Hôi nghị Cập nhật chính sách và kinh tế Việt Nam 2024 diễn ra ngày 6/12 tại trường Đại học Quốc gia Australia đã cung cấp nhiều thông tin về những chính sách mới và sự phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, trong đó Australia rất quan tâm tới những thay đổi đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay.
Hơn 150 người gồm những người làm chính sách, đại diện doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, học giả và những người quan tâm tới Việt Nam đã tới tham dự Hội thảo Cập nhật chính sách và kinh tế Việt Nam 2024 do Đại học Quốc gia Australia tổ chức dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.
Phát biểu tại sự kiện, bà Robyn Mudie, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam nhận định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á và cùng chia sẻ tầm nhìn về một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển trong tất cả các lĩnh vực.
Trong bối cảnh này, bà Robyn Mudie cho rằng, việc Australia cập nhật các chính sách mới của Việt Nam là rất quan trọng khi đây không chỉ là sự chia sẻ thông tin, chia sẻ tri thức mà còn là cơ hội để các chuyên gia và học giả có thể mở rộng mạng lưới và đóng góp vào quan hệ giữa hai nước.
Tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm cũng đã cập nhật một số thành tựu của Việt Nam trong năm 2024 trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt tới 6,1%; tính đến tháng 10/2024 đã thu hút hơn 27 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và riêng tháng 10/2024 thu hút 1,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Đại sứ Phạm Hùng Tâm cũng chia sẻ tầm nhìn về Kỷ nguyên vươn mình được Tổng Bí thư Tô Lâm thông báo mới đây để đưa Việt Nam hướng tới sự thịnh vượng và vững mạnh. Đại sứ Phạm Hùng Tâm tin tưởng, việc Australia cập nhật các chính sách và tình hình mới tại Việt Nam sẽ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, đóng góp vào sự phát triển của quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai nước.
Tại hội thảo, các giáo sư, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Australia, Đại học Indiana của Mỹ, Đại học kinh tế quốc dân của Việt Nam đã thông tin về những thay đổi mới nhất về bộ máy, chính sách và các cải cách kinh tế Việt Nam và tác động của các chính sách này tới thị trường chứng khoán, điều tiết giá cả, môi trường, sức khỏe, năng lượng tái tạo, cách thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, sự cân bằng giữa phát triển nông nghiệp và hệ sinh thái ở tiểu vùng sông Mekong….
Phần trình bày của giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Mỹ về 7 định hướng chiến lược mà Tổng Bí thư Tô Lâm vừa nêu ra để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình đã thu hút sự quan tâm lớn của các đại biểu tham dự hội thảo.
Giáo sư, tiến sỹ Trần Ngọc Anh cho biết, Australia đánh giá Việt Nam là đối tác chiến lược cả về chính trị, an ninh và kinh tế và trong nhiều năm qua Australia đã liên tục ủng hộ Việt Nam vì vậy nước này tiếp tục quan tâm tới những thay đổi mạnh mẽ mà Việt Nam bắt đầu triển khai trong thời gian gần đây:
“Hiện nay Australia rất quan tâm tới những cái đang diễn ra ở Việt Nam, từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm nhậm chức và đưa ra tầm nhìn về Kỷ nguyên vươn mình. Họ rất muốn tìm hiểu về nội hàm của Kỷ nguyên vươn mình, mức độ mà chúng ta sẽ vươn mình trong thời gian tới và việc chúng ta cần làm là cái gì. Về phía Australia thì tôi nghĩ là họ thực sự rất chân thành muốn hỗ trợ để Việt Nam thành công. Họ cũng muốn hiểu xem là về phía họ thì có thể hỗ trợ gì để Việt Nam đạt được mục tiêu trong Kỷ nguyên vươn mình”, ông Trần Ngọc Anh phân tích.
Giáo sư Suiwah Leung thuộc trường Đại học Quốc gia Australia là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam giai đoạn Đổi mới, bà quan tâm tới những thay đổi trong bối cảnh chính quyền tại Việt Nam và hy vọng những thay đổi này sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển:
“Tôi cho rằng mối quan hệ giữa Đảng với các thành phần trong bộ máy chính trị và với kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Hiện tại, kinh tế tư nhân có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế Việt Nam và ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới. Mối quan hệ giữa 3 thành tố này là rất quan trọng bởi vì Đảng và các thành phần trong bộ máy chính quyền cần phải cho phép kinh tế tư nhân phát triển. Vì vậy điều mà tôi quan tâm là làm thế nào để gốc rễ của cây - là Đảng và thân cây - là bộ máy chính quyền tạo điều kiện để lá cây - là kinh tế tư nhân có thể phát triển”.
Với chuyên gia nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á, Giáo sư Paul Burke, những đổi mới đang diễn ra tại Việt Nam thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận. Mặc dù cho đến lúc này chưa có nhiều thông tin chi tiết về các biện pháp để tạo ra sự bứt phá song giáo sư Paul Burke khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển.
“Đây là thời điểm rất thú vị của Việt Nam khi triển khai thực hiện đề xuất sáp nhập một số bộ và thúc đẩy nền kinh tế. Tôi cho rằng chúng ta cần có thêm thông tin về cách thức nền kinh tế có thể phát triển mạnh hơn. Tuy vậy rõ ràng thời điểm này đặt ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tôi rất quan tâm tới vai trò của năng lượng sạch trong nền kinh tế. Tôi biết rằng Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực này cũng như các cơ hội đang có trong các ngành như giáo dục, y tế hay công nghệ. Mặc dù vẫn cần thêm thông tin song chúng tôi thấy rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển mạnh hơn", chuyên gia này nhấn mạnh.