Nhận thức chung về “bất tuân dân sự”
“Bất tuân dân sự” là khái niệm khá quen thuộc thường được sử dụng trong lĩnh vực chính trị ở các nước phương Tây, sau đó được “du nhập” và lan rộng sang các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề “bất tuân dân sự” lần đầu tiên xuất hiện trong triết học La Mã - Hy Lạp cổ đại cách đây khoảng hơn 2000 năm. Đến thế kỷ XIX, thuật ngữ “bất tuân dân sự” lần đầu tiên xuất hiện trong tập tiểu luận “On the Duty of Civil Disobedience” (Về bổn phận của “bất tuân dân sự”) của nhà văn, nhà tư tưởng người Mỹ, Henry David Thoreau (1817-1862). Theo đó, Henry David Thoreau cho rằng “bất tuân dân sự” là việc người dân có quyền từ chối sự trung thành và chống lại chính phủ khi những hành động bạo ngược và bất tài của chính phủ trở nên không thể chịu đựng được nữa[1].
Biểu tình chống chính phủ đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình ở Caracas, Venezuela năm 2017. Ảnh: Internet.
Trải qua thời gian dài nghiên cứu, bổ sung, nội hàm khái niệm “bất tuân dân sự” ngày càng được hoàn thiện. Tùy vào từng góc độ, quan điểm nghiên cứu cũng như bối cảnh, tình hình của mỗi quốc gia vào từng thời điểm khác nhau, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều khái niệm và cách nhìn nhận khác nhau về “bất tuân dân sự”. Tuy nhiên, nhìn chung có thể hiểu “bất tuân dân sự” là hành động bất hợp pháp, lợi dụng quyền tự do, dân chủ để chống phá chế độ, chống phá nhà nước được thực hiện một cách công khai, không mang tính bạo lực, bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động tạo thành mâu thuẫn đối kháng giữa người dân với chính quyền, nếu không kiểm soát được sẽ có thể dẫn đến nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn hoạt động “bất tuân dân sự” chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam
Ở Việt Nam, hoạt động lợi dụng “bất tuân dân sự” đã diễn ra từ nhiều năm trước, nếu không được nhận diện và đấu tranh kịp thời thì có nguy cơ trở thành “phong trào” gây nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Về bản chất, “bất tuân dân sự” tại Việt Nam là những hoạt động nhằm vô hiệu hóa một hoặc nhiều quyết định quản lý nhà nước của chính quyền bằng “sức mạnh hòa bình” của quần chúng; vô hiệu hoặc làm giảm khả năng sử dụng quyền lực nhà nước của chính quyền; thường được bắt đầu một cách tự phát, vô hại nhỏ lẻ, nhưng sau đó lây lan và được tổ chức khá chặt chẽ. “Bất tuân dân sự” tại Việt Nam là hệ quả của quá trình tác động, thẩm thấu, chuyển hóa lâu dài. Trong đó, các thế lực thù địch đã thẩm thấu các giá trị, tư tưởng tiêu cực,chống đối hoặc trái ngược khiến cho quần chúng nhân dân “nhờn luật”, hình thành tư tưởng “phản kháng ý thức hệ” khi bị kích động hoặc xung đột về lợi ích, chịu sự nhũng nhiễu của một bộ phận tha hóa trong bộ máy công quyền.
Bằng những thủ đoạn mới nhưng không mới, hoạt động “bất tuân dân sự” tại Việt Nam “ẩn nấp” dưới nhiều vỏ bọc khác nhau trở nên ngày càng tinh vi, phức tạp, có tổ chức với quy mô rộng lớn trên nhiều lĩnh vực, đồng thời lợi dụng, lôi kéo đông đảo người dân tham gia. Có thể kể đến một số vụ việc điển hình như:
“Bất tuân trả phí BOT”: đây là hoạt động phản đối của người dân khi cho rằng các trạm thu phí BOT đặt sai quy định. Với tính chất phức tạp, các vụ việc “bất tuân trả phí BOT” bị các đối tượng thù địch lợi dụng, tính toán và lên kế hoạch chặt chẽ, từ việc sử dụng tiền lẻ, tiền chẵn mệnh giá lớn cho đến thời gian, địa điểm sẽ tiến hành.
“Bất tuân cưỡng chế đất đai”: thông qua việc chống đối cưỡng chế của người dân đối với chính sách di dời, giải phóng mặt bằng trên cả nước,một số đối tượng cầm đầu khiếu kiện, chống đối đã lợi dụng các vụ việc tranh chấp phức tạp để kích động người dân phản ứng với chính quyền thông qua các hoạt động với mục đích chính trị như tẩy chay bầu cử, từ chối đi bầu cử, không tham gia các hoạt động do chính quyền tổ chức; thậm chí, các thế lực phản động còn đòi “xét lại” chính sách công hữu về đất đai của Nhà nước.
Lợi dụng phản đối trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang năm 2017, một số lái xe đã có những hành động quá khích, vi phạm pháp luật, nhằm gây áp lực cho trạm BOT. Ảnh: Internet.
Bên cạnh đó, một số hoạt động “bất tuân dân sự” khác đã tạo nên luồng dư luận trong nhân dân như sự việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chủ trương thay thế 6.700 cây xanh năm 2015 do những hạn chế, thiếu sót trong việc triển khai đã gây bức xúc dư luận; sự cố ô nhiễm môi trường ở biển miền Trung, tính từ tháng 04/2016 đến tháng 09/2016 đã có hơn 18 vụ tụ tập đông người, biểu tình trên đường quốc lộ, có vụ số người biểu tình lên đến hàng trăm người; thâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà trọ của công nhân để tung tin, xuyên tạc về nguy cơ lây nhiễm Covid-19, gây hoang mang, lo lắng cho người dân; khi tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng thù địch lợi dụng mạng xã hội để kêu gọi người dân trở về quê bằng xe máy, hướng dẫn người dân tập trung đông người gây sức ép buộc lực lượng chức năng phải giải quyết qua các chốt kiểm soát,…
Các vụ việc trên đã cho thấy mức độ nguy hiểm và phức tạp của tình trạng “bất tuân dân sự” tại nước ta hiện nay, chúng ngày càng công khai manh động, thách thức chính quyền, gây khó khăn cho công tác giải quyết, ảnh hưởng tiêu cực đối với tình hình an ninh chính trị tại một số địa bàn.
Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động “bất tuân dân sự” chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam
Với những diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi của hoạt động “bất tuân dân sự”, Đảng và Nhà nước ta cần có những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn này một cách hiệu quả, thiết thực. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số biện pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao niềm tin của người dân vào tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật, góp phần nâng cao hơn ý thức tuân thủ pháp luật. Đồng thời, chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, trang bị các phương tiện, thiết bị hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, kiểm duyệt, kiểm tra trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, internet... đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “bất tuân dân sự”.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và hợp lý của các văn bản pháp luật khi được ban hành. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của cán bộ, công chức các cấp, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, phân tích, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... kích động, lôi kéo nhân dân tham gia “bất tuân dân sự”. Chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp cơ sở phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của nhân dân; giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng về khiếu kiện, khiếu nại, không để âm ỉ, kéo dài…
Thứ tư, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần đẩy mạnh tính tiền phong gương mẫu, nâng cao nhận thức đúng đắn về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt đối với hoạt động “bất tuân dân sự”; giữ vững bản lĩnh chính trị, nâng cao cảnh giác cách mạng; nghiêm túc thực hiện “tự phê bình” và “phê bình”, góp phần tham gia phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, không để bị tác động bởi các hoạt động tuyên truyền, chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch; tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, người thân, bạn bè nhận thức đúng bản chất hoạt động “bất tuân dân sự” và âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, làm theo sự kích động, lôi kéo của các đối tượng xấu tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật.
[1]Henry David Thoreau(1849): Essay: “On the Duty of Civil Disobedience”.
Lê Thị Thảo Ngọc