Nhận diện sự chống phá của các thế lực thù địch
Thứ nhất, các thế lực thù địch tìm cách xóa bỏ chủ nghĩa xã hội (CNXH), phủ định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH”. Các thế lực thù địch đã lợi dụng sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô để tuyên truyền Việt Nam cũng cần học theo họ để từ bỏ con đường CNXH, để hòa nhập vào thế giới tư bản văn minh (!?); chúng tuyên truyền chủ nghĩa Mác -Lênin là một thứ giáo lý phi khoa học, đã thực nghiệm trong nhiều năm qua là sai lầm, Việt Nam đưa vào áp dụng là không thích hợp, là sự ngộ nhận, một điều xa sỉ đối với một đất nước có 90% là nông dân(!?); chúng xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và hạ thấp uy tín của Hồ Chí Minh.
Thứ hai, các thế lực phản động, thù địch tìm cách phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Các thế lực phản động tung ra nhiều luận điệu tuyên truyền nhằm kích động quần chúng loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, như: chúng tuyên truyền đòi xóa bảo Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng phê phán Đảng ta không chịu đổi mới về chính trị, “không chịu thực hiện đa nguyên chính trị, giữ độc quyền lãnh đạo, hạn chế dân chủ” (!?). Chúng cho rằng: “độc tài, Đảng trị là cái gốc sai chính của nhà cầm quyền Việt Nam hiện đại”(!?). Và rằng, “Đảng chỉ nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”. Bên cạnh đó, chúng thêu dệt, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng ta .
Thứ ba, chống phá công tác tổ chức, cán bộ và lý luận của Đảng, Nhà nước. Các thế lực phản động đẩy mạnh hoạt động chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước ta; ra sức kích động gây mất đoàn kết (chia rẽ Bắc - Nam, già - trẻ, cũ - mới, ngành nghề, quân sự - dân sự, kinh tế - chính trị...). Qua đó, thực hiện âm mưu phân hóa, làm suy yếu Đảng và Nhà nước; tích cực cài cắm, xây dựng lực lượng trong nội bộ ta với ý đồ luồn sâu, leo cao. Gần đây, các thế lực thù địch tung ra một số luận điệu vu khống, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao ở các thời kỳ nhằm đề cao người này, hạ thấp người kia để chia rẽ nội bộ, làm mất lòng tin của đảng viên, cán bộ và nhân dân. Chúng ráo riết tuyên truyền: “Đảng Cộng sản Việt Nam đang khủng hoảng lãnh tụ”, không ai nói được ai(!?). Chúng chủ trương vừa thúc đẩy các hoạt động chống phá ta về tổ chức, nhân sự, vừa tăng cường móc nối, xâm nhập vào nội bộ Đảng với ý đồ “gài bẫy” khống chế, chuyển hóa chế độ từ bên trong, bên trên; làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam “bị đổi màu, biến chất, mất vai trò lãnh đạo”.
“Lực lượng 47” chia sẻ các bài viết cảnh báo, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đối tượng chống phá chế độ. Ảnh: Internet.
Phương thức các thế lực thù địch tập trung chống phá
Thứ nhất, các thế lực thù địch đã sử dụng các phương thức như móc nối kích động để có nhiều người, nhiều đối tượng cùng tham gia viết bài, tuyên truyền bộc lộ quan điểm trái với đường lối quan điểm của Đảng, nhằm phân hoá nội bộ, chuyển hoá dần từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Chúng thường núp bóng dưới chiêu bài đấu tranh chống độc tài, quan liêu, tham nhũng để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc nội dung cương lĩnh, chiến lược, đường lối, quan điểm của Đảng.
Thứ hai, thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gây áp lực kinh tế, chính trị đòi Việt Nam phải tư nhân hóa nền kinh tế, hạn chế vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, bởi theo chúng, kinh tế nhà nước là ung nhọt, là sân sau của những “nhóm lợi ích” cấp cao (!?), là những tổ mối đục khoét của cải đất nước, để từ đó thúc đẩy khả năng chệch hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, tự do hóa thị trường theo hướng kinh tế thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản. Bằng các hoạt động đầu tư, viện trợ, đào tạo… các thế lực thù địch cố tình tạo sự phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền, các ngành kinh tế, sự mất cân đối của nền kinh tế quốc dân, đồng thời đặt ra những điều kiện ràng buộc về mặt chính trị gắn với gây sức ép về chính trị để từng bước can thiệp nội bộ và tạo sự chuyển hoá theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Chúng dùng đồng tiền, vật chất mua chuộc làm tha hóa một bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo ra tâm lý hưởng thụ, lối sống thực dụng, từ đó làm mất uy tín đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; dùng tiền bạc, hàng hóa mua chuộc, lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chống đối chính quyền.
Thứ ba, từ thực tế sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, chúng khẳng định: “mô hình đổ, nghĩa là học thuyết đổ” (!?). Các thế lực thù địch thúc đẩy việc hình thành “xã hội dân sự” theo mô thức phương Tây: Chúng núp dưới chiêu bài “dân chủ hóa”, hình thành “kênh phản biện” để cho ra đời các tổ chức đối trọng với các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đòi giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, lợi dụng các diễn đàn tư tưởng, thông qua hoạt động hợp tác, nghiên cứu khoa học,... để tuyên truyền về “xã hội dân sự”, đề cao dân chủ tư sản, nhằm chuyển hóa lập trường, tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đã và đang tích cực bí mật phát tán nhiều tài liệu phản động, với nội dung kêu gọi đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi tự do tôn giáo, tách khỏi vai trò quản lý của Nhà nước. Họ còn tích cực móc nối với cán bộ, đảng viên bất mãn, các văn nghệ sĩ, trí thức “trở cờ” để tài trợ, thúc đẩy hình thành các tổ chức đối lập như “Hội nhà báo độc lập”, “Hội văn đàn độc lập”...
Một số giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Một là, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, thực hiện nghiêm nguyên tắc, tổ chức và hoạt động của Đảng. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống những biểu hiện “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, đổi mới công tác tư tưởng, lý luận. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng, bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính chiến đấu, tính thực tiễn, kịp thời và hiệu quả”. Khi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân trong xã hội có sự giác ngộ sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, thì không chỉ mỗi người dân mà toàn xã hội sẽ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức trong việc nâng cao khả năng “tự bảo vệ”, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của tư tưởng ngoại lai đi ngược lý tưởng xã hội, vô hiệu hóa các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch.
Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định: “Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương”. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Xuân Việt