Tết Đầu lúa - Nét đẹp văn hóa cần gìn giữ và phát huy
Tết Đầu lúa hay còn gọi là Tết Nhôbrêhê, Tết mừng lúa mới, đây là ngày Tết quan trọng, có từ lâu đời, gắn liền với tập tục trồng lúa rẫy của cộng đồng người Raglai và K’Ho đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Với người Raglai, K’Ho, lúa được xem là thứ quý nhất, thiêng liêng nhất, là nguồn lương thực chính của đồng bào. Mỗi mùa lúa thường kéo dài 6 tháng, khi vừa thu hoạch xong, làng mở lễ hội ăn mừng đánh dấu kết thúc một chu kỳ sản xuất trong năm, đồng thời cầu mong những điều may mắn trong mùa lúa mới sang năm.
Trước đây, Tết Đầu lúa diễn ra trong suốt tháng 12 âm lịch (tháng Chạp) hằng năm, có khi kéo dài đến nửa đầu tháng Giêng. Hiện nay, Tết được tổ chức khoảng 2 ngày của tháng Chạp (thường lấy ngày 15/12 âm lịch làm ngày lễ chính) và tổ chức luân phiên nhau tại 4 xã vùng cao (Phan Tiến, Phan Điền, Phan Lâm, Phan Sơn) ở Huyện Bắc Bình, nơi đồng bào Raglai và K’Ho tập trung đông nhất. Mặc dù, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng Tết vẫn giữ được các nghi lễ truyền thống.
Trong Tết Đầu lúa, đồng bào dân tộc sẽ mặc các trang phục truyền thống để tham gia nghi thức lễ và các hoạt động trò chơi dân gian. Trong phần nghi thức lễ, mở đầu là nghi thức thu hoạch lúa mẹ trên nương và giã lúa mừng lúa mẹ về cúng Giàng. Sau đó, già làng lạy tạ Giàng và thần linh đã giúp dân làng làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa. Sau các nghi thức lễ là những điệu múa, bài ca hòa trong tiếng trống, tiếng chiêng mừng lúa mới đã về trên buôn làng quanh lửa trại. Tiếp nối là các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao, các trò chơi dân gian như: thi giã gạo, bắn nỏ, đi cà kheo, gùi nước về làng, nấu cơm ống tre... tạo nên không khí vui tươi, rộn rã.
Lễ tạ Giàng và thần linh đã giúp dân làng làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa
(Ảnh: internet)
Ngoài lễ cúng chung do già làng thực hiện, từng gia đình trong buôn làng còn tổ chức ăn Tết Đầu lúa tại nhà của mình. Tùy điều kiện gia đình mà mâm cúng có thể lớn hay nhỏ nhưng luôn trang trọng, thể hiện thành ý của gia chủ và luôn có ché rượu cần. Trong dịp này, cả làng đều dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa để các Giàng và Thần lúa về trú ngụ, đón tết cùng gia đình mình và làng bản.
Tết Đầu lúa là một nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Raglai, K’Ho, được đồng bào coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây là dịp để đồng bào tôn vinh, thể hiện niềm tin đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh và khát vọng hướng đến một năm mới với mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho buôn làng.
Đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, K'Ho huyện Bắc Bình, tỉnh Bỉnh Thuận vui Tết Đầu lúa
(Ảnh: trungtamvanhoabinhthuan.com.vn)
Đồng thời, Tết Đầu lúa không chỉ là ngày vui của từng nhà mà còn là dịp để đồng bào nhớ về tổ tiên, là dịp giáo dục cho con cháu về truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, là ngày hội lớn thu hút mọi người dân đến chung vui cũng như du khách đến trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn. Thông qua đó, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ của đồng bào và vận động đồng bào tiếp tục tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống, hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Phát huy giá trị văn hóa của Tết Đầu lúa gắn với phát triển du lịch
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Tết Đầu lúa gắn với phát triển du lịch ở tỉnh Bình Thuận, cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, giáo dục, nâng cao nhận thức, lòng tự hào, ý thức tự giác của đồng bào và cộng đồng trong việc phát huy và giữ gìn các giá trị văn hóa, nhất là lớp trẻ, bởi đây sẽ là lực lượng kế cận có vai trò quyết định trong vấn đề bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Thứ hai, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Raglai, K’Ho như già làng, trưởng bản, các nghệ nhân... để họ truyền nghề, hướng dẫn nội dung, quy trình thực hành các nghi lễ, nghi thức, các trò chơi dân gian được tổ chức trong Tết Đầu lúa.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi những giá trị về nét đẹp của Tết Đầu lúa trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội toàn cầu đến du khách trong nước và quốc tế.
Thứ tư, các công ty du lịch, lữ hành cần khai thác thế mạnh của loại hình du lịch văn hoá, đưa Tết Đầu lúa vào chương trình du lịch giới thiệu để du khách có thể trực tiếp đến khám phá, trải nghiệm thực tế, cảm nhận những nét văn hoá độc đáo của Tết Đầu lúa do đồng bào tổ chức và thực hiện. Đồng thời, kết hợp giới thiệu các các sản phẩm truyền thống của đồng bào Raglai và K’Ho như trang phục, trang sức, các đồ thủ công, mỹ nghệ... Qua đó, vừa quảng bá các sản phẩm văn hoá truyền thống, vừa duy trì và tạo nguồn thu nhập cho đồng bào.
Thứ năm, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt cho đội ngũ cán bộ văn hoá; chú trọng huy động tài trợ, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phục vụ Tết Đầu lúa. Đồng thời, phối hợp các công ty du lịch, lữ hành tập huấn, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến Tết Đầu lúa cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên. Qua đó, cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch được tốt hơn.
Lệ Thủy