Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết nước này không còn có thể dựa vào Nga làm đối tác quân sự và quốc phòng chính vì Moscow đã nhiều lần làm Armenia thất vọng.
Vì vậy, ông cho rằng, Armenia phải nghĩ đến việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và Pháp.
Armenia, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giáp Gruzia, Azerbaijan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu đã phụ thuộc vào đồng minh Nga về an ninh.
Ông Pashinyan nói với Đài phát thanh công cộng Armenia khi được hỏi về việc cải cách lực lượng vũ trang Armenia: "Chúng ta cần hiểu được rằng liệu chúng ta thực sự có thể duy trì mối quan hệ quân sự-kỹ thuật và quốc phòng với ai".
"Trước đây, vấn đề này đơn giản vì 95-97% quan hệ quốc phòng của chúng ta là với Liên bang Nga. Bây giờ điều này không thể vì cả lý do khách quan lẫn chủ quan", ông nói.
Ông Pashinyan cho biết Armenia nên suy nghĩ về mối quan hệ an ninh mà nước này nên xây dựng với Mỹ, Pháp, Ấn Độ và Gruzia.
Mối quan hệ giữa Nga và Armenia - vốn vẫn là đồng minh của Moscow trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - đã trở nên xấu đi trong thời gian qua.
Armenia tỏ ra không hài lòng với Nga vì cho rằng Moscow chưa có các động thái đủ mạnh mẽ hỗ trợ đồng minh CSTO trong cuộc xung đột với Azerbaijan ở Nagorno - Karabakh. Đây là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận là thuộc về Azerbaijan nhưng có phần lớn người dân là người gốc Armenia sinh sống.
Chính quyền ly khai thân Yerevan đã chính thức bị giải thể vào tháng 9/2023 sau chiến dịch của Azerbaijan.
Sau khi Baku giành lại quyền kiểm soát Nagorno - Karabakh, Yerevan cũng cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không bảo vệ được người gốc Armenia ở vùng đất này. Trong khi đó, Nga khẳng định lực lượng của họ chỉ làm đúng theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan.
Ông Pashinyan nói rằng Nga đã gây thất vọng cho Armenia khi không bảo vệ được đồng minh trước chiến dịch quân sự của Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh.
Trong khi đó, Nga cho rằng chính sách không thành công của Armenia trong việc xử lý các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Caucasus là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Gần đây, Armenia đã chính thức gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) bất chấp Moscow từng cảnh báo đây là động thái "không thân thiện" vì ICC hồi tháng 3/2023 đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì chiến sự ở Ukraine và cáo buộc trục xuất trẻ em bất hợp pháp sang Nga.
Yerevan hiện có nghĩa vụ bắt giữ nhà lãnh đạo Nga nếu ông đặt chân lên lãnh thổ nước này.
Tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Armenia cho biết chính sách chỉ dựa vào Nga để đảm bảo an ninh cho đất nước mình là một "sai lầm chiến lược" vì Moscow đã không thể giữ cam kết và còn đang thu hẹp vai trò trong khu vực.
Armenia trong thời gian qua đã có các động thái xích lại gần hơn với phương Tây, bao gồm cả việc tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ.
Cuối tháng 12/2023, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cáo buộc Mỹ từ lâu đã mong muốn mở "mặt trận thứ 2" chống lại Moscow ở Nam Caucasus bằng cách can thiệp vào các vấn đề khu vực.
"Đặt cược vào sự trợ giúp kỳ diệu của phương Tây là ảo tưởng và nguy hiểm", ông Galuzin cảnh báo, cho rằng sự can thiệp của phương Tây vào Iraq, Afghanistan, Libya, Syria, Ukraine và khu vực ly khai Kosovo của Serbia đều gây ra kết quả tiêu cực.
Nguồn: dantri.com.vn