Mạng xã hội là ảo nhưng những tổn thương bao giờ cũng rất thật, thậm chí đau đớn, dai dẳng, vì thế, tạo dựng được tấm lá chắn để bảo vệ hiệu quả cho con em mình là điều không thể không làm.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 1 trẻ em và hơn 175.000 trẻ em lên mạng đầu tiên vào mỗi ngày. Tại Việt Nam, theo thống kê của UNICEP, 92% trẻ em Việt Nam có sử dụng thiết bị kết nối internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hằng ngày. Còn theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em thường dành từ 5 đến 7 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội.
Còn theo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, trẻ tiếp cận internet từ rất nhiều cách khác nhau như: Từ điện thoại di động của cá nhân (58%), máy tính ở nhà (46%), điện thoại di động của người thân (45%), ngoài quán Internet (13,5%). Riêng nhóm học sinh trong nhà trường có một số trẻ trả lời được tiếp cận Internet qua máy tính ở trường học (23,6%). Trẻ sử dụng Internet chủ yếu để học hành/nghiên cứu (83%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/đọc tin tức (71%), giao lưu, kết nối bạn bè (71%) và chơi trò chơi điện tử/trực tuyến (59%).
Những con số đó cho thấy trong thời đại công nghệ, việc trẻ em tiếp xúc với máy tính, thiết bị thông minh kết nối mạng internet là không thể tránh khỏi. Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, thế giới mạng cũng không là ngoại lệ. Bên cạnh là bể chứa thông tin, kiến thức, là công cụ giải trí… mạng xã hội cũng còn là một cái bẫy ẩn chứa đầy những rủi ro nhất là khi con trẻ và các bậc cha mẹ chưa thiết lập được cho con em mình tấm rào chắn bảo vệ hiệu quả.
Điều đáng nói là theo nhiều nghiên cứu, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất do không có hoặc có rất ít kiến thức và khả năng tự bảo vệ bản thân. Thậm chí tại nhiều quốc gia trên thế giới, tình trạng trẻ em bị tổn thương trên không gian mạng đã đến mức đáng báo động.
Đơn cử như tại Israel. Cách đây hơn một năm, Trung tâm Bảo vệ trẻ em trên mạng (COPB) thuộc Bộ An ninh quốc gia Israel đã đưa ra báo cáo cho biết, trong năm 2022, đường dây nóng của trung tâm này đã xử lý trên 8.100 sự vụ trên không gian mạng mà nạn nhân là trẻ em, trong đó 31% số sự vụ liên quan đến tấn công tình dục, 15% liên quan đến nguy cơ tự tử và đe dọa tính mạng và 14% vụ dọa nạt tinh thần trên Internet. Các nền tảng chủ yếu là các mạng xã hội như Instagram (28%), WhatsApp (25%) và TikTok (9%). Khoảng 25% số trẻ em được hỏi cho biết đã từng bị người lạ tiếp cận trên mạng, chủ yếu với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân; và 43% số trẻ em từng bị gây tổn thương, chủ yếu là bằng lời nói.
Trở lại với câu chuyện trẻ em Việt và không gian mạng. Hiện chưa có những con số thống kê cụ thể về những khía cạnh tổn thương hay tác động của con trẻ bởi mạng xã hội. Tuy nhiên, với con số 92% trẻ em Việt Nam có sử dụng thiết bị kết nối internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hàng ngày, thì tác động của internet nói chung, mạng xã hội nói riêng lên trẻ em Việt sẽ là không nhỏ.
Đặc biệt, soi chiếu vào Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam của ECPACT, INTERPOL và UNICEF (2022) với việc tỷ lệ trẻ em sử dụng Internet ở độ tuổi từ 12 - 17 tuổi là rất cao (91% trẻ xem video, 88% dùng mạng xã hội, 87% nhắn tin, 72% làm bài tập, 70% xem tin tức, 63% xem livestream… ít nhất 1 lần/tuần), mức độ ảnh hưởng hai chiều sẽ khá rõ rệt. Chỉ riêng tỷ lệ 1% trẻ nhận được yêu cầu gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm của mình khi các em không muốn; 0,2% được đề nghị cho tiền hoặc quà để đổi lấy hình ảnh nhạy cảm; 0,3% đe dọa hoặc hăm dọa trẻ tham gia hoạt động tình dục; 1% trẻ có ảnh nhạy cảm bị chia sẻ khi chưa được phép; 2% trẻ từ 15 - 17 tuổi đã nhận tiền hoặc quà để đổi cho hình ảnh, video nhạy cảm… mà Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam đưa ra cũng đủ hết thảy trong chúng ta rùng mình.
Quan ngại hơn nữa là những hệ luỵ, tổn thương mà con trẻ phải đón nhận, không chỉ là những tác động từ thế giới mạng xa xôi mênh mông, mà nhiều khi còn đến từ chính những người thân thiết bên cạnh các em, thậm chí đến từ chính những bậc làm cha làm mẹ. Làn sóng nghiện câu “view” và “like” trên mạng đã khiến nhiều bậc phụ huynh đẩy cả con cái mình lên thế giới trực tuyến, biến các em trở thành công cụ "săn view" của họ.
Cách đây 4,5 năm, những sự vụ từng bị dư luận và báo chí lên án như “Người mẫu nhí bị ném đá”, “Bé gái 3 tuổi nặng 35kg”, “Bé một tuổi rưỡi uống bia”... là những ví dụ về việc con cái bị cha mẹ đưa ra làm trò "câu view, săn view" trên mạng. Hay mới đây, trong dòng chảy thông tin ồn ào, đa chiều vụ “học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan”, nhiều ý kiến đã lên tiếng, cho rằng không biết sự việc đúng sai, thực hư thế nào, nhưng có một điều không khó để nhận ra, đó là sự tổn thương của con trẻ khi đưa em bé mới chỉ học lớp 1 trở thành tâm điểm bàn luận của thế giới mạng.
Nói như chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga, có thể đứa trẻ không nói ra, nhưng những tổn thương lặn sâu vào bên trong, nó sẽ đi theo đứa trẻ suốt cuộc đời. Thế giới mạng là ảo nhưng những hệ luỵ, tổn thương mà nó gây ra là thật, thậm chí rất dai dẳng và đau đớn. Vì thế, bảo vệ con trẻ khỏi những tổn thương bởi thế giới mạng là điều cần, rất cần trong mọi xã hội.
Trong hành trình bảo vệ ấy, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, của rào cản pháp lý là hết sức cần thiết nhưng chưa đủ. Không thể thiếu tấm lá chắn ngay cận kề, kịp thời bên cạnh các em: Tấm lá chắn từ gia đình, cha mẹ các em. Chính tình yêu thương, trách nhiệm, cách ứng xử và cả tri thức, tầm hiểu biết, nhân cách của những người làm cha làm mẹ sẽ là tấm khiên hiệu quả giúp ngăn ngừa các em khỏi những hệ luỵ và tổn thương từ mạng xã hội. "Không có like, không có follower, nhưng mẹ con mình vẫn có nhau"- chia sẻ của một Tiktoker, người đã quyết định xóa hết những clip từng rất hút view về con mình trên mạng xã hội - có lẽ sẽ đọng lại trong mỗi bậc cha mẹ những gợi mở ý nghĩa.
Theo Công luận