Lần theo dấu vết của bãi cọc năm nào
Từ Hà Nội, TS Nguyễn Việt về Quảng Ninh lần theo dấu vết khảo cổ và thư tịch bạc màu thời gian, cùng các cộng sự thực hiện dự án khảo sát đáy sông, biển Vân Đồn, Bạch Đằng để tìm kiếm những gì còn lại từ các trận thủy chiến oanh liệt.
Các thợ lặn và chuyên gia khảo cổ từ Hàn Quốc cũng được mời tham gia khảo sát. Họ hi vọng có thể tìm thấy dấu vết đoàn thuyền chiến bại của đội quân Nguyên Mông.
“726 năm là quãng thời gian khá dài, nhưng có lẽ cũng không thể làm tan biến hết được những con thuyền được đóng từ gỗ quý chìm sâu dưới đáy nước” - một chuyên gia khảo cổ nước trầm ngâm tâm sự.
Những ngày ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, nơi Bạch Đằng giang hòa vào biển Đông, tôi cố gắng lần tìm lại dấu vết trận thủy chiến oanh liệt của quân dân nhà Trần 726 năm trước.
Dòng chảy thời gian cùng bao thời cuộc thăng trầm đã làm cảnh vật dải sông núi hùng thiêng này đổi thay rất nhiều so với sử xưa ghi chép.
Tuy nhiên, điều đặc biệt là nhiều người dân ở đây như “pho sử sống” từ những ký ức tổ tiên mình truyền đời để lại. Không chỉ các nhà nghiên cứu lịch sử, cán bộ bảo tàng địa phương, mà cả cụ già giữ đền, cô hàng nước, anh xe ôm đều có thể dẫn tôi đến được những bãi trận địa năm xưa...
Đặc điểm của bãi cọc Bạch Đằng Giang
Đền Trần nằm ngay bên bờ sông Bạch Đằng, và con sông lịch sử hùng thiêng đất Quảng Ninh này được các nhánh sông lớn nhỏ hợp thành trước khi đổ ra biển Đông.
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, đến phần Quảng Yên đã mô tả rất tỉ mỉ về sông Bạch Đằng: “Bạch Đằng giang nằm cách huyện Yên Hưng 5 dặm về phía tây. Nguồn từ sông Lục Đầu, tỉnh Hải Dương, chảy qua địa giới huyện Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay - PV), chia làm hai chi: một chi do sông Mỹ Giang chảy về phía đông 17 dặm, qua núi Châu Cốc (Hang Sơn) chảy về phía đông bắc 25 dặm hợp dòng đổ về xã Đoan Lễ làm thành sông Bạch Đằng (phía nam là địa giới huyện Thủy Đường, phía bắc là địa giới huyện Yên Hưng). Bạch Đằng chảy về hướng nam đến phía đông bến đò xã Yên Hưng chia ra một chi thông với sông Tranh, còn dòng chính thì chảy sang phía nam 29 dặm đổ ra cửa biển Bạch Đằng. Năm Minh Mạng thứ 17 đúc Cửu Đỉnh khắc vào Nghị Đỉnh. Năm Tự Đức thứ ba liệt vào hàng sông lớn, ghi vào tự điển thờ”.
Sách Nam Phong trong phần khảo về địa dư và lịch sử tỉnh Quảng Yên cũng ca ngợi dòng sông lịch sử này: “Bạch Đằng là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), phía đông ngạn thuộc xã Yên Hưng, phía tây ngạn thuộc về xã Đoan Lễ, huyện Thủy Đường. Thủy trào sâu 2 trượng 5 thước, thủy tịch sâu 1 trượng 7 thước. Giữa sông có một bãi ám sa, bến đò ở đó mênh mông rất rộng”.
Ngoài tên Bạch Đằng giang đã lưu danh chính sử, người địa phương còn truyền đời gọi dòng sông này là sông Rừng và Vân Cừ.
Hai cái tên phát nguồn từ chính đặc điểm địa lý tự nhiên thuở ấy với các cánh rừng bạt ngàn che phủ đến tận bờ bãi sông xưa. Đến giờ tuy rừng xưa đã mất, nhưng cái tên quen gọi đó vẫn còn gắn bó với nhiều địa danh đất này như chợ Rừng, phà Rừng, làng Rừng, giếng Rừng...
Các đền miếu xưa ở đây vẫn còn nguyên vẹn các cột, kèo gỗ rừng quý như lim, táu. Và đặc biệt, bãi cọc hiểm yếu làm nên chiến thắng Bạch Đằng được lấy từ chính cánh rừng ngay bên bờ sông này.
Còn tên Vân Cừ của Bạch Đằng giang cũng là một cái tên cổ ngợi ca vẻ đẹp lẫn địa thế hiểm yếu có giá trị vệ quốc. Nguyễn Trãi viết Dư địa chí đã thốt lên: “Sông Vân Cừ rộng 2 dặm 69 trượng, sâu 5 thước, trên có núi non cao vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận chân trời, thật là nơi hiểm yếu. Nước ta khống chế kẻ Bắc, sông này là chỗ cổ họng”. Từ Ngô Quyền đến vua tôi nhà Trần đều nhìn thấy rõ địa thế hiểm yếu này để quyết định giăng những trận thủy chiến quyết định với kẻ thù xâm lược.
Bia lưu danh công đức của triều Trần bên bờ sông Bạch Đằng |
Bạch Đằng Giang - nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của nhà Trần
Nước Việt có rất nhiều trận thủy chiến vệ quốc, nhưng oanh liệt nhất vẫn là trận Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần. Chỉ trong một ngày mà bốn vạn quân Nguyên Mông cùng 600 chiến thuyền bị đánh tan tác bởi đội quân của một dân tộc tưởng chừng bé nhỏ hơn rất nhiều.
Lâu nay sử sách hay nhắc đến sự thiện chiến của kỵ binh Nguyên Mông, nhưng thật ra họ cũng có thủy quân rất hùng mạnh. Đặc biệt là sau khi bình định được nhà Tống ở trung nguyên, đại hãn Hốt Tất Liệt đã tính ngay đến chuyện chinh phục các quốc gia cách biển như Cao Ly (Triều Tiên), Nhật Bản và tiến xuống khu vực Nam Á, nên nhanh chóng xây dựng một đội chiến thuyền đông đảo. Mưu đồ này rất thuận lợi nhờ các xưởng đóng thuyền vùng duyên hải Trung Quốc cũng như kinh nghiệm đi biển giao thương lẫn xâm lược của người địa phương vừa bại trận.
Các viên tướng trong cuộc xâm lược nước Việt lần thứ ba này như Ô Mã Nhi, Trương Văn Hổ, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ Ngọc... đều dày dạn kinh nghiệm thủy chiến. Trong đó tướng tải lương Trương Văn Hổ gốc gác là tên cướp biển vùng Quỳnh Lôi. Nếu không tính yếu tố sức mạnh từ lòng yêu nước, sự mưu trí và hiểm địa trời ban thì đội thủy quân của Trần Hưng Đạo rất khó sánh nổi. Thậm chí ngay cả khi đã đại bại hoàn toàn, tướng sĩ gần như chết sạch, tàu thuyền không chiếc nào thoát được, mà đại hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt (lúc này đã lên ngôi hoàng đế Nguyên Thế Tổ) vẫn cố sức phục thù, xâm lược nước Việt lần thứ tư bằng đường biển là chính. Cả 1.000 chiến thuyền lại được chuẩn bị để cho trận huyết chiến mới. Những vị thủy tướng bại trận như Trương Văn Hổ lại được triệu tập sử dụng. Nhưng cuộc viễn chinh chưa bắt đầu thì Hốt Tất Liệt chết trên giường bệnh. Vua tôi nhà Trần trận này chưa phải động binh đã thắng.
Với quy mô các trận thủy chiến vĩ đại đông đến hàng ngàn chiến thuyền và hàng vạn quân binh ở cả hai chiến tuyến nối tiếp nhau từ thời Ngô Quyền đến Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo ở Bạch Đằng, chắc chắn các loại cổ vật liên quan như tàu thuyền, binh khí, vật dụng phải còn không ít dưới đáy sông biển. Chỉ một câu thơ của Nguyễn Trãi Lớp lớp bờ lau kiếm nát chồng cũng cảm nhận được điều này. Rất tiếc là do hoàn cảnh chiến tranh, rồi điều kiện khó khăn, hạn chế đã làm ngành khảo cổ chưa thể góp phần giải mã trọn vẹn được chiến tích của tiền nhân.
BKT