Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là một sự kiện lịch sử, một bước ngoặt đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và phồn vinh của dân tộc Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, tập trung sức lực và lòng dũng cảm vào các mục tiêu chung như giải phóng dân tộc và xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng đã thể hiện sự lãnh đạo phi thường, thích nghi với những bối cảnh biến động và lãnh đạo đất nước vượt qua những thời kỳ khó khăn như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và vượt qua khó khăn kinh tế sau chiến tranh. Mỗi thành công đạt được – từ chiến thắng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thống nhất đất nước năm 1975, cho đến thời kỳ Đổi mới – đã khẳng định vai trò trung tâm của Đảng là lực lượng lãnh đạo của Việt Nam.
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình cải cách đất nước hiện nay vô cùng quan trọng. Từ khi thực hiện Đổi Mới mang tính lịch sử vào năm 1986, Đảng đã thể hiện tầm nhìn xa và quyết tâm thúc đẩy hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân Việt Nam. Thông qua các chính sách mở cửa và đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nền kinh tế lạc hậu thành một mô hình phát triển năng động, không ngừng nhận được sự công nhận của quốc tế.
Đồng thời, Đảng đã ưu tiên đấu tranh chống tham nhũng, nhận ra rằng đây là một trở ngại nghiêm trọng đối với tính minh bạch, hiệu quả và niềm tin của công chúng. Những nỗ lực gần đây nhằm tăng cường kỷ luật nội bộ, ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực và thúc đẩy tính minh bạch thể hiện cam kết thực sự đối với nền quản trị có đạo đức và hiệu quả. Việc tinh giản bộ máy hành chính hướng tới một hệ thống tinh gọn hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn là một minh chứng nữa cho lòng dũng cảm và quyết tâm của Đảng trong giải quyết các thách thức về cơ cấu nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Nhà nước.
Việt Nam thực sự đang ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên tiến bộ mới, với một tầm nhìn rõ ràng và đầy tham vọng. Các mục tiêu dài hạn đặt ra nhằm mục đích đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao với nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, là táo bạo nhưng thực tế. Những mục tiêu này phản ánh ý chí của Đảng và nhân dân trong việc củng cố vai trò của mình trên trường quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và củng cố vị thế của Việt Nam như một nhân tố kinh tế và chính trị lớn.
Những cơ hội mà môi trường trong nước và quốc tế hiện nay mang lại rất đa dạng: lực lượng lao động trẻ đông đảo, động lực chuyển đổi số không ngừng tăng, tiềm năng nông nghiệp và công nghiệp, vai trò chiến lược tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, những cơ hội này cũng đi kèm với những thách thức đáng kể, như tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ năng suất trì trệ, bất bình đẳng khu vực và nhu cầu đảm bảo nền kinh tế có khả năng phục hồi và cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu bất ổn
Để vượt qua những thách thức này, điều cần thiết là phải duy trì tinh thần đổi mới, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường sự gắn kết xã hội. Đảng đã chứng minh được khả năng đối mặt với những khó khăn to lớn trong quá khứ, và với quyết tâm và tầm nhìn chiến lược đó, Việt Nam có thể hoàn thành đầy đủ các mục tiêu trong giai đoạn tới, xây dựng một tương lai thịnh vượng, văn minh và giàu lòng tự hào dân tộc.
Rome, Italia, 3/2/2025
Sefano Bonilauri – Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizioni (Italia); Dịch & Hiệu đính: Cao Hương & Hoàng Nghĩa