Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Bình Thuận quan tâm. Nhiều chương trình hành động được Tỉnh triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường công tác phụ nữ đến năm 2020. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành một số chính sách tạo điều kiện để phụ nữ phát triển như: Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 về ban hành Quy định chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và chính sách luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 79/NQ-HĐND ngày 25/7/2019 quy định một số mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh... Trong đó chú trọng ưu tiên cho cán bộ nữ. Công tác tạo nguồn, xây dựng chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nữ luôn được UBND tỉnh quan tâm, chú trọng. Ngày càng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nữ được đưa vào quy hoạch; được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và lý luận chính trị; được bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ của Bình Thuận từng bước được chuẩn hóa, nâng cao năng lực chuyên môn, hiệu quả công tác, củng cố vị trí, vai trò của mình trong xã hội.
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Bình Thuận ngày càng tăng. Nhiệm kỳ 2011 - 2015, Bình Thuận có 17,31% đại biểu HĐND cấp tỉnh là nữ; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện là 23,06%; HĐND cấp xã có 23,54% đại biểu nữ. Đến nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ đại biểu nữ ở HĐND cấp tỉnh tăng lên 27,78%; tỷ lệ này ở HĐND cấp huyện là 25% và 28,62% ở HĐND cấp xã. Số lượng cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ tại các cơ quan nhà nước cũng tăng dần qua các năm. Năm 2015, 32% số cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Sau 5 năm, tỷ lệ này đã tăng gần gấp 2 lần, lên 61,8%.
Qua từng năm, đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tham gia tích cực và có hiệu quả hơn trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trình độ, bản lĩnh chính trị của nữ đại biểu HĐND ngày được nâng lên. Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị đã góp phần tích cực vào thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần vào việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao và phát huy trình độ, năng lực, vai trò của phụ nữ, bảo đảm để phụ nữ thực hiện tốt chức năng của mình và được tham gia đầy đủ, bình đẳng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
(ảnh: binhthuan.gov.vn)
Bên cạnh những kết quả đạt được thì sự tham gia của phụ nữ Bình Thuận vào các vị trí quản lý, lãnh đạo còn có những khó khăn, vướng mắc, như chưa có chính sách riêng đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Việc phát hiện và giới thiệu nguồn cán bộ nữ chưa được triển khai hiệu quả và mang tính chiến lược lâu dài. Khoảng cách giới nhìn chung vẫn còn tồn tại khá lớn. Trong lĩnh vực chính trị, sự tham gia của phụ nữ còn hạn chế, đặc biệt ở cấp cơ sở. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo chưa tương xứng với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Định kiến giới truyền thống về vai trò của người phụ nữ, gắn phụ nữ với công việc gia đình vẫn còn tồn tại, do đó, phụ nữ tham gia chính trị thường gặp phải những rào cản không chính thức như truyền thống, khuôn mẫu, quy tắc văn hóa, định kiến xã hội...
Nhằm từng bước thay đổi những rào cản này, tạo ra những cơ hội và triển vọng phát triển cho phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, cần những giải pháp khắc phục trong giai đoạn 2021-2030. Đó là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng quy định về bình đẳng giới. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước. Cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình, đề án, dự án về bình đẳng giới. Củng cố tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, quan tâm hơn đến đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng, cán bộ tham mưu về công tác bình đẳng giới và nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số.
Huỳnh Bắc