Cuối tháng 4-2020, đối tượng Nguyễn Đức Thuận (39 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội - Tico có hành vi lừa đảo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trốn lệnh truy nã 7 năm đã bị lực lượng chức năng phát hiện.Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu, đưa ra xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ngoài trường hợp nêu trên, thời gian gần đây, đối tượng Lê Duy Anh (40 tuổi), Giám đốc Trung tâm Đào tạo tư vấn du học Chấn Hưng có trụ sở tại quận Thanh Xuân cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài". Theo tài liệu điều tra, dù không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng từ tháng 9-2015 đến tháng 1-2019, Lê Duy Anh đã cấu kết với một số đối tượng tuyển người lao động đi làm việc tại Australia, thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tin vào những lời hứa hẹn, mới đây, nhiều người lao động trở thành nạn nhân của Công ty cổ phần 3KS Nhân lực có văn phòng tại nhiều địa chỉ ở Hà Nội. Công ty này thu phí môi giới 300 triệu đồng/người, nhưng do làm giả hồ sơ nên phía Nhật Bản đã xóa tên khỏi danh sách các doanh nghiệp phái cử thực tập sinh sang nước này từ ngày 26-5-2020. Ngày 22-5-2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thu hồi Giấy phép số 3338/LĐTBXH-GP cấp ngày 20-12-2012 của Công ty cổ phần 3KS Nhân lực và yêu cầu công ty chấm dứt hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài từ ngày 16-8-2020.
Những cá nhân, đơn vị nêu trên chỉ là số ít các trường hợp trong danh sách bị xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trên thực tế, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 100 vụ việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái pháp luật, chiếm tỷ lệ lớn là các đơn vị có địa chỉ tại Hà Nội.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 300 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thì có tới gần 200 doanh nghiệp đăng ký địa chỉ hoạt động tại Hà Nội. Nhưng trên thực tế, nhu cầu đi làm việc nước ngoài của lao động ở Hà Nội không cao (mỗi năm chỉ có hơn 3.000 người), nên các doanh nghiệp thường đi tuyển dụng lao động tại các tỉnh, thành phố khác.
Trong quá trình môi giới, tư vấn, tuyển dụng lao động tại các địa phương khác, các đơn vị, doanh nghiệp có chấp hành nghiêm quy định của pháp luật hay không, thì lực lượng chức năng thành phố Hà Nội rất khó phát hiện. Tuy nhiên, Hà Nội luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, các địa phương để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp người dân hiểu chính sách để tránh bị lừa…
Từ kinh nghiệm quản lý ở địa phương, ông Đặng Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì cho hay, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, nhất là tư cách pháp nhân của các đơn vị nhận hồ sơ. Hiện nay, trên trang thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đăng tải đầy đủ tên của các đơn vị được cấp phép đưa người đi lao động tại nước ngoài cũng như các thông tin liên quan đến thủ tục cần thiết để đi lao động tại nước ngoài. Bên cạnh đó, người lao động cần lưu ý, tất cả công ty tham gia vào hoạt động này phải có chương trình đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động. Khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần yêu cầu công ty ký trực tiếp, rõ nội dung, rõ địa chỉ…
Theo Hanoimoi