Vấn đề gốc rễ là phát triển kinh tế - xã hội
Trao đổi chuyên đề Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Báo Đồng Nai vào ngày 12-3, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh: “Muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vấn đề gốc rễ vẫn là phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, an ninh trật tự được giữ vững, quốc phòng được bảo vệ… thì người dân mới tin tưởng vào đường lối của Đảng”.
Quả thực, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng suốt 94 năm qua, đất nước và dân tộc ta “Chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.
Phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra ngày 26-2, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin: trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hàng năm khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho bảo đảm an sinh xã hội. Bộ trưởng tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người…
Tại Đồng Nai, khi kinh tế phát triển thì đời sống người lao động (NLĐ) ngày càng cải thiện. Với lợi thế lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, những năm qua, Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư, phát triển công nghiệp, kinh doanh sản xuất. Hàng năm, tỉnh cần bổ sung thêm khoảng 80 ngàn lao động, trong đó trên 17 ngàn lao động kỹ thuật trình độ trung cấp trở lên. Riêng năm 2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 81 ngàn lượt lao động, đạt trên 101% kế hoạch năm. Hiện thu nhập bình quân của NLĐ khoảng 9 triệu đồng/người/tháng.
Xây dựng giai cấp công nhân và hệ thống Công đoàn vững mạnh
Trong bối cảnh các thế lực thù địch lợi dụng điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam làm thành viên để gây sức ép, lôi kéo công nhân tham gia các tổ chức bất hợp pháp thì việc đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động Công đoàn là rất cần thiết.
Một trong những mục tiêu mà tổ chức Công đoàn Việt Nam hướng tới trong nhiệm kỳ 2023-2028 là “Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và anh hùng, tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước”. Đặc biệt, việc Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn.
Tại Đồng Nai, các cấp Công đoàn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để xây dựng đội ngũ lao động ngày càng vững mạnh. Công đoàn đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi NLĐ và tuyên truyền thay đổi nhận thức đầy đủ hơn về các quy định của pháp luật. Ngoài Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh hoạt động hiệu quả với 94 ngàn lượt NLĐ được tư vấn pháp luật, trong 5 năm qua, Đồng Nai còn có nhiều mô hình tuyên truyền khác cũng hoạt động sôi nổi như: Tư vấn pháp luật lưu động, Tư vấn qua báo, đài và mạng xã hội, Tư vấn qua điện thoại…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho rằng, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực trong tình hình mới. Nhiệm kỳ 2023-2028, tổ chức Công đoàn Đồng Nai đặt mục tiêu thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về pháp luật cho NLĐ và người sử dụng lao động. Chú ý nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, NLĐ để họ hiểu rõ về vị trí, vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng nhất của các cấp Công đoàn là triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả nhiệm kỳ là tập trung cho chương trình, kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. Các cấp Công đoàn cần đồng lòng, quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu hết năm 2024, toàn hệ thống phát triển được 1 triệu đoàn viên; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2023-2028, cả nước có 15 triệu đoàn viên Công đoàn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài LÊ THỊ THU HẰNG: Đảm bảo quyền con người trước hết và đầu tiên là đảm bảo cho nhân dân có cơm no, áo mặc, được sống trong hòa bình. Mặc dù có các thế lực, cá nhân, tổ chức cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền, nhưng việc Việt Nam lần thứ 2 được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu rất cao chính là bằng chứng sống động ghi nhận của các nước, tổ chức trên thế giới đối với thành tựu và chính sách của Việt Nam về việc đảm bảo quyền con người. Đảm bảo quyền con người trước hết và đầu tiên là việc đảm bảo cho nhân dân có cơm no, áo mặc, được sống trong hòa bình và tất cả những điều này, Việt Nam đều đảm bảo tốt. Việt Nam còn là một trong những nước thực hiện hoàn thành vượt trước cả thời hạn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam NGỌ DUY HIỂU: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp Công đoàn tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Chủ động đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người
Để chủ động đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ quan điểm: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”. Song song đó, với quan điểm nhất quán “không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước”, lực lượng công nhân cần kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không ngừng lớn mạnh, hiện đại, thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Rõ ràng, con đường đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề quyền con người để chống phá Đảng, Nhà nước là con đường gian nan, phức tạp và lâu dài. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới có những biến động phức tạp, khó lường, cộng với tiến trình thực thi các cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, đã và đang đặt ra cho hệ thống chính trị của nước ta nhiều vấn đề cần giải quyết. Do đó, hơn lúc nào hết, các tầng lớp nhân dân nói chung và giai cấp công nhân nói riêng cần thống nhất ý chí và hành động dưới ngọn cờ lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, từ đó phát huy sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn hiện nay.
Theo Đồng Nai cuối tuần