Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, là thất bại của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong nỗ lực duy trì chính quyền Sài Gòn, được phản ánh qua báo chí, truyền thông cũng như nhiều công trình nghiên cứu của các nhà sử học, nhân chứng lịch sử
Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX - một cuộc đụng đầu lịch sử giữa một bên là Hoa Kỳ và chính quyền tay sai với một bên là nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đứng lên chống xâm lược. Đó còn là cuộc đối thoại giữa hai nền ngoại giao - nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường và nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ.
Đây là sự kiện quốc tế hàng đầu, là chủ đề chính của báo chí và dư luận thế giới thời kỳ đó cũng như sau này.
Bình luận về việc ký kết Hiệp định, tờ Washington Post viết: “Thất bại này buộc Tổng thống Nixon và cố vấn của ông ta phải chấp nhận trở lại những điều khoản mà cách đây ba tháng họ đã bác bỏ”[1].
Còn phóng viên Tạp chí Time, Jerrold Ll.Schecter, trong cuốn sách “Từ Tòa Bạch ốc đến Dinh Độc lập” nhận xét một cách chua xót: “Những điều khoản trong Hiệp định Paris về thực chất vẫn giống như những điều mà phía cộng sản đã đưa ra từ tháng 5/1969”.
Trên trang nhất, báo Nhân đạo của Pháp, số ra ngày 05/02/1973 không chỉ ca ngợi cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam mà còn vạch trần sự cản trở của Mỹ đối với Hiệp định. Dành sự khâm phục đối với nhân dân Việt Nam, Giáo sư Pierre Asselin, tác giả cuốn sách “Nền hòa bình mong manh”, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Hiệp định Paris do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 17/01/2013 đã bày tỏ sự khâm phục: “Tôi thật sự ngưỡng mộ về tài trí của Việt Nam trong quá trình đàm phán ở Paris, nó góp phần giúp tôi hiểu được vì sao người Việt Nam luôn tự hào về chiến thắng”. Ở Mỹ, chúng ta đã “đưa chiến tranh vào trong lòng nước Mỹ”, biến cuộc đấu tranh của nhân dân ta thành cuộc đấu tranh của nhân dân Việt - Mỹ, chống lại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Chính phía Mỹ cũng thừa nhận “Đây là một phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ cũng như chưa từng có trong lịch sử nhân loại”[2].
Đông đảo các nhà báo quốc tế đến đưa tin về Hội nghị (Ảnh tư liệu)
Quan chức tình báo CIA Frank Snepp tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, trong cuốn sách “Khoảng cách thời gian vừa phải” (Decent Interval), đã chỉ rõ: “Hiệp định Paris thực sự chỉ là một hình thức bỏ chạy của Hoa Kỳ. Điều duy nhất được đảm bảo sẽ xảy ra là sự triệt thoái của Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam vì điều này chỉ cần một hành động đơn phương của Hoa Kỳ”[3].
Nhà sử học Mỹ George Hering trong cuốn: “Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ”, khẳng định: “Kết quả đạt được của Hiệp định quả thực là một sự trả giá quá đắt đối với Mỹ, ảnh hưởng to lớn đến niềm tin của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới vào uy tín, sức mạnh của siêu cường này… Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ”[4].
Nhà sử học Mỹ Joseph A. Amter khẳng định, sự thất bại và ra đi của Mỹ báo hiệu sự suy sụp, đổ vỡ của chính quyền Sài Gòn là không tránh khỏi. Quả nhiên, đúng như dự báo, sự kiện Mỹ rút khỏi Việt Nam theo quy định của Hiệp định Paris đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cuộc đấu tranh thống nhất của nhân dân Việt Nam, dẫn tới kết quả tất yếu “ngụy nhào” vào mùa Xuân 1975 với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khắp nơi trên thế giới đều bày tỏ sự khâm phục, ủng hộ, giúp đỡ về mọi mặt với Việt Nam. Chỉ một ngày sau khi Hiệp định Paris ký kết, Hội nghị quốc tế về Việt Nam, gồm đại biểu các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, 4 bên tham gia ký Hiệp định Paris và 4 nước trong Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Canada, Hungaria, Indonesia) được triệu tập tại Paris, với sự có mặt của Tổng thư ký Liên hợp quốc, đã thông qua Định ước quốc tế, trong đó ghi nhận tính pháp lý của Hiệp định và khẳng định đây là cống hiến to lớn đối với hòa bình, quyền tự quyết và độc lập dân tộc.
Với Hiệp định Paris, năm 1973 đã trở thành năm đặc biệt khi đây là năm đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam, từ khắp năm châu bốn biển có 21 quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: châu Á (Nhật Bản, Bangladesh, Iran, Malaysia, Singapore), châu Âu (Pháp, Bỉ, Italia, Phần Lan, Hà Lan, Iceland, Luxembourg, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen), châu Đại dương (Australia), châu Mỹ (Canada, Argentina) đến châu Phi (Uganda, Benanh, Ghine Bissau, Dambia, Burkina Faso).
Chính phủ Algeria khẳng định: Hiệp định Paris “là thắng lợi về mặt chính trị và quân sự của một dân tộc vĩ đại. Đó là một trang chói lọi trong lịch sử của các dân tộc bị áp bức, thể hiện yêu cầu của họ được tham gia quyết định vận mệnh của loài người” [5].
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời các nhà báo (Ảnh tư liệu)
Báo Sự thật (Liên Xô) viết: “Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam sẽ đi vào lịch sử như một trong những trang anh hùng nhất của cuộc đấu tranh giải phóng trên toàn thế giới”.
Tờ Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) cho rằng: “Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng vĩ đại của thời đại hiện nay”.
Báo Người công nhân Anh ca ngợi: “Nhân dân Việt Nam là vô địch, vì sự nghiệp của họ là chính nghĩa, vì cuộc chiến đấu tuyệt vời của họ đã được tiến hành dưới sự lãnh đạo chính trị đúng đắn và vì họ có lòng dũng cảm, sự hiểu biết và quyết tâm giành thắng lợi”[6].
Báo Thế giới Công nhân Tây Ban Nha, nhấn mạnh: “Chúng tôi vui mừng nhận tin thắng lợi của các bạn và không chỉ nhân dân Tây Ban Nha mà tất cả những người lao động trên thế giới đều muốn ca ngợi các bạn, nó là niềm thôi thúc chúng ta tăng cường cuộc đấu tranh chống lại kẻ xâm lược”[7].
Các cán bộ trong đoàn đàm phán cũng tranh thủ đến các địa phương ở Pháp và các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi dự các cuộc mít tinh, biểu tình, diễu hành, hội thảo, hội nghị chống Mỹ xâm lược Việt Nam. Đoàn Việt Nam cũng hoàn toàn chủ động tổ chức các cuộc hội họp, gặp gỡ với Việt kiều ở Pháp và nhiều nước, với bà con đồng bào từ miền Nam đến tiếp nhận thông tin để gây ảnh hưởng đến dư luận. Trụ sở của phái đoàn Việt Nam ở Paris cũng thường xuyên tiếp nhiều đại biểu nhân dân Mỹ, nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ, nhiều nhà văn, nhà báo, luật gia Mỹ và các nước khác đến Paris để bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Việt Nam, phê phán chính sách hiếu chiến của chính quyền Mỹ.
Vai trò báo chí của các nước hằng ngày, hằng tuần, suốt nhiều năm đưa tin về chiến tranh, đưa những bình luận sắc bén, cổ vũ Việt Nam, truyền đạt ý chí của nhân dân các nước với nhau, đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc ta đánh Mỹ và thắng Mỹ, nó khiến cho chính người Mỹ cũng phải thừa nhận “nước Mỹ thua trong cuộc chiến tranh trước hết là thua ngay trên mặt trận báo chí”. Chúng ta còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình cả về vật chất lẫn tinh thần, từ những đợt viện trợ thuốc men, thiết bị y tế, quân trang, khí giới, đạn dược… đến các cuộc đấu tranh trên mặt trận không tiếng súng như: báo chí, truyền thông…hay các cuộc mít tinh, biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và đòi hòa bình cho Việt Nam…
Hiệp định Paris là sự kiện lịch sử có tầm vóc thời đại, để lại những dấu ấn nổi bật không những với dân tộc ta mà còn để lại nhiều bài học quý giá với phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc trên toàn thế giới. Tầm vóc và sự lan tỏa của Hiệp định Paris vẫn vẹn nguyên theo dòng chảy của lịch sử. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo nhằm nâng cao bản lĩnh, trí tuệ ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và nhiệm vụ đối ngoại nói riêng trong tình hình mới.
Ánh Nguyễn
[1] Dẫn theo Lê Văn Phong: Dư luận quốc tế và chính nghĩa Việt Nam, Báo Nhân dân điện tử, ngày 24/01/2013. https://nhandan.vn/du-luan-quoc-te-va-chinh-nghia-viet-nam-post383607.html
[2] Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Pari, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.347.
[3] Dẫn theo Nguyễn Mạnh Hà: Hiệp định Paris và dư luận quốc tế, Trang thông tin điện tử tổng hợp Kinh doanh và Tiếp thị, ngày 14-12-2021, https://kinhdoanhvatiepthi.vn/hiep-dinh-paris-va-du-luan-quoc-te/
[4] Dẫn theo Lê Văn Phong: Dư luận quốc tế và chính nghĩa Việt Nam, Báo Nhân dân điện tử, ngày 24/01/2013. https://nhandan.vn/du-luan-quoc-te-va-chinh-nghia-viet-nam-post383607.html
[5] Dẫn theo Tin đồ họa - Thông tấn xã Việt Nam: Dư luận thế giới về Hiệp định Paris, ngày 27/01/2018, https://infographics.vn/du-luan-the-gioi-ve-hiep-dinh-paris/9602.vn.
[6] Dẫn theo Lê Văn Phong: Dư luận quốc tế và chính nghĩa Việt Nam, Báo Nhân dân điện tử, ngày 24/01/2013. https://nhandan.vn/du-luan-quoc-te-va-chinh-nghia-viet-nam-post383607.html
[7] Dẫn theo Lê Văn Phong: Dư luận quốc tế và chính nghĩa Việt Nam, Báo Nhân dân điện tử, ngày 24/01/2013. https://nhandan.vn/du-luan-quoc-te-va-chinh-nghia-viet-nam-post383607.html