Đến thời điểm này, tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN đều có người mắc bệnh COVID-19. Tính đến hết ngày 8/4 đã có 11.105 trường hợp mắc COVID-19 ở khắp 10 quốc gia thành viên ASEAN, tăng 379 trường hợp trong vòng 24 giờ, trong đó có 195 ca trong tình trạng nghiêm trọng, nhưng cũng đã có thêm 267 người nhiễm bệnh được xuất viện. Đến 6 giờ sáng 9/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, số trường hợp mắc COVID-19 ở Việt Nam vẫn là 251, trong đó 126 ca đã ra viện, chưa có ca nào tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân, sự phát triển của các nước ASEAN cũng như ở khu vực và trên thế giới, hơn bao giờ hết, Cộng đồng ASEAN cần nêu cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau trước đại dịch. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang tích cực điều phối thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN, hợp tác với các đối tác phòng, chống dịch bệnh.
Phát huy tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, với kinh nghiệm trước đây đã từng đối phó với dịch SARS năm 2003, ASEAN đã chủ động, nhanh chóng triển khai các hành động cả ở từng nước thành viên, lẫn thông qua các nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN.
Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN thúc đẩy cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN để nâng cao khả năng sẵn sàng, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, giảm thiểu các tác động do dịch bệnh, qua đó thể hiện một ASEAN thực sự “gắn kết và chủ động thích ứng”.
Ngày 14/2, sau khi tham vấn lãnh đạo các nước ASEAN, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát dịch COVID-19. Các Nhà Lãnh đạo ASEAN cũng đã cam kết dành ưu tiên cao của ASEAN ứng phó với dịch bệnh, kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng quốc tế.
Có thể thấy, ASEAN đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất nhằm đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Cùng với việc ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN ở cấp cao, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí cao và ra các Tuyên bố cấp Bộ trưởng chuyên ngành như quốc phòng, kinh tế, du lịch… đề ra các biện pháp phối hợp hành động để ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19; khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hành động cụ thể, thiết thực, tăng cường trao đổi và phối hợp ở các cấp, cũng như với các đối tác.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng AIPA-41 và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ngày 30/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có Thư gửi các Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA, kêu gọi: Mỗi nghị viện thành viên AIPA đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN đối phó với đại dịch bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, thông qua các biện pháp, chính sách do Chính phủ đề xuất nhằm ứng phó dịch bệnh; tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực và tăng cường kết nối với người dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi các nghị sỹ cần tiếp tục lan tỏa thông điệp đoàn kết, yêu thương, động viên mọi người dân, nhất là những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Lời kêu gọi đó đã được các nghị viện thành viên AIPA đồng tình hưởng ứng. Trả lời Thư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thái Lan Chuan Leekpai khẳng định sự đồng hành cùng Chủ tịch AIPA-41 Nguyễn Thị Kim Ngân và cho rằng đây chính là lúc cho thấy sự hợp tác trong khu vực là cần thiết trong việc chung tay bảo vệ Ngôi nhà chung ASEAN trước đại dịch COVID-19.
Để thảo luận các biện pháp triển khai Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó với dịch COVID-19, theo đề xuất của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) đã tổ chức một Hội nghị đặc biệt vào ngày 20/2 tại Viêng Chăn (Lào) có sự tham gia của tất cả các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Tại Hội nghị, Việt Nam chủ động đề xuất các bước triển khai tiếp theo của ASEAN, nhằm tăng cường nỗ lực và hành động chung, tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN. Cụ thể là: Chia sẻ thông tin một cách minh bạch, phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan trong cả hệ thống ASEAN, ở cấp độ quốc gia và khu vực, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm ứng phó, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ công dân của các nước thành viên trong trường hợp cần thiết, tin cậy và ủng hộ lẫn nhau trong nỗ lực xử lý tình hình; đề cao trách nhiệm của các Chính phủ trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho người dân và cho các quốc gia thành viên ASEAN về tình hình diễn biến dịch bệnh, cũng như biện pháp ứng phó của mỗi nước; đẩy mạnh hợp tác xử lý các thông tin sai lệch gây hoang mang trong cộng đồng. Ở một tầm nhìn dài hơi hơn, cần cân bằng giữa phòng, chống dịch bệnh với việc duy trì các chính sách liên kết và kinh tế mở...
Theo đề xuất của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN, Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, đã được thành lập, nhằm thúc đẩy phối hợp đồng bộ, liên ngành của cả Cộng đồng ASEAN ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Ngày 31/3, Hội nghị trực tuyến đầu tiên của Nhóm công tác liên ngành đã được tiến hành, nhằm thống nhất khuyến nghị về phương hướng hợp tác phòng, chống dịch COVID-19, trình Hội đồng Điều phối ASEAN để xin ý kiến các Bộ trưởng trước khi báo cáo Lãnh đạo cấp cao ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN đã chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các nước ASEAN nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong ASEAN, cũng như với các đối tác trong phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm và điều trị các ca bệnh, hợp tác đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, duy trì nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống của người dân và trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, hỗ trợ và bảo vệ kịp thời cho công dân các nước thành viên ASEAN ở các vùng dịch bệnh, ngăn ngừa và chặn đứng thông tin giả mạo, sai lệch...
Hợp tác, ứng phó hiệu quả với các thách thức do dịch COVID-19
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, tăng cường hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các đối tác nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức do dịch COVID-19 gây ra là hết sức cần thiết.
Với tư cách là hai tổ chức hàng đầu ở hai khu vực, EU và ASEAN cùng nhau phối hợp nhằm vượt qua những thách thức, thông qua các hành động, nỗ lực chung, với mục đích cuối cùng là bảo vệ cuộc sống cho người dân. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN - EU về hợp tác ứng phó dịch COVID-19, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác thúc đẩy cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN để nâng cao khả năng sẵn sàng, các biện pháp chủ động ứng phó với dịch bệnh, giảm thiểu các tác động.”
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị EU hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác nghiên cứu khoa học trong kiểm soát, điều trị các ca nhiễm; quan tâm đảm bảo quyền lợi, đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN tại EU; phối hợp giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.
Đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của ASEAN trong việc phòng, chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đề nghị các nước ASEAN tạo điều kiện hồi hương cho công dân các nước EU đang du lịch tại khu vực Đông Nam Á.
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, ASEAN đã không ngừng nỗ lực duy trì đà hợp tác và liên kết, thúc đẩy tinh thần Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng trước các thách thức đặt ra. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam chủ động thúc đẩy trong thời gian tới để đảm bảo duy trì các kế hoạch công tác của ASEAN theo tiến độ, cũng như tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, phối hợp giữa ASEAN với các đối tác, nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.
Một hội nghị trực tuyến liên ngành giữa các quan chức cao cấp ASEAN - Mỹ cũng đã được tổ chức, nhằm thúc đẩy phối hợp và hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trong ứng phó với dịch COVID-19 và các thách thức y tế công cộng. Tại Hội nghị, đại diện Việt Nam đề xuất các định hướng hợp tác giữa ASEAN và Mỹ trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh cũng như ứng phó với các tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân; khẳng định Việt Nam sẽ tích cực phát huy công tác điều phối các nỗ lực của ASEAN vì mục tiêu này.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của ASEAN trong ứng phó với dịch COVID-19; cảm ơn các nước ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Mỹ được trở về từ các vùng dịch, khẳng định sẽ trợ giúp công dân các nước ASEAN đang sinh sống, học tập và làm việc ở Mỹ.
Hợp tác ứng phó với dịch COVID-19 đang là ưu tiên hàng đầu hiện nay của ASEAN. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang tích cực điều phối thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN và hợp tác với các đối tác để phòng, chống dịch bệnh.
Quyền Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM Australia về ASEAN và Cấp cao Đông Á, ông Justin Hayhurst đánh giá cao vai trò và nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong thời gian qua, khẳng định Australia sẽ tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực phòng, chống dịch bệnh thông qua các cơ chế hợp tác khu vực, trong đó có hợp tác ASEAN-Australia và Cấp cao Đông Á.
Thời gian qua, các nước thành viên đã ủng hộ, chung tay cùng Việt Nam thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Với quyết tâm và nỗ lực chung, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, Cộng đồng ASEAN có thể vững vàng trước mọi thử thách, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia thành viên.
Nguồn TTXVN