Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng thương mại APEC nêu rõ: nhận thức được vai trò của tiêm chủng mở rộng ngừa Covid-19 như một lợi ích công cộng toàn cầu, APEC sẽ đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19 một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng.
Các nước thành viên APEC cũng sẽ cân nhắc các hành động mang tính tự nguyện nhằm giảm giá thành của các sản phẩm vaccine ngừa Covid-19 và các hàng hóa liên quan cho mọi người, đặc biệt khuyến khích các nền kinh tế xem xét lại các khoản thuế được áp dụng ở biên giới mỗi nước đối với loại hàng hóa này.
Các bộ trưởng cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm đẩy mạnh sự lưu thông các hàng hóa thiết yếu, cũng như tối thiểu hóa sự gián đoạn đối với các mạng lưới có vai trò quan trọng nhằm duy trì chuỗi cung ứng hoạt động suôn sẻ.
Các rào cản thương mại liên quan đến vaccine, bao gồm hạn chế về mặt xuất khẩu, thuế quan và các rào cản nhập khẩu được xem là những yếu tố khiến việc tiếp cận vaccine bị hạn chế ở các quốc gia đang phát triển. Trên thực tế, mức thuế trung bình của APEC đối với vaccine hiện đang ở mức thấp, khoảng 0,8%, song các mặt hàng khác có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng vaccine phải chịu mức thuế cao hơn. Ở một số nền kinh tế APEC, các hàng hóa như dung dịch chứa cồn, thiết bị đông lạnh, đóng gói và bảo quản nguyên liệu, chai lọ và nút cao su dùng để cất trữ vaccine phải chịu thuế suất trung bình trên 5% và thuế nhập khẩu có thể lên tới 30%.
Ngoài đẩy mạnh sự lưu thông và vận chuyển của mọi loại vaccine, cũng như các hàng hóa liên quan, các bộ trưởng APEC cũng đã thảo luận về việc loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19, hiện đang được đàm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuyên bố nêu rõ, các nền kinh tế APEC sẽ tích cực ủng hộ các cuộc thảo luận về việc loại bỏ tạm thời một số biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ nhất định đối với vaccine ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt./.
Hồng Nhung/VOV1