Cơ hội chiến thắng
Kết quả thăm dò ngày 8.10 của Real Clear Politics cho thấy, ông Donald Trump được 41,9%, kém gần 10 điểm so với ông Joe Biden - được 51,6%.
Các cuộc thăm dò quốc gia ngày 4.10 cho thấy ông Donald Trump đạt 42,5%, ông Joe Biden là 50,6%.
Thăm dò ngày 3.10 của FiveThirtyEight cho ông Joe Biden 51% cơ hội thắng cử, trong khi ông Trump chỉ được 41% - khoảng cách lớn nhất giữa hai người trong những tháng gần đây.
Trên thực tế, ông Joe Biden đã dẫn trước ông Donald Trump trong hầu hết các cuộc thăm dò quốc gia cho đến nay, khoảng 50%.
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả tin xấu đối với ông Donald Trump. Tỉ lệ ủng hộ của ông có vẻ tích cực hơn.
Vào tháng 6.2020, tỉ lệ không ủng hộ tổng thống đạt mức cao 56,2% trong khi tỉ lệ ủng hộ giảm xuống 41,2%.
Tuy nhiên, vào tháng 10.2020, tỉ lệ nói trên đã đảo ngược khá nhiều - với tỉ lệ chấp thuận đạt 44,4% và không chấp thuận là 53,5% vào ngày 7.10.
Tỉ lệ ủng hộ ông Donald Trump và Joe Biden. Ảnh: Real Clear Politics
Tỉ lệ cá cược cũng là một chỉ dấu khác để dự đoán ai có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Theo các nhà cái bao gồm William Hill và Betfair Exchange, sau cuộc tranh luận tổng thống với ông Joe Biden, mọi thứ không quá khả quan với ông Donald Trump khi đối thủ của ông được đặt cược lớn hơn.
Tuy nhiên, thông báo từ Nhà Trắng rằng Tổng thống Donald Trump mắc COVID-19 khiến các nhà cái ở Anh tạm dừng đặt cược.
Ai thắng ai?
Cho đến lúc này, trong khi tại hầu hết các bang đều đã biết rõ ứng cử viên nào sẽ là người giành được đa số phiếu, chỉ có một thiểu số các bang “chiến trường” sẽ quyết định ai là người chiến thắng. Và tại đó nơi không đảng nào chiếm đa số rõ rệt, nhóm cử tri “do dự” này sẽ có tiếng nói cuối cùng.
Chính nhóm cử tri này đã hạ bệ bà Clinton và đưa ông Trump lên làm Tổng thống năm 2016 trong một cuộc bầu cử mà mọi dự đoán trước đó đều cho rằng bà Clinton sẽ là người chiến thắng, và thực tế bà Clinton đã giành được hơn 3 triệu phiếu phổ thông so với ông Trump lúc đó.
Bầu cử tổng thống Mỹ luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ. Ảnh: BBC
Nhưng khác với tất cả các cuộc bầu cử khác, trong bầu cử Tổng thống Mỹ, việc giành được bao nhiêu phiếu không quan trọng, mà quan trọng là giành được phiếu ở đâu. Dù năm 2016 bà Clinton có số phiếu phổ thông cao hơn nhưng với thất bại tại các bang “chiến trường”, rốt cuộc bà vẫn là người thua cuộc.
Do đó không khó để nhận thấy trong những ngày còn lại, cả hai ứng cử viên sẽ tập trung vào lá phiếu của các nhóm cử tri còn do dự ở những bang “chiến trường” này. Trong khi ông Trump sẽ phải tìm cách lật ngược tình thế, ông Biden sẽ có nhiệm vụ dễ dàng hơn là cố gắng hạn chế tổn hại để duy trì lợi thế dẫn điểm của mình.
Chỉ còn 20 ngày nữa đến ngày bầu cử nhưng vẫn chưa thể khẳng định ai sẽ là người chiến thắng. Liệu “điều bất ngờ của tháng 10” có xảy ra? Bài học của cuộc bầu cử năm 2016 đã làm cho bất kỳ ai cũng phải cẩn trọng với đánh giá của mình cho đến phút cuối cùng.
Cuộc chạy đua trong vòng xoáy dịch bệnh?
Theo giới quan sát, một yếu tố vừa xuất hiện song có thể tác động nhất định tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đó là việc Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump cùng bị nhiễm Covid-19.
Việc Tổng thống Donald Trump nhiễm Covid-19 khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng càng trở nên khó dự đoán
Việc bị nhiễm Covid-19 đã làm đảo lộn kế hoạch vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump trong giai đoạn chạy đua nước rút “nước sôi lửa bỏng”. Ê kíp chiến dịch tranh cử của ông đã buộc phải thông báo hủy các sự kiện chính trị, hoặc sử dụng hình thức tổ chức trực tuyến trong tương lai gần, bao gồm cả những chuyến thăm các bang chiến trường chủ chốt như Wisconsin, Pennsylvania và Nevada.
Ông Donald Trump từ trước tới nay luôn dựa vào những cuộc vận động trực tiếp để khơi dậy sự nhiệt tình của đám đông ủng hộ. Do đó, nếu mất đi “vũ khí” sắc bén này, ông được cho là khó có thể thu hẹp khoảng cách với đối thủ Joe Biden, người đang dẫn trước trong đa số các cuộc thăm dò và việc gây quỹ tranh cử.
Kết quả dương tính với virus corana chủng mới (SARS-CoV-2) đã khiến ông Donald Trump không thể gặp trực tiếp các nhà tài trợ, cản trở khả năng gây quỹ vào những tuần cuối cùng của cuộc chạy đua quyết liệt. Trong khi đó, ứng cử viên Joe Biden đã huy động được hơn 364 triệu USD vào tháng 8, khoản tiền gây quỹ tranh cử hàng tháng cao kỷ lục. Sau buổi tranh luận đầu tiên, cựu Phó Tổng thống Mỹ tiếp tục lập kỷ lục với 3,8 triệu USD tiền quyên góp trong một giờ.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã khỏi bệnh Covid-19, 9 ngày sau khi ông nhập viện điều trị căn bệnh này. Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News ngày 11.10, ông Trump nói: "Có vẻ như tôi đã miễn nhiễm với Covid-19 một thời gian dài và ngắn, hoặc cả đời, không ai thực sự biết, nhưng tôi đã miễn nhiễm".
Tăng tốc chạy đua
Ngày 17-9 (giờ địa phương), ông Biden tổ chức sự kiện vận động tranh cử trực tiếp đầu tiên tại một tòa thị chính kể từ khi chính thức nhận đề cử.
Sự kiện tổ chức tại thành phố Scranton, bang Pennsylvania, quê nhà của cựu Phó Tổng thống Mỹ này. Trong bài phát biểu truyền cảm hứng tại sự kiện ngoài trời, ông Biden khẳng định sẽ đại diện cho tầng lớp lao động tại Mỹ tốt hơn đối thủ đến từ ông Trump, người trưởng thành từ tầng lớp thượng lưu và có xu hướng ưu tiên giới tài phiệt tại Phố Wall hơn là giúp đỡ những gia đình lao động. Với cách trả lời tràn đầy năng lượng, ứng viên Biden gọi cuộc đua giữa ông và Tổng thống Trump cũng giống như cuộc cạnh tranh giữa một bên là thành phố Scranton đầy gan góc và bên kia là Park Avenue xa hoa.
Trong khi đó, ông Trump cũng tích cực thực hiện chiến dịch vận động trực tiếp dù theo những cách khác nhau. Ngày 17-9, ông trở lại Wisconsin với phong thái sôi nổi, trái ngược với phong cách có phần lặng lẽ của ông Biden. Các chiến dịch vận động tranh cử của hai ứng viên cũng được cho là ngày càng khắc sâu những khác biệt trong vấn đề ứng phó đại dịch Covid-19. Trò chuyện với người ủng hộ ở Wisconsin, Tổng thống Trump tập trung vào những cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đây là lĩnh vực mà các cuộc khảo sát đều chỉ ra ông đang thể hiện tốt hơn so với đối thủ đảng Dân chủ. Tổng thống Trump khẳng định, mục tiêu này sẽ không được ưu tiên nếu ứng viên đảng Dân chủ lên cầm quyền với các cam kết đầu tư cho các quỹ lương hưu.
Rạng sáng 30-9 (giờ Việt Nam, tối 29-9 theo giờ Mỹ), đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đã tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, sự kiện dư luận gọi là “màn so găng đầu tiên” giữa hai đối thủ, mà người thắng trong cuộc đấu này sẽ được tạo đà tâm lý thuận lợi cũng như giành ưu thế đáng kể cho các cuộc đấu tiếp theo. Do đó, cả hai ứng cử viên đều hết sức tập trung để có thể đưa ra những “đòn công kích” nhằm vào đối phương.
Đúng như dự đoán, 90 phút tranh luận trực tiếp đầu tiên đã diễn ra gay cấn, xoay quanh nhiều chủ đề khác nhau gồm: bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế, nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực ở các thành phố của Mỹ, cùng tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.
Một điều dễ nhận thấy là cả hai ứng cử viên đều nỗ lực chiếm lĩnh sân khấu trong cuộc tranh luận này bằng cách liên tục đưa ra những ý kiến phản pháo khi đối thủ đang phát biểu. Điều này được thể hiện rõ nét hơn ở Tổng thống Trump, ông thường xuyên tìm cách lấn át ông Biden ngay khi ứng cử viên này mở lời.
Mặc dù vậy, ông Biden cũng thể hiện được bản lĩnh của một ứng cử viên xứng tầm với đương kim Tổng thống Trump khi vẫn giữ được thái độ bình bĩnh, đồng thời cũng đưa ra những ngôn từ cứng rắn nhằm “hạ nhiệt” sự hưng phấn của đối thủ.
Đặc biệt, những ngày gần đây, cả Tổng thống Trump và đối thủ Joe Biden đều tăng tốc tập trung vào vai trò then chốt của Pennsylvania, một chiến trường quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Chiến dịch của Tổng thống Donald Trump đã chuyển ngân sách quảng cáo cho một số bang chiến trường phía bắc để dồn vào Pennsylvania. Trong khi đó, chiến dịch của ông Joe Biden và các nhóm ủng hộ đang tăng chi tiêu ở bang này, theo Washington Post.
Cả hai đều xem Pennsylvania, bang có 20 phiếu đại cử tri, là bang phải giành được trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Theo họ, cuộc chiến giành phiếu bầu có thể tiếp tục diễn ra sau ngày bầu cử, do tranh chấp và vụ kiện liên quan đến việc bỏ phiếu ngày càng tăng lên.
Các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy ông Biden đang dẫn trước. Trong cuộc bầu cử năm 2016, bà Hillary Clinton cũng có lợi thế tương tự. Tuy nhiên, lợi thế đó đã biến mất trước ngày bầu cử. Do đó, cả hai ứng viên đều ngày càng tập trung vào các thông điệp sẽ giúp chiến thắng ở Pennsylvania.
“Rất nhiều người ủng hộ đảng Dân chủ thuộc tầng lớp lao động da trắng. Họ nghĩ là chúng tôi đã quên và không chú ý đến họ”, ông Biden nói vào ngày 30/9 khi kết thúc chuyến đi tranh cử ở Pennsylvania. “Tôi muốn họ biết một cách chân thành rằng tôi sẽ trở thành tổng thống của bạn”.
Tốn kém, phức tạp, gay cấn
Ông Trump và đối thủ Joe Biden đang chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP
Theo báo cáo từ Trung tâm Chính trị Đáp ứng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 tiêu tốn khoảng 6,3 tỷ; cuộc bầu cử năm 2016, tổng chi phí rơi vào khoảng 6,5 tỷ USD. Còn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 có thể tiêu tốn gần 11 tỷ USD ở cấp liên bang, đây là một con số kỷ lục.
Như vậy, cuộc bầu cử quan trọng nhất đã tồn tại hàng trăm năm nay trong chính trường xứ sở Cờ hoa vẫn không ra khỏi “truyền thống”: tốn kém, phức tạp và gay cấn./.
Ban Biên tập tổng hợp