gần đây nhất là Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành ngày 13/12/2021. Trong đó, khuyến khích nghệ sĩ sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để chia sẻ, đăng tải thông tin chính xác, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”… Trước đó, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm mục đích làm sạch không gian mạng và đem lại sự an toàn cho người dùng mạng xã hội.
Hiện nay, số người dùng Facebook, Zalo, Youtube, TikTok tại Việt Nam lên tới hàng chục triệu người, trong đó chủ yếu là giới trẻ - những người dễ bị tổn thương trên môi trường mạng. Và để bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dễ bị tổn thương đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh để trẻ em thỏa sức sáng tạo.
Nhận thấy sự ảnh hưởng tiêu cực của việc lợi dụng dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet (OTT TV), Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh các sai phạm về dịch vụ OTT TV xuyên biên giới trên trang thông tin điện tử của Cục tại địa chỉ: http:/abei.gov.vn để giúp người dân gửi phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước một cách trực tiếp khi phát hiện các nội dung trái pháp luật trên các dịch vụ này.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok và các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông lớn trong nước như VNPT, Viettel, FPT, BKAV… để áp dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… để thường xuyên “rà soát và bóc gỡ mã độc”, góp phần bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.
Điều quan trọng nhất chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia mạng xã hội. Mỗi cư dân mạng cần phải là người sử dụng mạng xã hội có bản lĩnh, có trách nhiệm và có văn hóa ứng xử văn minh thì mới xây dựng một cộng đồng mạng lành mạnh và bền chặt.Còn sự ảo tưởng sức mạnh từ ngoài đời thật cho đến môi trường mạng xã hội đều để lại những hậu họa khôn lường. Chưa kể, chẳng có chính quyền nào có lương tri và năng lực mà lại để những kẻ “ngáo quyền lực” tung hoành như chốn không người trên không gian mạng./.
Dương Hiệu