70 năm trôi qua, sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong trái tim của biết bao thế hệ đồng bào và chiến sỹ hai miền Nam - Bắc; là bài học vô giá về “ý Đảng, lòng dân”; biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi
Hơn 15 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh tập kết ra miền Bắc
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta với tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh dũng đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, theo đó ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong 300 ngày, lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17, sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
Từ đây miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn, vững chắc cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), của Bộ Chính trị và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Hội nghị Geneva “Trung - Nam - Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”1, “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”2 đã kịp thời chỉ ra phương hướng hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với phương châm sách lược mới, nhiệm vụ mới phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta và tình hình quốc tế lúc bấy giờ.
Với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức cuộc dịch chuyển quân - dân lịch sử.
Trung tuần tháng 8/1954, Hội đồng Chính phủ thông qua kế hoạch tổ chức Ban đón tiếp bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.
Đồng bào Thanh Hóa đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết (Ảnh tư liệu)
Ngày 31/8/1954, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc, trong đó xác định đây là nhiệm vụ “rất trọng yếu, có ảnh hưởng và tác dụng chính trị rất lớn không những đối với tinh thần tư tưởng của những người ra ngoài này, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần đồng bào miền Nam ở trong kia”3 , vì vậy “cần phải làm thật chu đáo và có kết quả thật tốt”4 .
Ngày 25/9/1954, con tàu đầu tiên đưa những người con miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc cập bến Sầm Sơn, mở ra một hành trình kéo dài 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), đón tiếp những người con ưu tú miền Nam tập kết. Trong những tháng ngày lịch sử đó, thực hiện chủ trương của Đảng, ở Nam Bộ, đã thành lập các trung đoàn cơ động, có tổ chức Đảng lãnh đạo, phân công bố trí lực lượng ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu và chuyển một lực lượng ra miền Bắc với tinh thần “đi hay ở cũng là nhiệm vụ”, “đi vinh quang, ở anh dũng”; từ các khu vực tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận), Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười, 200 ngày ở Chắc Băng, Cà Mau và một số địa phương khác, hơn 15 vạn cán bộ, chiến sỹ, học sinh, con em gia đình miền Nam được tập kết ra miền Bắc để học tập, rèn luyện, bồi dưỡng.
Ở miền Bắc, trong điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn, các tỉnh, thành phố sẵn sàng “thắt lưng, buộc bụng”, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn, chốn ở, nơi khám chữa bệnh, nơi làm việc, nơi học tập để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam; trong đó một hệ thống trường học dành cho học sinh miền Nam được thành lập ở Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam và nhiều nơi trên miền Bắc để đón học sinh miền Nam vào học tập.
Tình cảm thắm thiết như anh em ruột thịt, Nam Bắc một nhà của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân miền Bắc nói chung, trong đó có nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ, động viên các thế hệ học sinh, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động, sản xuất, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Nhiều đồng bào miền Nam sau khi học tập, rèn luyện đã nhập ngũ, trở lại quê hương, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiều thế hệ con em học sinh của đồng bào miền Nam được Đảng, Nhà nước đào tạo, trong đó nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tên tuổi,… đã và đang mang hết công sức, cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”
Phát biểu tại tại Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (tổ chức tại Thanh Hóa), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, 70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong trái tim của biết bao thế hệ đồng bào và chiến sỹ hai miền Nam - Bắc; là bài học vô giá về “ý Đảng, lòng dân”; biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi ”.
Để phát huy sức mạnh của truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện tập kết ra Bắc, các tỉnh thành trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố có vai trò quan trọng trong tập kết ra Bắc như: Thanh Hóa, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả; trong chiến tranh chúng ta đã nhường cơm sẻ áo, trong hòa bình chúng ta phải chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa sức mạnh mỗi địa phương và tương trợ lẫn nhau vì một nước Việt Nam phát triển và hội nhập.
Lễ kỷ niệm 70 năm đón đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc được tổ chức tại Thanh Hóa ngày 27/10/2024
Tiếp tục làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc; những gia đình có công lao đóng góp lớn trong nuôi dưỡng đồng bào, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Đẩy mạnh tuyên truyền về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc để lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc tiền bối cách mạng, của các anh hùng liệt sĩ và nhân dân ta; lòng tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp và sức mạnh nội sinh của dân tộc; vận dụng, phát huy những bài học kinh nghiệm của sự kiện tập kết ra Bắc trong thực hiện chiến lược xây dựng, rèn luyện thế hệ cách mạng cho đời sau, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng chí Nghĩa nhấn mạnh.
Thanh Hóa vinh dự là nơi đầu tiên của miền Bắc, được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết. Mặc dù tỉnh còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, do bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề. Song, với trách nhiệm trước Trung ương Đảng, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vừa tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng sau chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, vừa khẩn trương chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và những điều kiện cần thiết để đón đồng bào miền Nam tập kết.
Chính vì vậy, ngày 25/9/1954 đã trở thành thời khắc lịch sử không thể nào quên, con tàu đầu tiên, đã rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới - Sầm Sơn giữa tiếng reo mừng của hàng nghìn người dân Thanh Hóa, hân hoan chào đón những người con thân yêu của miền Nam ruột thịt.
Chỉ trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội, 1.869 thương bệnh binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết; và là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước.
Hoàng Văn
_________________
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.15, tr. 229.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr.230.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr 259.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr 259.