Toàn tỉnh hiện có 35 dân tộc, trong đó có 34 dân tộc thiểu số (DTTS) với khoảng 25.500 hộ, tương đương 105.092 người, chiếm hơn 8,3% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS cư trú rải rác trên khắp địa bàn. Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và khá giả. Đây, chính là minh chứng cho hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã quyết liệt trong việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tổng vốn ngân sách giao thực hiện Chương trình trong 03 năm (từ năm 2022-2024) hơn 427 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương là hơn 370 tỷ đồng, Ngân sách tỉnh đối ứng là hơn 57 tỷ đồng. Căn cứ vào kế hoạch vốn được Trung ương giao, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về phân bổ kế hoạch vốn thực hiện Chương trình qua các năm. Nghị quyết này đóng vai trò rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý và nguồn lực tài chính thiết yếu để các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai Chương trình.
Tính đến ngày 31/8/2024, đã giải ngân được hơn 233 tỷ đồng, đạt 54,6% so với kế hoạch vốn giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân đạt 58,8% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách tỉnh đối ứng đã giải ngân đạt 27,9% kế hoạch. Mặc dù tỷ lệ giải ngân chưa cao nhưng việc kịp thời bố trí, phân bổ nguồn vốn đã tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, đơn vị triển khai các hoạt động của Chương trình. Nguồn vốn này đã được sử dụng cho các nội dung như: đầu tư hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, tỉnh đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn quy trình rà soát, phê duyệt đối tượng được thụ hưởng chính sách này. Đến ngày 15/9/2024, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân 55,85 tỷ đồng cho 776 hộ đồng bào DTTS nghèo vay vốn hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi nghề, đạt 99,52% kế hoạch vốn được giao. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi này đã kịp thời hỗ trợ người dân xây mới, sửa chữa nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, góp phần cải thiện điều kiện sống, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đây là nguồn lực quan trọng bổ sung nguồn vốn ngân sách để đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Chương trình.
Chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận
Công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo DTTS đã giảm 3,05% so với đầu năm 2023, tương đương với 764 hộ thoát nghèo. Cụ thể, số hộ nghèo DTTS đã giảm từ 2.801 hộ (chiếm 10,78% tổng số hộ DTTS) xuống còn 2.037 hộ (chiếm 7,73% tổng số hộ DTTS). Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ cận nghèo DTTS cũng giảm 2,13%, tương ứng với 514 hộ, từ 3.341 hộ (chiếm 12,86% tổng số hộ DTTS) xuống còn 2.827 hộ (chiếm 10,73% tổng số hộ DTTS). Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 46,8 triệu đồng/người/năm.
Về triển khai dự án đầu tư xây dựng thí điểm 02 Nhà hỏa táng (huyện Bắc Bình, Tuy Phong) cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh tổ chức cho đoàn người có uy tín, chức sắc, cốt cán chính trị là người DTTS đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh đã xây dựng và vận hành Nhà hỏa táng. Việc này nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân tộc thiểu số về tính cần thiết của việc xây dựng Nhà hỏa táng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào DTTS, từng bước thay đổi tập quán tang ma chay lạc hậu, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện cũng được tỉnh chú trọng. Đến tháng 9/2024, tỉnh đã tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai Chương trình năm 2023 tại 5 huyện trọng điểm và 2 cuộc kiểm tra chuyên đề về các nội dung then chốt của Chương trình. Qua các đợt kiểm tra này, tỉnh kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế, những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ, chỉ đạo điều chỉnh phù hợp.
Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025 đã và đang được triển khai thực hiện hiệu quả. Các kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Những kết quả bước đầu đã đạt được của Chương trình đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Lê Văn Huy - Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận