Vấn đề an ninh con người và định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam
An ninh con người (Human Security) là vấn đề mang tính sống còn, gắn liền với sự ổn định và thịnh vượng các quốc gia trên thế giới. Báo cáo phát triển con người năm 1994 của chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã đề cập một cách khá toàn diện khái niệm an ninh con người. Theo đó, “An ninh con người là sự an toàn của con người trước các mối đe doạ kinh niên như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những sự cố bất ngờ, gây tổn thương trong cuộc sống hàng ngày, dù ở trong nhà, ở nơi làm việc hay trong cộng đồng”[1].
Ở Việt Nam, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên đã đưa ra vấn đề “an ninh con người” vào Văn kiện Đại hội và với tư cách là một nội dung lý luận mới. Thuật ngữ an ninh con người cũng được sử dụng 12 lần trong việc xác lập định hướng phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030 và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ đại hội, cũng như các nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp cụ thể khác. Có thể thấy, tư duy của Đảng về an ninh con người tại Đại hội XIII bao hàm nhiều nội dung cơ bản: (1) An ninh con người là trung tâm của chiến lược phát triển; (2) An ninh con người là bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia. Trong 12 định hướng phát triển đất nước được đưa ra tại Đại hội XIII, trong đó định hướng 5 nhấn mạnh: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh...”[2]. Định hướng thứ 7 là “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…”[3]. Như vậy, bảo vệ an ninh con người nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của con người và xã hội.
Bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay
Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, kinh tế phát triển và tăng trưởng nhanh, chính trị ổn định, văn hoá phát triển, quốc phòng an ninh được bảo đảm, đối ngoai được rộng mở. Tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao. Điều đó có ý nghĩa quan trọng việc đảm bảo an ninh con người và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, trong điều kiện mới, trước diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình quốc tế và khu vực, với các thách thức mới về an ninh trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là an ninh con người. Cùng với vấn đề trật tự, an toàn xã hội, xu hướng bạo lực gia tăng, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, rác thải, dịch bệnh; vấn đề việc làm, nạn thất nghiệp, sự mất cân đối trong phát triển kinh tế, an toàn lao động, an toàn giao thông, an ninh cộng đồng, nguy cơ “tự diễn biến:, “tự chuyển hoá”, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, nạn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng, xung đột xã hội, dịch bệnh toàn cầu Covid-19… tất cả đã và đang đe doạ nghiêm trọng đến an ninh xã hội, an ninh con người ở nước ta. Tình hình trên cho thấy, vấn đề an ninh xã hội, an ninh con người đang đặt ra vừa cấp thiết vừa có tầm chiến lược đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bảo đảm an ninh con người tại Việt Nam đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ, vừa mang tính sách lược, vừa phài thể hiện được tầm chiến lược lâu dài.
Một là, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, lực lượng và toàn xã hội về những biểu hiện mới và các mối đe doạ đến an ninh con người. Yêu cầu đối đặt ra đối với các chủ thể chịu trách nhiệm quản trị an ninh phi truyền thống, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần nhận thức rõ các nguy cơ, thách thức về an ninh con người, từ đó cần phải định hướng giá trị, hành vi, thái độ và xây dựng kịnh bản ứng phó phù hợp.
Hai là, chủ động, tích cực ngăn ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe doạ đến an ninh con người. Cần phải làm tốt công tác dự báo chiến lược, dự báo tình huống giữ vững sự chủ động chiến lược, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo gắn tăng trưởng kinh tế với việc thực hiện mục tiêu tiến bộ xã hôi; kiểm soát phân tầng xã hội; tích cực xóa đói, giảm nghèo, chăm lo cho con người thông qua hệ thống an sinh xã hội để bảo đảm cho con người được có môi trường và điều kiện phát triển lành mạnh.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện thể chế quản trị an ninh phi truyền thống, nâng cao tính tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về phòng ngừa và ứng phó với các thách thức an ninh con người. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quản trị và kiểm soát các mối đe doạ an ninh con người.
Bốn là, Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng ngừa, kiểm soát và ứng phó với các thách thức của an ninh con người. Quán triệt quan điểm của Đảng ta, tích cực chủ động và hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống; từ đó nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế./.
[1] UNDP (1994), Human development Report, New York, Oxford University Press, p.23.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr116.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr117.
Mai Lê