Hạnh phúc là mơ ước ngàn đời của con người ngay từ khi xuất hiện cho đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất nhiên, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đưa ra quan điểm về hạnh phúc của mình, điều này giúp nhiều người có những nhận thức đúng đắn về hạnh phúc cũng như mục đích của cuộc sống.
Hạnh phúc là trong cảm nhận và cách nghĩ của từng người. Do vậy, mỗi người sẽ có những quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Dưới tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều người lấy giàu có là tiêu chí hàng đầu để có hạnh phúc. Đúng là sự giàu có về vật chất cũng là một giá trị xã hội cần được tôn trọng nhưng nó đang bị đẩy lên một cách thái quá. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra một quan niệm đúng về hạnh phúc trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII nhày 24/11/2021 “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Bảo đảm về vật chất để con người có cuộc sống đầy đủ, tiện nghi hơn là yếu tố quan trọng tạo nên hạnh phúc vì con người luôn có nhu cầu được thỏa mãn đời sống vật chất của mình nhưng đó không phải là tiêu chí hàng đầu và càng không phải là tiêu chí duy nhất. Nhiều người giàu có nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc bởi hạnh phúc phải là sự hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Người có cuộc sống hạnh phúc không chỉ có mức sống cao mà còn phải có lối sống đẹp, đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, được đáp ứng cả nhu cầu vật chất và tinh thần. Do đó, không phải ngẫu nhiên người ta lấy ngày 20 tháng 3 là ngày quốc tế hạnh phúc vì đây là ngày mà thời gian ban ngày và thời gian ban đêm là bằng nhau. Vì vậy, Tổng Bí thư khẳng định đời sống tinh thần, tình cảm cũng là yếu tố quan trọng của cuộc sống hạnh phúc, được sống trong sự yêu thương, nhân ái, trong lẽ phải và sự công bằng cũng tạo ra cảm giác hạnh phúc. Hạnh phúc là yêu thương và được yêu thương. Tiếp nối tư tưởng về hạnh phúc này, trong Phát biểu tại buổi hặp mặt đại biểu về dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, ngày 26/11/2022, Tổng Bí thư khẳng định “Người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người”. Vì hạnh phúc là được sống trong tình yêu thương và yêu thương thì phải mang hạnh phúc đến cho người mình yêu thương do đó người hạnh phúc nhất chính là mang hạnh phúc đến cho những người xung quanh của mình, từ những người thân trong gia đình đến họ hàng, làng xóm, bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân, đồng bào, nhân loại. Quan niệm về hạnh phúc này của Tổng Bí thư có ý nghĩa định hướng tư tưởng và nhận thức đối với tất cả mọi người, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong bối cảnh không ít người có thái độ thờ ơ, vô cảm đối với những nỗi đau của người khác, chỉ chăm chăm lo lợi ích cá nhân và sự yên ấm của bản thân mình thì quan niệm về hạnh phúc này góp phần khắc phục lối sống vị kỷ, hẹp hòi. Khi con người có quan niệm về hạnh phúc như vậy, biết cho đi những yêu thương thì xã hội sẽ giảm bớt những hành vi xấu xa, tiêu cực, sẽ ngày càng có nhiều cử chỉ và những hành động đẹp, đúng đắn và nhân văn hơn. Quan niệm về hạnh phúc này cũng có ý nghĩa định hướng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, học chủ nghĩa Mác – Lênin, theo chủ nghĩa Mác – Lênin thì phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Trong quan hệ với đồng nghiệp, đồng chí hiện nay có hiện tượng kèn cựa, thấy ganh ghét, khó chịu khi người khác hơn mình, hạnh phúc hơn mình. Thậm chí, có người vui mừng trước những thất bại, vấp ngã của người khác, coi đó là cơ hội để mình được khẳng định, tiến thân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên coi tham gia công tác, lãnh đạo là để “vinh thân, phì gia” mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình mà chưa nhận thức được việc thực hiện công tác, nhiệm vụ là để phục vụ nhân dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Do đó, đòi hỏi phải có những biện pháp cần thiết để cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng về hạnh phúc. Đây là cơ sở để xây dựng tình đồng chí, đồng đội thực sự đoàn kết, yêu thương, hỗ trợ, phối hợp hoàn thành tốt công việc chung. Khi mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận thức sâu sắc rằng, “người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người” thì sẽ nhanh chóng hiện thực hóa được các mục tiêu của cách mạng. Quan niệm về hạnh phúc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong hai bài phát biểu thực chất là xây dựng một lý tưởng đúng đắn và cao đẹp về mục đích, ý nghĩa của cuộc sống mỗi người, trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên được nhân dân tin tưởng ủy thác trọng trách lãnh đạo, quản lý để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Để cho tất cả mọi người, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đều nhận thức sâu sắc và quan trọng là trở thành niềm tin, lẽ sống và là cảm nhận, suy nghĩ thực sự của họ thì cần thực hiện một số định hướng sau:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền về quan niệm hạnh phúc cũng như giá trị của cuộc sống cho mọi người. Hiện nay, giá trị vật chất đang bị đẩy lên một cách thái quá, bị nhấn mạnh quá mức so với giá trị tinh thần. Vì vậy, cần thông qua nhiều hình thức giáo dục, tuyên truyền để giúp mọi người có nhận thức đúng về giá trị của cuộc sống, giá trị của con người. Việc học tập, quán triệt quan điểm của Tổng Bí thư trong đó có quan điểm về hạnh phúc cũng là một cách để góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục này.
Thứ hai, cần có nhiều hình thức khuyến khích, động viên và biểu dương, khen thưởng những người biết yêu thương, biết hi sinh và mang lại hạnh phúc, lợi ích cho người khác. Điều này góp phần truyền cảm hứng cho mọi người về thực hiện suy nghĩ, nhận thức hạnh phúc trong những việc làm cụ thể, hàng ngày trong công tác và cuộc sống đồng thời cũng góp phần tuyên truyền bằng thực tế quan niệm đúng đắn về giá trị cuộc sống, về hạnh phúc cho nhiều người.
Bảo đảm hạnh phúc cho đông đảo nhân dân là quá trình lâu dài và không hề dễ dàng. Song khi mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận thức sâu sắc rằng, “những ai đem lại hạnh phúc cho một số lượng người nhiều nhất là người hạnh phúc nhất”[1] để luôn ra sức làm điều lợi cho dân, cho nước, hết sức tránh điều hại đến dân, đến nước thì sẽ góp phần to lớn xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
[1] C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, Tập 40, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr 18.
Hà Thị Thùy Dương