Trải qua biết bao sự biến đổi, thăng trầm, lịch sử dân tộc đã tích lũy và kết tinh nhiều giá trị, bản sắc văn hóa hiện diện khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Là một tỉnh văn hiến giàu di sản văn hóa, Hưng Yên được đánh giá là tỉnh có mật độ di tích dày đặc vào loại bậc nhất ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong hệ thống di sản đó có quần thể di tích đền Ủng, huyện Ân Thi.
Đền Phù Ủng- Ân Thi, Hưng Yên nơi thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão. Ảnh: Internet
Giá trị lịch sử, văn hóa
Khu di tích đền Ủng tọa lạc tại làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, nơi đây thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão (1255-1320) thời Trần vào thế kỷ 13, thế kỷ 14. Ông xuất thân bình dân nhưng lại là người thông minh, văn võ toàn tài bậc nhất, có chí lớn và đạo đức cao. Cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Ngũ Lão đã trở thành huyền thoại lớn trong lịch sử dân tộc, minh chứng cho tư tưởng và nghệ thuật quân sự nhân dân thời Trần.
Trong một lần, Hưng Đạo Vương có việc quân qua vùng đất Phù Ủng. Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt ngoài đường mải nghĩ về cuốn sách Binh Thư nên không biết quan quân đến. Một người lính dẹp đường quát mãi, chàng trai đan sọt vẫn cứ ngồi yên. Người lính bèn dùng giáo xuyên vào đùi kẻ cản đường, vậy mà người đan sọt cứ như không. Sau lần ra mắt Hưng Đạo Vương lần đó, Phạm Ngũ Lão đã trở thành gia tướng của Trần Quốc Tuấn, được ông gả công chúa Anh Nguyên và cho theo đi đánh giặc rồi trở thành võ tướng trụ cột của triều đình. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông cũng như nhiều lần đánh bại quân Chiêm Thành và quân Ai Lao khắc ghi lịch sử giữ nước của dân tộc.
Sau khi ông mất. Để tưởng nhớ về vị tướng tài danh là người con của quê hương, dân làng Phù Ủng đã lập đền thờ Phạm Ngũ Lão ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông. Toàn bộ khu di tích đền Ủng nằm trên địa thế “Thất tinh ứng hậu, hình nhân bái tướng, voi quỳ ngựa phục, bên bút bên nghiên bên cờ bên kiếm, ở giữa có mô hòn ngọc, cạnh dòng sông Cửu Yên như rồng uốn khúc, mà đầu rồng là khu đất dựng đền nhô hẳn ra khỏi làng”(1).
Trong quần thể di tích còn có lăng Phạm Tiên Công (thân sinh Phạm Ngũ Lão), đền Mẫu (thờ mẹ Phạm Ngũ Lão), bên phải đền Mẫu là Hoa Văn Các (nơi đàm đạo thơ văn), đền thờ Tĩnh Huệ (con gái Phạm Ngũ Lão), kiến trúc thời Nguyễn. Ngoài ra còn có lăng quốc công Vũ Hồng Lượng (quan dưới triều Lê), kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá thời Hậu Lê (thế kỷ 17). Quần thể di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 26 tháng 11 năm 1988.
Nhìn chung Quần thể di tích đền Phù Ủng có giá trị nghệ thuật kiến trúc điêu khắc khá quý hiếm và đồ sộ, quy mô rộng lớn. Hàng năm, lễ hội truyền thống đền Phù Ủng được tổ chức chính thức từ ngày 11 tháng Giêng âm lịch, tương truyền đây là ngày Phạm Ngũ Lão ra quân. Ngày 13-1 là ngày hội sôi động nhất với nghi thức rước kiệu. Hội đền Phù Ủng kết thúc vào ngày 23 tháng giêng với nghi thức rước kiệu cung phi hồi loan thu hút du khách thập phương và nhân dân trong tỉnh, trong huyện về dự. Đến thăm Đền là dịp để chúng ta tỏ lòng tôn kính đối với vị tướng tài giỏi của dân tộc, đồng thời cũng khẳng định vẻ đẹp độc đáo, giá trị văn hóa, lịch sử của di tích.
Lễ hội đền Ủng. Ảnh: Internet
Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa
Việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của khu di tích đền Ủng có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ, giữ gìn quần thể di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Bên cạnh đó còn góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, trân trọng giá trị văn hóa, lịch sử, kết hợp với khai thác tiềm năng thế mạnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trước hết chính quyền địa phương cần có các giải pháp đẩy mạnh hoạt động quảng bá về quần thể di tích, thông qua đó góp phần giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân đặc biệt là thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của khu di tích, về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng vươn lên trong học tập, trong lao động, sản xuất. Qua đó khơi dậy niềm tự hào về mảnh đất, con người quê hương Ân Thi anh hùng nói riêng và người Việt Nam nói chung. Cùng với đó, trải qua năm tháng chiến tranh và thời gian, quần thể di tích đã có sự xuống cấp, mặc dù đã được sự đầu tư của nhà nước, sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, tuy nhiên chính quyền địa phương cần tiếp tục chú trọng đến việc trùng tu, tôn tạo và nâng cấp quần thể di tích, tạo cảnh quan cho quần thể di tích ngày càng khang trang cũng như hệ thống kiến trúc các công trình trong quần thể xứng tầm di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia để ngày càng thu hút khách thập phương, đặc biệt là giới trẻ đến dâng hương, tham quan thắng cảnh di tích, tìm hiểu, tri ân về vị tướng tài của lịch sử dân tộc.
Đồng thời, chính quyền địa phương cần có các giải pháp để phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của quần thể di tích thông qua các hoạt động lễ hội hàng năm, tạo điểm nhấn ở cả phần lễ và phần hội với các hình thức đa dạng vừa thể hiện sự uy nghiêm, linh thiêng, vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc, có sự kết hợp cả truyền thống và hiện đại với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để tạo dấu ấn trong lòng nhân dân và du khách thập phương.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc hội thảo khoa học các cấp từ trung ương đến địa phương về tướng quân Phạm Ngũ Lão để tìm hiểu, phân tích và có sự nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Vừa ghi nhận, tri ân những công lao cống hiến của ông với lịch sử dân tộc, vừa để giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trân trọng giá trị lịch sử.
--------------------------------------
Chú thích:
1. Di tích lịch sử - văn hóa Hưng Yên, Bảo tàng Hưng Yên năm 2008 tr.285.
Mai Yến