Binh vận, địch vận là truyền thống quý báu trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là mũi tiến công sắc bén vào hàng ngũ kẻ thù. Trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950, binh, địch vận đã góp phần vào thắng lợi chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội và nhân dân ta
Binh, địch vận trước Chiến dịch Biên Giới
Sau thất bại Thu - Đông 1947, chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp bị phá sản, buộc phải chuyển sang “đánh kéo dài” với âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Thực hiện âm mưu trên, thực dân Pháp tăng cường bắt lính, xây dựng quân ngụy, nhất là sau khi Quốc gia Việt Nam được thành lập. Đến cuối năm 1948, tổng số binh lực Pháp ở Đông Dương tăng lên 160.000 quân, trong đó có 75.000 binh lính người Việt (chiếm 47%)[1].
Trước âm mưu và thủ đoạn mới của thực dân Pháp, Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh công tác binh, địch vận, đặc biệt đối với binh lính người Việt nhằm phá tan âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”.
Đối với những binh lĩnh người Việt, công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhất. Nội dung tuyên truyền nhấn mạnh về tính chính nghĩa, tinh thần dân tộc, yêu quê hương, đất nước, đồng thời vạch rõ tính chất bù nhìn, thân Pháp của Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Nhiệm vụ cụ thể là lôi kéo từng bộ phận binh lính người Việt đào ngũ và gây dựng các cơ sở nội ứng cho các cuộc tập kích diệt đồn lẻ.
Đối với lính Âu - Phi, cần tiếp tục nêu cao tính chính nghĩa và ý chí quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước và sự đồng cảm với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Bắc Phi.
Các hình thức địch vận cũng được vận dụng linh hoạt và sáng tạo, từ các hình thức tuyên truyền, thuyết phục, tâm lý chiến tới việc xuất bản sách, báo, truyền đơn, hình ảnh, biểu ngữ, khẩu ngữ… Mỗi ngành, mỗi địa phương cũng có các hình thức địch vận phù hợp. Theo số liệu thống kê, tính từ sau ngày toàn quốc kháng chiến đến đầu năm 1949, ta đã phát hành 55.128 quyển sách; 139.518 tờ báo; 4.234.612 tờ truyền đơn, tranh ảnh, khẩu hiệu, biểu ngữ…[2]
Từ năm 1949, cuộc kháng chiến ngày càng phát triển theo hướng có lợi cho cách mạng, để công tác địch vận được tổ chức chặt chẽ và hoạt động hiệu quả, ngày 22/8/1949, Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc thống nhất công tác địch vận.
Chỉ nêu rõ nhiệm vụ của các cấp bộ Đảng; nhiệm vụ của các đảng đoàn chính quyền các cấp; nhiệm vụ của các đồng chí chính ủy và đảng bộ trong quân đội. Có thể nói chủ trương thống nhất địch vận của Đảng đã làm cho công tác binh, địch vận được tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ, hoạt động ngày càng hiệu quả.
Trong các chiến dịch Cao - Bắc - Lạng (15/3 - 30/4/1949), Chiến dịch sông Thao (19/5 -18/7/1949), Chiến dịch Lê Hồng Phong I (7/2 - 15/3/1950), hoạt động binh, địch vận luôn bám sát chủ trương, kế hoạch tác chiến, kịp thời có biện pháp, hình thức tiến hành phù hợp. Trong các trận chiến đấu, bên cạnh các hoạt động quân sự, các hoạt động tuyên truyền, vận động, thực hiện chính sách tù, hàng binh được đẩy mạnh. Trong một số trận đánh điểm, diệt viện phát triển thuận lợi, bộ đội đã rải truyền đơn và dùng loa kêu gọi khi ngớt tiếng súng, kết quả có một bộ phận binh lính địch hạ súng xin hàng hoặc bỏ chạy khỏi hàng ngũ địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và một đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch (Ảnh tư liệu)
Binh, địch vận trong Chiến dịch Biên Giới
Ngày 1/10/1949, cách Trung Quốc thành công, nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ra đời. Đây là sự kiện lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên một bước mới.
Đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Đông Dương. Với sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, thông qua kế hoạch Revers, thực dân Pháp thực hiện âm mưu khóa chặt biên giới Việt - Trung bằng cách tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4; thiết lập tuyến hành lang Đông - Tây nhằm cắt đứt con đường liên lạc giữa Liên khu 3 và Liên khu 4, âm mưu tiến công tiêu diệt Việt Bắc lần thứ hai.
Trước tình hình đó, tháng 6/1950, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh nghiên cứu, quyết định mở Chiến dịch Biên Giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, củng cố căn cứ địa Việt Bắc và khai thông biên giới Việt - Trung để mở rộng đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa.
Trung ương Đảng xác định đây là một chiến dịch có quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều đơn vị chủ lực, các binh chủng và lực lượng vũ trang các địa phương, đòi hỏi phải có sự hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các lực lượng.
Đối với công tác binh, địch vận, từ đầu tháng 8/1950, Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng ra chỉ thị về nhiệm vụ công tác chính trị chiến dịch, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, chủ trương của công tác địch vận là phải thực hành tốt địch vận trong tác chiến, thực hiện tốt việc tiếp nhận và sử dụng hàng binh, tù binh.
Sáng 16/9/1950, quân ta nổ súng tấn công Đông Khê. Ngày 18/9/1950, Đông Khê thất thủ, làm cho Cao Bằng bị cô lập và Thất Khê bị uy hiếp. Trước tình hình đó, thực dân Pháp lên kế hoạch rút khỏi Cao Bằng bởi một “cuộc hành quân kép”: một mặt đưa quân đánh Thái Nguyên, nhằm thu hút chủ lực của ta đối phó, đồng thười, đưa lực lượng từ Thất Khê lên đánh Đông khê và rút quân ở Cao Bằng theo đường số 4 tiếp tục đánh Đông Khê.
Hai quan Năm Charton (ngồi hàng đầu, mờ) và Le Page (ngồi giữa) bị bắt làm tù binh ngày 7/10/1950 tại chân núi Cốc Xá, điểm cao 447 trong chiến dịch Biên Giới (Ảnh tư liệu)
Đoán biết ý đồ của thực dân Pháp, ta cho quân mai phục và đánh bại cánh quân tiếp viện từ Thất Khê lên và cánh quân từ Cao Bằng rút về. Cuộc tiến công lên Thái Nguyên của thực dân Pháp cũng bị quân ta bẻ gãy.
Trải qua 29 ngày chiến đấu quyết liệt, mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta đã giành được thắng lợi rất to lớn trong Chiến dịch Biên Giới. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn quân Pháp, trong đó có 8 tiểu đoàn bị diệt gọn (diệt và bắt hơn 8.000 quân), khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn) dài 750km, gồm 35 vạn dân, được giải phóng, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng[3].
Chiến dịch Biên Giới đã giải phóng biên giới Việt - Trung, chọc thủng hành lang Đông - Tây (ở Hòa Bình), làm cho kế hoạch Revers của thực dân Pháp bị phá sản. Từ đây, ta càng nắm được quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, dẩy thực dân Pháp vào thế bị động chiến lược.
Trong chiến dịch Biên Giới, công tác binh, địch vận được thực hiện nghiêm túc, chính sách tù binh, hàng binh được thực hiện tốt. Phối hợp với tiến công quân sự, công tác tuyên truyền về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến và chính sách nhân đạo của Chính phủ ta với binh lính Pháp được chú trọng.
Trong quá trình tiến công, bao vây địch ở Bản Ne, bộ đội đã bắt được một binh lính địch, với chính sách khoan hồng, nhân đạo của Chính phủ, tù binh này được thả trở lại đồn. Trước áp lực quân sự trong khi hai binh đoàn Le Page và Charton đang nguy khốn, lại được sự tuyền truyền, giác ngộ và thái độ nhân đạo của ta, toàn bộ binh lính địch ở Bản Ne treo cờ trắng đầu hàng. Điều này khẳng định chính sách khoan hồng, thả tù binh ngay tại mặt trận có ý nghĩa chính trị lớn và là một biện pháp tuyên truyền hiệu quả.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động binh lính địch, công tác tù, hàng binh cũng được đặc biệt quan tâm. Trong chiến dịch Biên Giới, Đảng và Chính phủ nhất quán chính sách: Không ngược đãi tù binh, không đối xử tệ bạc, bạc đãi tù binh, hàng binh. Mọi cá nhân, tổ chác vi phạm chính sách tù, hàng binh đều bị nghiêm cấm tuyệt đối.
Binh lính bị bắt được bộ đội tuyên truyền, vận động, nhấn mạnh tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh. Với đối tượngsĩ quan, ta chỉ cho họ thấy nước Pháp vừa tiến hành một cuộc chiến anh dũng chống phát xít, nay lại đem quân sang xâm lược Việt Nam là phản lại tư tưởng tự do - bình đẳng - bác ái mà Cách mạng Pháp đã đề ra và người Pháp vẫn tự hào. Với tù binh người gốc Phi, ta thực hiện tuyên truyền, vận động cho họ thấy nhân dân Việt Nam luôn coi họ như những người đồng cảnh ngộ, những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân…
Trong Chiến dịch Biên giới, cả hai viên chỉ huy cấp binh đoàn của Pháp là Le Page và Charton đều bị bắt sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đến nơi giam giữ để gặp gỡ, đồng thời tuyên bố rõ chính sách của Chính phủ. Trong một lần thăm tù binh Pháp, Người đã cởi tấm áo khoác của mình cho một sĩ quan ốm yếu của đối phương. Đó là những hình ảnh tiêu biểu thể hiện lòng nhân ái, sự khoan dung của dân tộc Việt Nam đối với tù, hàng binh.
Việc thả tù binh cũng là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nó mang ý nghĩa rất lớn trong tuyên truyền địch vận, có tác dụng đập tan luận điệu lừa gạt, xuyên tạc của thực dân Pháp về sự tàn bạo của Việt Minh. Chủ trương đúng đắn đó đã gây được dư luận tốt trong hàng ngũ binh lính quân đội Pháp là nếu có bị bộ đội bắt làm tù binh cũng không bị giết mà còn được đối xử tử tế. Điều đó đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần và tâm lý của binh lính địch.
Mũi tiến công binh, địch vận đã đánh vào chỗ yếu cơ bản nhất của quân đội thực dân Pháp là về chính trị, tinh thần, làm lung lay ý chí, sa sút tinh thần và suy sụp ý chí chiến đấu của binh sĩ. Trong chiến dịch Biên Giới, cùng với tiến công trên mặt trận quân sự, công tác binh, địch vận được tiến hành với nhiều phương pháp, hình thức phong phú, phù hợp, đã góp phần làm cho binh lính trong quân đội thực dân Pháp phân hóa sâu sắc, tinh thần chiến đấu giảm sút, góp phần quan trọng vào thắng lợi chiến dịch tiến công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đỗ Phương
[1] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.447.
[2] Phòng Địch vận: Thành tích công tác địch vận trong hai năm Toàn quốc kháng chiến, 1948,Trung tâm Lưu trữ BQP, phông Tổng cục Chính trị, hồ sơ số M6, quyển số PQ 165, tờ 83.
[3] Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư: Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội.1998, tr.82.