Không gian mạng (KGM) là một khái niệm rất quen thuộc, được hình thành từ sự kết hợp của những công nghệ đột phá như Internet, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, truy cập nhanh....từ khi xuất hiện KGM đã làm cho thế giới kết nối, con người có điều kiện gần gũi nhau hơn. KGM có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống thực tiễn hiện nay. Thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập, Việt Nam chúng ta trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet cao nhất thế giới, đứng đầu Asean về số lượng tên miền quốc gia; các mạng xã hội (MXH) bắt đầu du nhập vào nước ta từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog), tỉ lệ người sử dụng MXH ở nước ta chiếm trên 70 % dân số, phổ biến hiện nay như: Facebook, Zalo, YouTube, Facebook Messenger, TikTok, Instagram, Google+, LINE, Flickr, Pinterest...; bên cạnh đó còn có các ứng dụng nhắn tin có độ bảo mật cao như: Telegram, Mocha, Viber, Skype, Whatsapp…. Bất kỳ ai chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối Internet đều có thể sử dụng dễ dàng.
Với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả; nội dung truyền tải phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, MXH đã mang lại rất nhiều tiện ích, góp phần quan trọng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân, tạo thuận lợi trong phát triển nhận thức, tư duy và rèn luyện kỹ năng sống của cá nhân đồng thời tác động góp phần phát triển văn hóa cộng đồng, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa.
Tuy nhiên mặt trái của nó cũng tạo ra môi trường, mảnh đất màu mỡ mà các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để chống phá cách mạng, làm nảy sinh nhiều nguy cơ, thách thức đối với đất nước. Dựa vào khả năng đưa tin nhanh, đa chiều, rộng khắp và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận cộng đồng mạng, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã cấu kết với nhau tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, thể chế chính trị của đất nước, thực tế đã có những hậu quả nghiêm trọng xẩy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc kẻ xấu lợi dụng MXH kích động người dân tụ tập, gây rối.
Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng MXH để chia sẻ, phát tán các luận điệu xuyên tạc, sai về khoa học, phản động về chính trị, tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân dao động về tư tưởng, mất phương hướng chính trị. Các trang, nhóm phản động trên Internet, MXH có số lượt truy cập lớn cần nâng cao cảnh giác hiện nay như: “Việt Tân”, “Dân Luận”, “Pháp luân công”, “Hóng biến”, “Việt Nam Cộng hòa”; “Người Việt Online”, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”, “Chân trời mới Media”, “Đài Á Châu tự do”, “Lều của đầy tớ”, “Thanh niên công giáo”...
Cùng với việc lập hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt, chúng còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước để xuyên tạc, nói xấu chế độ. Chúng núp dưới chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, “dân oan”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “chủ quyền lãnh thổ”… cổ xúy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để xúi giục, kích động, gây nghi ngờ, tâm lý bất mãn, bức xúc trong dân chúng, làm bất ổn tình hình chính trị xã hội, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền. Những đối tượng chống phá hoạt động thường xuyên như: Tổ chức phản động “Việt Tân”, “Hội cựu tù nhân lương tâm”, “Hội anh em dân chủ”, “Tổ chức xã hội dân sự”, “Phong trào Lao Động Việt”...
Các lĩnh vực mà những thế lực phản động, chống đối thường tập trung khoét sâu đó là xuyên tạc và phủ định Chủ nghĩa Mác-Lênin; hình ảnh lãnh tụ và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Xuyên tạc các chính sách liên quan về tôn giáo, các vấn đề về dân tộc, dân chủ, nhân quyền. Lợi dụng một số sai sót, yếu kém trong quản lý, điều hành của chúng ta để khoét sâu, thổi phồng rồi phủ định sạch trơn đường lối, chính sách của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Giả mạo các tài khoản của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin xấu độc, tạo khoảng trống niềm tin trong dư luận. Bịa đặt, tung tin giả gây chia rẽ nội bộ, mất ổn định xã hội; tuyên truyền bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang nhân dân... Các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng các vấn đề có tính chất quan trọng, nhạy cảm, khoét sâu vào những điểm hạn chế trong xã hội và dư luận xấu để tiến hành tuyên truyền chống phá với các chủ đề như: “Ngày Quốc hận”, “Tháng Tư đen”, “Tù nhân lương tâm”... Thời điểm chúng tập trung chống phá thường vào dịp kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước như: 03/02, 30/4, 19/5, 27/7, 19/8, 02/9, 22/12, trước thời điểm diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng... đặc biệt là khi có các vụ việc nhạy cảm, phức tạp, sự việc liên quan đến đông đảo nhân dân.
Từ thực tiễn diễn biến phức tạp đó cho thấy cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên KGM là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay, đây cũng là trách nhiệm của mỗi công dân mà trước hết đòi hỏi vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên (còn tiếp)./.
Lê Đình Lượng