Nhận diện…
Hiện nay, cùng với các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, các thế lực thù địch và phản động thường xuyên lợi dụng internet và mạng xã hội để xuyên tạc quan điểm của Việt Nam về vấn đề chủ quyền biển, đảo. Chúng sử dụng các websites của các báo, đài phản động ở nước ngoài như BBC, Đài châu Á tự do (RFA)..., các trang mạng xã hội như facebook, Youtube, Twitter,… để phát tán tài liệu, hình ảnh, video xuyên tạc tình hình, diễn biến phức tạp trên Biển Đông, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Những vấn đề thường hay bị lợi dụng nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống thường là những diễn biến phức tạp trên khu vực Biển Đông như: việc tàu Viking 02 và tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp năm 2011 và 2012; sự kiện dàn khoan HD 981 năm 2014; việc nước ngoài triển khai trên thực địa, tăng cường các biện pháp nhằm gia tăng sức mạnh quân sự và thực hiện ý đồ kiểm soát, hiện thực hóa các yêu sách phi pháp tại Biển Đông; Mỹ và các nước đồng minh ngày càng can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông... Ngoài ra, các đối tượng xấu còn lợi dụng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển như việc ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài và bị các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài bắt giữ để xuyên tạc tình hình tranh chấp Biển Đông và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Mục đích của các thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân chống đối là nhằm lợi dụng lòng yêu nước, tự hào dân tộc và những bức xúc của người dân với những diễn biến phức tạp trên Biển Đông để kích động nhân dân chống lại Đảng, Nhà nước, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Đồng thời, chúng lợi dụng những bất đồng trên Biển Đông để hòng làm chia rẽ mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước có liên quan, kích động những tư tưởng bài bác một số nước trong một bộ phận người dân. Mặt khác, chúng xuyên tạc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta để lôi kéo, kích động nhân dân, tạo nên lực lượng đối lập ở trong nước dưới danh nghĩa “đấu tranh” bảo vệ chủ quyền biển, đảo hòng gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế…
Và một số giải pháp
Trước những âm mưu,thủ đoạn, hành động lợi dụng internet và mạng xã hội của các thế lực thù địch, các phần từ cơ hội nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội, trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số giải pháp căn bản:
Thứ nhất, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông internet trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay thì báo chí và truyền thông nói chung và báo mạng, truyền thông mạng nói riêng cần phải phát huy tốt vai trò của mình trong việc đưa tin, bài kịp thời về tình sự kiện, phát đi thông điệp chính thức của Việt Nam và truyền tải tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đồng thời đấu tranh lên án những hành động sai trái trên biển cũng như những hành vi lợi dụng những diễn biến phức tạp trên biển để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển. Ảnh: Internet
Thứ hai, tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng và quản lý đối với các trang mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam.
Trước tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn mất ổn định, khó lường, việc bảo vệ không gian mạng sẽ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Trên cơ sở luật pháp đã ban hành, các cơ quan chức năng, đặc biệt Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng cần tăng cường công tác nắm bắt thông tin, tình hình dư luận liên quan đến các vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam đặc biệt là tình hình Biển Đông để đấu tranh kịp thời với những hành vi lợi dụng mạng xã hội và internet để xuyên tạc chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về các vấn đề này.
Thứ ba, minh bạch hóa chính sách, chính xác hóa và cụ thể hóa thông tin về tình hình biển, đảo của Việt Nam.
Internet là kênh thông tin phổ biến hiện nay, do đó, cần tích cực đăng tải các bài viết thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề trên biển. Tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại và an ninh - quốc phòng của Việt Nam đến người dân trong và ngoài nước cũng như cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta cần kịp thời cập nhật thông tin, đưa tin chính xác và cụ thể về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, không để các thế lực xấu lợi dụng sự mập mờ, không rõ ràng trong công tác thông tin của các cơ quan báo chí, truyền thông để xuyên tạc tình hình, kích động người dân chống Đảng, Nhà nước.
Thứ tư, thiết lập các tài khoản mạng xã hội chính thức của các cơ quan Đảng, chính quyền để đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức và nội dung tin, bài để thu hút đông đảo người xem và lan tỏa thông tin chính thống, tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở mỗi cơ quan, đơn vị cũng cần tăng cường đăng hoặc chia sẻ các bài viết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề biển, đảo. Đồng thời, cần khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên nổi tiếng tích cực đăng các bài viết bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đặc biệt, kịp thời đăng các bài viết đấu tranh, phê phán, phản bác những bài viết, thông tin sai sự thật, những luận điệu xuyên tạc liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Thứ năm, tăng cường chế tài xử phạt và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi lợi dụng internet và mạng xã hội để xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và đối với vấn đề chủ quyền biển, đảo nói riêng. Tăng cường thực thi pháp luật và xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp có hành vi liên quan đến việc đưa thông tin sai trái, xuyên tạc về vấn đề chủ quyền biển, đảo, đồng thời để tăng cường tính răn đe của luật pháp thì các trường hợp vi phạm bị xử lý cần phải được thông tin rộng rãi tới người dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, internet và mạng xã hội từ đó ngăn ngừa các hành động tương tự.
Dona Đoàn