Tỉnh Đắk Nông được thành lập năm 2004 trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của tỉnh Đắk Lắk, nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Đắk Nông nằm trọn trên cao nguyên M’Nông, với độ cao trung bình 600-700m so với mặt nước biển, cao nhất là ở Tà Đùng với độ cao lên đến 1.982m. Không chỉ nổi tiếng với di sản Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO vinh danh từ năm 2020, Đắk Nông còn tạo dấu ấn với Bảo tàng Âm thanh, bảo tàng âm thanh duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, được xây dựng hoàn thành, chính thức hoạt động từ tháng 8 năm 2019.
Mô hình thác nước âm nhạc, khi có nước chảy sẽ phát ra những âm điệu khác nhau ở Bảo tàng Âm thanh Đắk Nông. Ảnh: baodaknong
Bảo tàng Âm thanh – Explora of the Sounds, là điểm di sản số 32 trong tổng số 44 điểm di sản thuộc Công viên Địa chất Đắk Nông, trong quy trình thẩm định chính thức của UNESCO, để công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu. Bảo tàng Âm thanh nằm ngay tại tiền sảnh của Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Nông, trong lòng thành phố Gia Nghĩa và được xây dựng khá hiện đại với tổng diện tích 200m2, với thiết kế bảy phòng với bảy mảng âm thanh riêng biệt, khép kín gồm: âm thanh của đá, âm thanh của gió, âm thanh của nước, âm thanh của gỗ, âm thanh của lửa, âm thanh của ánh sáng và âm thanh của con người tạo ra khi tương tác với nhau. Nơi đây sử dụng công nghệ hiện đại cùng với các loại nhạc cụ của dân tộc thiểu số: đàn đá, cồng chiêng,… để tạo ra những trải nghiệm cho du khách. Với chủ đề chính “Xứ sở của những âm điệu”, bảo tàng là ca khúc chủ đề mở màn cho hàng hoạt những âm thanh sống động để du khách cảm nhận và có những trải nghiệm riêng của mình. Tất cả các phòng và các nhạc cụ bên trong đều do nhóm nghệ sĩ Scenocosme (Pháp) sáng tạo riêng cho Bảo tàng Âm thanh và được lấy cảm hứng từ âm thanh của tự nhiên. Với định hướng phát triển Công viên Địa chất Đắk Nông là "Xứ sở của âm thanh và giai điệu", tỉnh Đắk Nông cùng Sở Văn hóa thể thao và Du lịch mong muốn bảo tàng Âm thanh sẽ là một điểm nhấn đối với du khách khi đến Đắk Nông tận mắt chứng kiến và trải nghiệm vùng đất đại ngàn (1).
Những không gian đặc trưng của bảo tàng có thể kể như Phòng trưng bày Âm thanh của Đá với bộ đàn đá năm thanh được tìm thấy ở suối Đắk Ka, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông có niên đại từ 2.500 đến 3.000 năm tuổi. Bộ đàn đá này được xem là biểu tượng của Công viên Địa chất Đắk Nông; gồm có ba thanh là Tru, Trơ và Tê (mẹ, cha và con). Đây là một hiện vật có giá trị lớn bổ sung vào bộ sưu tập nhạc cụ nhóm đá sừng. Bộ đàn đá này đóng góp một tài liệu mới cho việc nghiên cứu khoa học về các nền văn hóa nghệ thuật cổ xưa, đặc biệt là ở vùng các dân tộc ở khu vực phía nam Tây Nguyên. Điều kỳ diệu bắt đầu xuất hiện khi ai đó dùng bàn tay của mình chạm nhẹ trên các thanh đá sẽ thấy âm thanh từ đá bất ngờ trỗi dậy và độ âm vang của sóng nhạc, giai điệu bản nhạc cũng tùy thuộc vào lực tương tác của đôi tay trên bề mặt thanh đá cổ.
Phòng trưng bày Âm thanh của Gió là nơi trưng bày một cây đàn không dây, là tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ người Nga, cũng dựa vào hơi gió, sức gió để tạo ra âm thanh. Sự độc đáo của tác phẩm này nằm ở chỗ, chỉ cần dùng đôi bàn tay khẽ lướt, đủ tạo nên một làn gió nhẹ là lập tức cây đàn sẽ phát ra âm thanh mang “lời của gió”.
Bước tiếp đến các phòng trưng bày âm thanh của nước, của gỗ, của lửa, của ánh sáng… với sự hỗ trợ của công nghệ, để tạo ra những hiệu ứng âm thanh độc đáo. Như việc dùng màn hình điện thoại chiếu sáng những bông hoa, mỗi bông hoa sẽ phản hồi lại những âm thanh khác nhau tùy thuộc vào cường độ ánh sáng. Hay như sự tương tác giữa người với người tạo ra những âm thanh khác nhau… Hoặc cũng với sự cảm nhận thang điệu của thiên nhiên qua đôi tay của mình, chúng ta sẽ được khám phá các chuỗi âm thanh kỳ lạ nối tiếp nhau mang hơi thở, âm vang sức sống đại ngàn cùng các nhạc cụ truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số sống tại Đắk Nông được trưng bày như: M’buốt, Đinh năm, Đinh puôt, M’ló… Có thể nói không quá lời rằng tất cả các thang điệu tự nhiên của đại ngàn dường như ngưng đọng trong không gian của bảo tàng: âm thanh như tiếng thác đổ, cùng tiếng gió reo, tiếng cỏ cây hoa lá cùng hòa quyện vào nhau, tạo nên giá trị văn hoá của vùng đất ở phía Nam Tây Nguyên rộng lớn.
Với thiết kế chú trọng sự kết nối từ quá khứ tới hiện tại, đánh thức sự kết nối và tương tác giữa con người với thiên nhiên, Bảo tàng Âm thanh thật sự mang đến cho du khách một hành trình khám phá âm thanh, mà sâu hơn nữa là khám phá thiên nhiên, vô cùng ấn tượng và độc đáo. Đến với bảo tảng Âm thanh, cho chúng ta hiểu hơn về văn hóa của Tây Nguyên đại ngàn, được định vị bởi chính chủ nhân của cao nguyên đầy nắng và gió. Đằng sau đó dường như còn là minh triết được tích lũy nghìn đời của một vùng đất, một thông điệp nhân văn của một vùng văn hóa được gửi gắm đầy tinh tế qua thang âm của tự nhiên, rằng Con người là một phần của thế giới tự nhiên. Bên trong mỗi con người luôn có sự kết nối đặc biệt với thiên nhiên. Thiên nhiên luôn hiện hữu, luôn bao trùm, luôn bao bọc, luôn chở che…
Đến với vùng đất này, lắng mình trong âm thanh của tự nhiên, tâm trí chúng ta không chỉ có riêng mình một Đắk Nông độc đáo mà còn vang vọng giai điệu cả một Tây Nguyên hùng vĩ, kỳ bí, quyến rũ và đầy xúc cảm, đủ để níu chân ai vẫn còn yêu và thương Đắk Nông tới mức muốn trở lại.
-----------------
Chú thích
(1) Công viên Địa chất Đắk Nông nằm trên cao nguyên M’Nông , trải dài trên 5 huyện và 1 thành phố (Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thành phố Gia Nghĩa). Đây là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực, đáp ứng các tiêu chí để đăng ký danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Với mong muốn phát triển du lịch bền vững từ di sản văn hóa địa phương, tỉnh Đăk Nông kiến tạo 3 tuyến du lịch độc đáo: i)Trường ca của Lửa và Nước, ii) Bản giao hưởng của Làn gió mới và lắng nghe, iii) Âm vang từ Trái đất cùng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn khác. Nằm trên tuyến du lịch mang tên “Âm vang của Trái Đất”, Bảo tàng Âm thanh là một điểm đến du khách không thể bỏ qua trên hành trình khám phá Công viên địa chất Đắk Nông.
Trường Sơn