Góp sức phát triển bền vững tre Việt Nam
Tốt nghiệp thạc sĩ bằng giỏi chuyên ngành "Rừng nhiệt đới" (thiên về kỹ thuật) và "Rừng và sinh kế" (thiên về xã hội) tại hai trường ở Đức và Đan Mạch, anh Phan Quốc Dũng (sinh năm 1995, ở Hà Nội) nhận được không ít những cơ hội làm việc tại các tổ chức nước ngoài với mức lương hơn 50 triệu đồng/tháng. Chừng ấy thời gian du học tại nước ngoài đã giúp anh có cái nhìn sâu sắc hơn về tài nguyên rừng ở Việt Nam, mong muốn được “giúp rừng”.
Với một ngành học ít “mặn mà” với người trẻ, nhưng với anh Dũng, rừng là tình yêu, là cuộc sống, là hơi thở. Để giữ “hơi thở” ấy luôn khoẻ mạnh, căng tràn nhựa sống tại nơi mình sinh ra, anh đã trở về nước trong một hoàn cảnh đặc biệt - trên chuyến bay giải cứu công dân Việt từ Đức khi diễn biến dịch COVID-19 ngày càng căng thẳng (cuối năm 2020).
Trở về nước, anh đã tham gia vào dự án do Liên minh châu Âu tài trợ về phát triển bền vững cây tre tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Hiện tại, anh Dũng công tác tại phòng Hợp tác quốc tế của Trường Đại học Lâm nghiệp. Anh cũng hay được gọi là “người rừng” hay “chàng trai thôn bản” khi có nhiều chuyến đi du ngoạn tới vùng sâu vùng xa.
Kỷ niệm của anh Phan Quốc Dũng (công tác tại phòng Hợp tác quốc tế của Trường Đại học Lâm nghiệp) bên những chuyến đi vùng sâu, vùng xa. |
“Lấy trọng tâm là sự phát triển bền vững, toàn diện của cây tre và người dân địa phương, tôi đã cùng các cán bộ dự án tập huấn cho cộng đồng về các kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác tre sao cho hiệu quả. Với tôi, yêu rừng không chỉ vì quan tâm tới sinh trưởng và phát triển rừng, mà còn phải quan tâm tới sinh kế và đời sống của những thôn làng địa phương vì người dân cũng là một phần của rừng”, anh Dũng nói.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã mời các chuyên gia đầu ngành đến tập huấn cho người dân về cách vận hành các tổ nhóm sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm tre, kết nối các doanh nghiệp thu mua và đối tác quốc tế nhằm nâng tầm cây tre tại Việt Nam.
“Nhớ lại thời gian đầu trở về nước, nhiều người hay hỏi giọng mỉa mai, đi Tây về, chắc phải làm ở những nơi trả lương cả trăm triệu một tháng, không thì du học sinh thất nghiệp ở Tây mới chọn về nước… Tôi lại quan niệm khác, hành trang trở về của tôi đã có kiến thức, trải nghiệm, kỹ năng để mỗi lần vào rừng có phương hướng tìm và phát hiện ra được một điều mới, có ích cho sự phát triển bền vững thiên nhiên Việt Nam”.
Khởi nguồn lĩnh vực nghiên cứu mới
Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ trong lĩnh vực vật liệu y sinh, chị Trần Diệu Linh (31 tuổi, công tác tại Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận được nhiều lời mời làm việc từ các trung tâm nghiên cứu, phòng nghiên cứu của viện và trường đại học, với mức lương khởi điểm khoảng 60 triệu đồng/tháng. Đồng thời, các công ty phát triển thiết bị vật liệu y tế cũng quan tâm đến những nghiên cứu và sáng chế của nữ tiến sĩ trẻ và có đề xuất làm việc trong các phòng Nghiên cứu và Phát triển với mức lương cao hơn.
“Tôi thấy con đường mình chọn ngành nghiên cứu, hành trình đi du học hay trở về đóng góp cho đất nước như một cái duyên, đúng việc đúng thời điểm. Tôi không cảm thấy băn khoăn hay hối tiếc nhiều khi quyết định trở về. Bởi với tôi, đây là một quyết định hài hoà với sự phát triển cá nhân và đóng góp cho cộng đồng nghiên cứu mà tôi đang tham gia”, TS. Linh nói.
Trước đó, chị đã nhận học bổng và đi du học chương trình cao học, nghiên cứu sinh ngành Vật liệu Y sinh của Đại học Ajou, Hàn Quốc. |
Nhận thức rằng ngành vật liệu y sinh ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, khác biệt so với các quốc gia như Mỹ, Nhật, và Hàn Quốc... nữ tiến sĩ trẻ hứng thú và đầy niềm tin về tiềm năng lớn cũng như cơ hội phát triển mà nó mang lại.
Một trong những nghiên cứu nổi bật của TS. Linh là công trình hoạt hóa bề mặt vật liệu cấy ghép, đây là 1 trong 2 bằng độc quyền sáng chế được chính phủ Hàn Quốc cấp năm 2019, khi tạo ra vật liệu đa chức năng có khả năng tương thích máu và chống viêm. Nghiên cứu này đã được nữ tiến sĩ trẻ cùng cộng sự phát triển sâu hơn và hướng đến ứng dụng thực tiễn ở Việt Nam.
Trở về nước cống hiến, nữ tiến sĩ trẻ bộc bạch đã “được” nhiều điều và “cho đi” một cách đúng nghĩa.
“Tôi được vẫy vùng trong một “vùng đất” nghiên cứu mới ở Việt Nam trong lĩnh vực vật liệu y sinh, được trải nghiệm sự phát triển của ngành này tại đất nước mình và được đóng góp vào việc hình thành nền tảng cho sự phát triển ấy.Đặc biệt, tôi học cách "cho đi" một cách đúng nghĩa qua hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với thế hệ trẻ. Tôi tận dụng cơ hội để giảng dạy, hướng dẫn và tạo điều kiện cho sinh viên, người nghiên cứu mới gia nhập ngành”, nữ tiến sĩ trẻ nói.
“Không thể chờ đợi một môi trường lý tưởng rồi mới trở về…”
Lựa chọn trở về nước vốn đã được TS. Phạm Huy Hiệu ấn định sẵn từ trước khi bắt đầu đi du học tại Pháp.
“Không thể chờ đợi một môi trường lý tưởng rồi mới trở về cống hiến, nhà khoa học trẻ như tôi cần thể hiện trách nhiệm tạo dựng môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”, TS. Hiệu nói.
TS. Phạm Huy Hiệu đang giảng dạy sinh viên. |
Trước lý tưởng “đi để trở về”, tốt nghiệp tiến sĩ hạng xuất sắc về Khoa học Máy tính năm 2019, TS. Hiệu trở về Việt Nam phụ trách vị trí chuyên gia nghiên cứu và trưởng nhóm nghiên cứu cơ bản tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBigData).
Anh hiện là giảng viên tại Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe thông minh, Trường Đại học VinUni. “Lĩnh vực nghiên cứu của tôi là Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo nên được thị trường trả mức lương khá tốt, từ 100 đến 200 triệu đồng/tháng tùy từng tổ chức. Tôi vẫn có thể ở lại và cống hiến cho đất nước dưới nhiều hình thức tùy theo hoàn cảnh của mình”, TS. Hiệu nói.
Nhưng hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc” đã luôn in sâu trong tâm khảm, nhất là mỗi khi TS. Hiệu đọc và theo dõi những công bố khoa học từ vấn đề thực tiễn Việt Nam có giá trị cao được cộng đồng học thuật thế giới công nhận.
Vì vậy, anh đã trở về để trực tiếp tham gia vào lực lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam, trực tiếp tìm hiểu các vấn đề cấp thiết, thách thức nhất để kết nối mọi người cùng nhau giải quyết nó.
“Chúng tôi làm điều đó thông qua việc xây dựng văn hóa nghiên cứu nghiêm túc, trung thực, chuyên nghiệp, và đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật cao nhất. Đặc biệt nhất là việc định nghĩa các bài toán nghiên cứu có tính ảnh hưởng cao, mang lại lợi ích cho mọi người. Qua đó chúng tôi muốn khuyến khích tinh thần nghiên cứu để phụng sự cộng đồng cho sinh viên, học viên của chúng tôi”, TS. Hiệu nói.
Nguồn Tiền phong