Trả lời:
1. Ngay từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương cuối năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ngăn chặn chiến tranh, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Thế nhưng, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã liên tiếp lấn tới, đẩy mạnh chiến tranh, buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với ý chí quật cường, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, huy động mọi nguồn lực quyết tâm đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Những năm 1952-1953, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quyết định, quân và dân ta càng chiến đấu càng trưởng thành và lớn mạnh. Nhờ có đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, quân và dân ta chuyển từ thế phòng ngự sang thế chủ động tiến công và liên tiếp giành thắng lợi. Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Cuối năm 1953, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao. Đồng thời, Chính phủ việt Nam Dân chủ cộng hòa nêu rõi lập trường sẵn sàng thương lượng để giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam.
Ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”, “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”; “…Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”.
Ngày 19/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”. Ngày 15/3/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo trước Chính phủ, nêu rõ: “Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh, vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi. Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao”.
Ngày 13/3/1954 ,Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Trải qua ba đợt chiến đấu gay go và gian khổ, liên tục trong 56 ngày đêm, ngày 07/5/2024, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc aoan liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam; làm phá sản kế hoạch Navarre của địch, làm thất bại mưu đồ giành thế mạnh về quân sự học xoay chuyển cục diện chiến tranh trên chiến trường Đông Dương của địch. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm rung chuyển nội bộ xã hội và dân tình nước Pháp, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của nhân dân Pháp lên cao trào, tạo phân hóa trong chính giới Pháp, đặc biệt trong Quốc hội Pháp, tăng thêm sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
2. Thế giới đầu những năm 1950, trong xu thế hòa hoãn, các nước lớn bắt đầu thỏa hiệp, muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Ngày 25/1/1954, Hội nghị Ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp họp tại Béclin (Đức) để bàn về vấn đề Đức – Áo. Đến ngày 18/2/1954, Hội nghị ra tuyên bố cuối cùng, trong đó các bên thỏa thuận sẽ triệu tập Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương với sự ủng hộ của nhiều nước lớn. Điều này đã mở ra một con đường mới cho khả năng kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, Đông Dương thông qua biện pháp thương lượng hòa bình.
Tại Pháp, từ cuối năm 1953, sau hơn 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương, những thất bại nặng nề của quân đội Pháp trên chiến trường đã tác động mạnh tới nội tình và phân hóa nội bộ chính quyền Pháp. Tháng 10/1953, Quốc hội Pháp biểu quyết ủng hộ Chính phủ giải quyết chiến tranh bằng thương lượng, đàm phán trực tiếp với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng trên thế mạnh. Tuy nhiên, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, Chính phủ Pháp ngày càng lúng túng, phong trào phản chiến ở Pháp dâng cao khiến Chính phủ Pháp phải có sự nhượng bộ về chủ trương trong giải quyết vấn đề Đông Dương. Trước áp lực của phái chủ hòa đòi sớm có cuộc đàm phán về vấn đề Đông Dương, Thủ tướng Lanien và Ngoại trưởng Bidault - phái chủ chiến buộc phải phải từ bỏ chủ trương thương lượng trên thế mạnh, chấp nhận một giải pháp ngoại giao bảo đảm danh dự cho nước Pháp rút khỏi cuộc chiến; nội bộ giới cầm quyền Pháp phân hóa sâu sắc.
Ngày 26/4/1954, Hội nghị Giơnevơ khai mạc và bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên. Đây cũng là thời điểm quân và dân ta chuẩn bị kết thúc thắng lợi đợt hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ; quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm lâm vào tình thế nguy khốn. Tuy nhiên cho đến lúc này, các nước phương Tây vẫn chưa chấp nhận sự tham gia Hội nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 01/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 02/5/1954, Anh, Pháp, Mỹ thông báo qua Liên Xô chấp nhận sự có mặt chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị.
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Một ngày sau, ngày 8/5/1954, Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị Genève thảo luận về vấn đề Đông Dương cùng với sự tham dự của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Anh và ba đoàn đại diện của chính quyền bù nhìn Việt Nam, Lào, Campuchia./.
Quang Minh (tổng hợp)