Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 152 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 53 di tích được xếp hạng gồm: 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 07 di tích Quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích, thắng cảnh đã được tỉnh khai thác, đưa vào phục vụ du lịch như: Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; ATK Chợ Đồn; Động Nàng tiên; rừng trúc Pù Lầu, du thuyền Sông Cầu; di tích lịch sử Nà Tu, đồn Phủ Thông,... Cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Kạn còn sở hữu 01 di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là hát Then, 16 di sản trong danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều công trình kiến trúc tâm linh thu hút được đông du khách đến chiêm bái và tham quan như: Chùa Thạch Long, Chùa Phố Cũ, Đền Thắm, Đền Thác Giềng. Bên cạnh đó còn có nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như Hội lồng tồng Ba Bể, Chợ tình Xuân Dương, Hội chọi bò Xuân Lạc. Cùng với những lợi thế trên, sự độc đáo, đa dạng trong bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc đều là thế mạnh có thể khai thác trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng ấy, những năm qua, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang được tỉnh Bắc Kạn quan tâm phát triển, nhiều hình thức du lịch thuộc loại hình này đã được hình thành và từng bước chuyên nghiệp hóa với nhiều điểm đến được du khách đánh giá cao như: Làng du lịch thôn Pác Ngòi, làng du lịch thôn Bó Lù, làng du lịch thôn Bản Cám... Khi đến đây, du khách sẽ được thưởng thức tiếng đàn tính, tiếng hát Then, điệu múa bát của đồng bào dân tộc Tày, tiếng khèn Mông hay điệu múa của các cô gái dân tộc Dao; được thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị ẩm thực thuyền thống; được tham gia các tuyến du lịch khám phá như Động Hua Mạ, đảo Bà Góa, thác Đầu Đẳng, hay được tham gia các sinh hoạt dân gian như xay lúa, tráng bánh, quăng chài, úp nơm,...
Mô hình đưa khách tham quan trên sông của người dân vùng hồ Ba Bể
(Nguồn: vov.vn)
Bên cạnh hình thức du lịch làng bản, du khách có thể kết hợp du lịch tham quan các làng nghề, trải nghiệm các ngành nghề thủ công truyền thống như: Làm miến, tráng bánh, thêu, dệt thổ cẩm. Đặc biệt, du khách có thể lựa chọn các điểm du lịch sinh thái gắn với các trải nghiệm nông nghiệp như cánh đồng dâu tây Nam Cường, Vườn nho Thượng Quan, câu cá hồ Bản Chang, hồ nuôi cá hồi Bằng Phúc, Yến Dương. Dù mới đưa vào khai thác, song các mô hình du lịch này cũng đã phần nào tạo được những trải nghiệm đặc biệt cho du khách.
Trải nghiệm thêu trang phục dân tộc Dao Tiền thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông
(Nguồn: mybackan.vn)
Để gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, công tác phục dựng các giá trị văn hóa cũng được tỉnh Bắc Kạn quan tâm. Các công trình kiến trúc, di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo; các làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát triển; nhiều giá trị văn hóa phi vật thể được kiểm kê, nhận diện và phục dựng, như: Nghi lễ cấp sắc, Hát Pá Dung của người Dao; Lượn Slương, Lễ Kỳ Yên, Lễ cấp sắc Tào, Nghi lễ cấp sắc Pụt (Lẩu Pụt) hay nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày; Nghệ thuật múa khèn của người Mông; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ...
Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng ở Bắc Kạn đang trong những bước đi ở giai đoạn đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm. Ở một số nơi, phát triển du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, chưa có chiến lược và quy hoạch cụ thể. Cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng. Hệ thống đường giao thông ít được đầu tư, nâng cấp; nhiều cơ sở lưu trú chưa bảo đảm các tiêu chí theo quy định; hệ thống khách sạn, nhà hàng, các tụ điểm sinh hoạt giải trí còn ít và thiếu tính chuyên nghiệp.
Du khách thưởng thức bánh truyền thống do người dân thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể) tự chế biến
(Nguồn: baobackan.vn)
Nguồn lực đầu tư của tỉnh cho du lịch cộng đồng còn hạn hẹp, năng lực thu hút các nguồn lực xã hội hóa chưa cao, chưa chào mời được các nhà đầu tư lớn, có nguồn lực tài chính dồi dào, tầm nhìn đầu tư chiến lược, dài hạn. Hầu hết người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống sinh hoạt vẫn theo nếp tự cung tự cấp, ít tiếp xúc với thị trường du lịch; còn tâm lý e ngại chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang làm dịch vụ du lịch. Quá trình đô thị hóa ở tỉnh Bắc Kạn đang diễn ra nhanh chóng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.
Thời gian tới, tỉnh cần có nhiều chính sách phù hợp hơn để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nhằm khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có, tạo thêm sinh kế cho người dân, vừa góp phần phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho đồng bào, vừa góp phần giữ gìn, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Hoàng Minh Anh