1. So với các kỳ bầu cử trước đây, có thể thấy kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này, các thế lực chống đối hoạt động ráo riết hơn, tinh vi hơn, “bài bản” hơn. Họ liên tục tung ra các chiêu trò nhằm đánh lạc hướng dư luận, làm nhiễu thông tin với mục đích duy nhất là chống phá cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sẽ diễn ra vào ngày mai - ngày 23/5/2021.
Một trong những thông tin chống phá rất tinh vi là họ tung ra luận điệu “không biết không bầu”. Và rằng, bầu cử là quyền nên đã là quyền thì mọi người có thể không phải đi bầu. Cảnh giác trước các chiêu trò này, tập trung bảo vệ cho tiến trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan trong hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi cử tri.
Thực chất, việc kêu gọi “không biết không bầu” là hoạt động chống phá rất thâm hiểm, cổ vũ cho tính vô kỷ luật, vô chính phủ. Mục đích mà các thế lực chống đối này nhắm tới là tẩy chay Đảng và Nhà nước Việt Nam, không công nhận chính quyền và hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay.
2. Điều 27 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 hiến định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Nếu chỉ dẫn lại điều này để kêu gọi tẩy chay bầu cử, không đi bầu là hoàn toàn không đúng. Trong thực tế, bao giờ quyền cũng đi kèm với nghĩa vụvà ngược lại, nghĩa vụ luôn đi kèm với quyền và không phải lúc nào quyền hay nghĩa vụ cũng đều bắt buộc phải luật hóa. Điều này đã được quy định rất rõ tại điều 15 Hiến pháp 2013: “1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Như vậy, kể cả trong vấn đề bầu cử, công dân có quyền thì cũng phải có nghĩa vụ, nghĩa vụ ở đây là nghĩa vụ của một công dân với đất nước khi tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đó chính là nghĩa vụ tham gia xây dựng Nhà nước.
Ở Việt Nam, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân là nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận qua tất cả các bản Hiến pháp của nước ta. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã qui định cụ thể các phương thức để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực này.
Ở nước ta, nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng hai hình thức: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Bằng dân chủ trực tiếp, ngày 23-5 này người dân sẽ dùng lá phiếu của mình để quyết định ai là người thay mặt và đại diện cho mình. Vì vậy, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chính là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình. Để mỗi công dân được cầm lá phiếu trên tay đi bầu ra các đại biểu đại diện cho mình, không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới thực sự là một cuộc chiến đấu rất lâu dài. Trước năm 1946, người dân Việt Nam cũng chưa có được quyền này. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngay sáng hôm sau, chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ, trong nhiều nhiệm vụ cấp bách nêu ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cần phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc bầu cử Quốc hội. Ngày 06/01/1946, lần đầu tiên trong lịch sử, mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ… đã có quyền ứng cử, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ cầm lá phiếu của mình để bầu chọn ra các đại biểu thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Kể từ cuộc bầu cử khóa I năm 1946 đến nay, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy cao nhất quyền làm chủ của công dân, cử tri.
3. Ngoài các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, Hiến pháp Việt Nam hiện hành còn có nhiều các điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Chẳng hạn Điều 44 quy định: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”; Điều 45: “1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. 2. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”; Điều 46: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”… Như vậy, nếu công dân không tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thì sẽ không có cơ sở để có Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Không có Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thì sẽ không bầu ra được các cơ quan, vị trí lãnh đạo của đất nước và địa phương…
Bầu cử là quyền của công dân. Là quyền, người dân có thể thực hiện quyền đó và cũng có thể không thực hiện - bởi đó là quyền. Thế nhưng, với một công dân có trách nhiệm, quyền phải luôn đi cùng với nghĩa vụ. Vì lẽ ấy, mỗi người dân khi được thụ hưởng những thành quả chung của đất nước thì cũng đồng nghĩa với việc có trách nhiệm để xây dựng đất nước. Đi bầu cử vì vậy không chỉ là quyền mà trở thành nghĩa vụ của mọi công dân.
Viễn Trung