Thời kỳ thành lập Đảng và đấu tranh giải phóng dân tộc (1930-1945)
Ngay từ trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình đã phải đấu tranh với các trào lưu tư tưởng phi mácxít, phản bác các luận điệu xuyên tạc làm cản trở con đường truyền bá, xác lập hệ tư tưởng vô sản ở Việt Nam; đồng thời, bảo vệ giá trị, ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười Nga 1917 và khẳng định vai trò hoạt động của lãnh tụ V.I. Lênin.
Đặc biệt, từ khi Đảng ra đời, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng,đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch càng được coi trọng, đẩy mạnh, tiến hành bài bản hơn, trở thành một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng.
Trong điều kiện chưa trở thành một Đảng cầm quyền, chủ yếu phải hoạt động bí mật, Đảng ta không ngừng củng cố sức mạnh, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ dân tộc và dân chủ; đẩy mạnh cuộc đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước, làm cho chủ nghĩa Mác -Lênin không ngừng lan tỏa, thấm sâu vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1932, những chiến sĩ cộng sản như đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Chi, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt... đấu tranh không khoan nhượng với quan điểm sai lầm của tù chính trị Quốc dân Đảng tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) và nhà tù Côn Đảo. Với nhiều bài viết sắc sảo, lập luận đanh thép, đủ luận cứ, chứng minh tính đúng đắn về tư tưởng và đường lối cách mạng của Đảng ta, làm cho nhiều đảng viên Quốc dân Đảng dần chuyển sang lập trường vô sản, đứng vào hàng ngũ cộng sản.
Tháng 10/1933, diễn ra cuộc tranh luận về duy tâm và duy vật. Ở góc độ nào đó, có thể coi đây là cuộc đấu tranh bảo vệ quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, khẳng định lập trường vô sản. Tháng 8/1935 diễn ra cuộc tranh luận, bút chiến khá sôi nổi, kéo dài nhiều năm giữa quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” với quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Những người cộng sản đã bảo vệ quan điểm mácxít về văn hóa, nghệ thuật. Cùng với đó là cuộc đấu tranh chống sự xâm nhập của chủ nghĩa Tờrốtxky vào Đảng ta từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX.
Khi đó, đang hoạt động ở nước ngoài nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn có chỉ đạo về nước, căn dặn phải “Tuyệt đối chống bọn Tờrốtkít, không có bất kỳ sự nhượng bộ nào về tư tưởng, về chính trị”.
Nhằm ngăn chặn chủ nghĩa Tờrốtxky có thể làm một số đảng viên giao động dẫn đến nguy cơ chia rẽ nội bộ Đảng, tạo nên nghi vấn trong quần chúng, Tổng Bí thư Hà Huy Tập với bút danh Thanh Hương xuất bản cuốn sách “Tờrốtxky và phản cách mạng” đúng ngày sinh nhật Các Mác mùng 5/5/1937. Tác phẩm có ý nghĩa quan trọng, thu hút đông đảo đội ngũ báo chí cách mạng, cảm hóa và lôi kéo được nhiều cây bút từng tham gia viết bài cho phía Tờrốtkít… Tại Hội nghị Trung ương năm 1937, Đảng khẳng định chủ nghĩa Tờrốtxky là nguy hiểm nhất, chỉ ra rằng: “muốn chống tờrốtkít cho có hiệu quả, các đồng chí ta phải có một cơ sở lý luận vững vàng và phải nghiên cứu kỹ càng đặng hiểu rõ chánh sách tổ chức mới của Đảng”[1].
Tác phẩm Tự Chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (năm 1939)
Năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường viết tác phẩm “Tự chỉ trích” phê bình những hạn chế, thiếu sót của Đảng, nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, trong đó chỉ rõ: “người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ hay phỉnh họ”[2].
Bên cạnh đó, các đồng chí lãnh đạo và đảng viên còn phải đấu tranh với những phần từ A.B và những luận điệu chính trị thân Nhật, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong tài liệu “Làm thế nào để nhận biết một phần tử A.B?” đăng Báo Cờ giải phóng ngày 25/12/1944 đã chỉ rõ: “A.B là bọn khiêu khích làm tay sai cho đế quốc, đội lốt cộng sản chui vào Đảng để dò xét và phá hoại Đảng… Bọn đế quốc dùng bọn A.B cho đeo mặt nạ vào Đảng để ngầm phá Đảng”. Nên “phải hết sức tỉnh táo, hằng ngày, hằng giờ, hằng phút kiểm tra hàng ngũ để tìm ra bọn A.B đặng kịp thời đối phó”.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1945-1986)
Trong giai đoạn 1945-1954, các đảng viên quyết liệt đấu tranh chống tư tưởng phản động trong giai cấp địa chủ, tư sản và một số phần tử trong “Mặt trận quốc gia Liên hiệp” thân Pháp có ý đồ thành lập “Cộng hòa tự trị Nam Kỳ”. Cùng với đó là cuộc đấu tranh với tư tưởng dao động, thỏa hiệp, tả khuynh khi Chính phủ ta ký với thực dân Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6-3 và Tạm ước ngày 14-9-1946. Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo, kiên quyết chỉ đạo đập tan âm mưu “diệt cộng cầm Hồ” của Tưởng Giới Thạch và bọn tay sai; dẹp tan âm mưu phản cách mạng của các tổ chức Việt Quốc, Việt Cách.
Đáng lưu ý là, để giảm sự chống phá của kẻ thù, Đảng ta tuyên bố “tự giải tán” (11/11/1945 đến ngày 3/3/1951), thực chất rút vào hoạt động bí mật. Ngoài ra, Đảng còn đấu tranh với biểu hiện tiêu cực trong tư tưởng một số cán bộ, đảng viên, thực hiện cuộc vận động chỉnh huấn trong Đảng, quân đội, đoàn thể (1952-1953), chống tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn “đánh nhanh thắng nhanh”...
Bước vào giai đoạn 1954-1975, Đảng ta không ngừng đấu tranh vớitư tưởng sai lầm tả khuynh trong cải cách ruộng đất và biểu hiện tư tưởng sai lầm trong nhóm “Nhân văn - Giai phẩm”; khắc phục tàn dư tư tưởng lạc hậu và chống chiến tranh tâm lý của địch; chống tư tưởng bi quan, sợ hy sinh gian khó, sợ kháng chiến lâu dài sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và tư tưởng chủ quan, xả hơi khi Hiệp định Pari được ký kết năm 1973.
Đặc biệt nguy hiểm là sự xuất hiện chủ nghĩa xét lại những năm 1950 -1960, tấn công vào giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Lúc đó, trong Đảng xuất hiện một số người xuyên tạc, bôi đen, đòi xét lại nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, ra mặt chống phá Đảng. Trước thực tế đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác chủ nghĩa xét lại và những biểu hiện chủ nghĩa cơ hội để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Trường Chinh, Hoàng Tùng... tích cực “bút chiến”, chứng minh tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta vào thực tiễn Việt Nam.
Trong giai đoạn 1975-1986, Đảng ta rất coi trọng công tác chống “chiến tranh phá hoại về mặt tư tưởng”, đấu tranh với tư tưởng tiêu cực, hoang mang, hoài nghi vào chế độ cộng sản và các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội; đồng thời, đả thông sự bi quan, thất vọng của một số người trước tình hình khó khăn của đất nước trong bối cảnh bị đế quốc Mỹ bao vây, cấm vận còn chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu khủng khoảng ngày càng trầm trọng; đấu tranh chống âm mưu của địch phá hoại về tư tưởng, văn hóa; kiên quyết, chủ động đập tan âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của kẻ thù.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước
Trong thời kỳ đổi mới, các thế lực phản động, thù địch không ngừng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam dưới nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm. Những năm 1989-1991, chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa cơ hội lại trỗi dậy, làm tổn thất lớn trong các nước xã hội chủ nghĩa. Từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, sụp đổ, các thế lực phản động, thù địch trong nước kết hợp thế lực ngoại quốc càng có cớ tấn công chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận thành tựu của các nước xã hội chủ nghĩa; phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ những người cộng sản.
Nhưng Đảng ta luôn tỉnh táo, sớm nhận định, phát hiện tình hình, sáng suốt có cách phòng ngừa, tổ chức đấu tranh kịp thời, hiệu quả. Từ dịp Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười (năm 1987), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có cảnh báo về sự phản bội của một số người lãnh đạo trong các Đảng Cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, nên căn dặn: “Bây giờ ta phải tự bảo vệ lấy ta”. Ngay lập tức, Đảng kịp thời tạo bức tường thép chặn đứng những âm mưu thâm độc, quan điểm sai trái bằng việc tuyên bố: “Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”[3]và “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[4]. Tiếp đó, Đảng ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 29/6/1992 về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống “diễn biến hoà bình” của địch. Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa IX, Đảng chỉ đạo: “Ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan “diễn biến hòa bình”, nguy cơ can thiệp quân sự và xung đột vũ trang, xâm hại chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta”[5].
Thực hiện Thông báo Kết luận số 94-TB/TW ngày 30/12/2002 của Ban Bí thư về tăng cường nhiệm vụ chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, thành lập Ban Chỉ đạo 94 ở Trung ương và các địa phương. Tại Đại hội XII, Đảng chỉ rõ thủ đoạn mới của các thế lực thù địch trong âm mưu “diễn biến hòa bình”, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng internet để chống phá ta[6].
Đặc biệt, ngày 22/10/2018, Đảng ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Theo đó, thành lập các Ban Chỉ đạo 35 từ Trung ương đến cấp huyện, phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 35; đồng thời, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ; tăng cường một bước công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và văn hóa.
Lê Mật