Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam
Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở lý luận và là nền tảng tư tưởng của Đảng. Tại Đại hội VI (12/1986) - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[1]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (6/1991), Đảng ta chính thức xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọihành động”[2], và trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, điều này tiếp tục được Đảng ta khẳng định lại.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thảo luận và ra kết luận ban hành Quy định về những điều đảng viên không được làm
Đến Đại hội XII (1/2016), Đảng nhấn mạnh thêm: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”[3].
Kế thừa tinh thần của các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII (năm 2021) tiếp tục kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[4]. Điều này tiếp tục khẳng định một nguyên tắc cũng là một bài học kinh nghiệm mà Đảng ta đã tổng kết trong suốt 35 năm đổi mới. Đó là trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào cũng phải luôn kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Điểm mới quan trọng trong quy định về những điều đảng viên không được làm
Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm thay thế cho Quy định 47-QĐ/TW sau 10 năm thực hiện. Đây là sự thay đổi cần thiết trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của những thay đổi trong công tác tư tưởng, chính trị của Đảng thời gian qua.
Việc ban hành Quy định 37-QĐ/TW thực chất là việc đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống. Một phần của Điều 3 trong Quy định đã nêu rõ đảng viên không được “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Cơ sở lý luận, chính trị của Quy định này là Đảng ta đã coi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, là “kim chỉ nam” cho mọi hành động. Điều này đã được quy định trong Điều lệ Đảng. Cơ sở thực tiễn của Quy định này là tình hình công tác tư tưởng, chính trị của một bộ phận đảng viên trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp.
Nội dung “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” được bổ sung tại Điều 3 của Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm
Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng”, đã chỉ rõ:“Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”[5]. Đây thực sự là một thách thức nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp sự tồn vong của Đảng, của chế độ, bởi lẽ nếu cán bộ, đảng viên không vững vàng về bản lĩnh chính trị, hoài nghi, dao động thậm chí cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ sớm bị lung lay.
Mặt khác, trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước ra sức xuyên tạc, phản bác, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Một trong những thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm nhất là chúng đã tìm cách luồn sâu vào nội bộ của các tổ chức đảng, tiến hành phân hóa về tổ chức và cán bộ bằng cách tiếp cận những đảng viên có biểu hiện mơ hồ về chính trị, bất mãn về tư tưởng, non kém về bản lĩnh cách mạng để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, các lực lượng phản động, cơ hội chính trị đã gián tiếp thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Từ thực tiễn đó, Đại hội XIII khẳng định trong thời gian tới, để giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta phải luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[6].
Có thể nói, việc bổ sung nội dung: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” trong Quy định về những điều đảng viên không được làm là rất cần thiết. Đó không chỉ là sự cụ thể hóa, chuyển hóa tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống mà đó còn là sự tiếp tục phát triển tinh thần kiên định, quyết tâm của Đảng ta trong Nghị quyết số 35-NQ/TW về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Chiên Lê