Thực trạng lao động xuất cư ở Cà Mau
Tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương có tỷ suất xuất cư cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng[1]. Tình trạng rời bỏ quê của người dân ở Cà Mau để tìm kiếm việc làm diễn ra mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Năm 2005, tỷ suất xuất cư của tỉnh chỉ có 2,1‰, đến năm 2010, tỷ suất này tăng lên 29,7‰; năm 2020, tỷ suất này là 20,22‰. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, đa số người xuất cư ở Cà Mau di chuyển đến Bình Dương (6759 người), Đồng Nai (1560 người) và Thành phố Hồ Chí Minh (4808 người); Long An (2771 người) và Thành phố Cần Thơ (1568 người)[2].
Việc lao động rời bỏ quê hương (ly hương) ở Cà Mau để tìm kiếm việc làm góp phần giải quyết tình trạng dư thừa lao động ở địa phương, cải thiện đời sống hộ gia đình từ dòng tiền của những người đi làm ăn xa gửi về. Tuy nhiên, tình trạng xuất cư lại gây ra thiếu hụt lao động ở Cà Mau khi vào mùa vụ, tác động tiêu cực đến quá trình tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp của tỉnh, đồng thời khiến cho các vấn đề xã hội nảy sinh như: người cao tuổi không được chăm sóc, trẻ em thiếu sự quan tâm của cha mẹ, gia đình đổ vỡ...
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần hạn chế tình trạng ly hương và giảm thiểu rủi ro cho những người đã xuất cư. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đề ra chủ trương: “Phát triển hài hòa, hợp lý giữa các vùng trong tỉnh, thu hẹp dần khoảng cách và mức sống giữa các khu vực dân cư”[3] với các biện pháp: “thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc...”[4].
Với quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau, năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 60,9 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng so với năm 2020; tổng vốn đầu tư xã hội đạt khoảng 21.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,3 tỷ USD; thu ngân sách đạt khoảng 5.325 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,56%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 65,9% (54 xã). Sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau chuyển dịch theo hướng vừa khai thác thế mạnh về lúa ở vùng trọng điểm để bảo đảm an ninh lương thực, vừa chuyển đổi một phần đất lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được chú trọng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 26.188/40.100 người, đạt 65,3% kế hoạch, tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong đó có 7.417 lao động làm việc tại địa phương, 18.771 lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh và ở nước ngoài; tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng 6.344/28.000 người, đạt 23% kế hoạch năm; kinh phí hỗ trợ đào tạo hơn 7,4 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội cũng được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,24%(*), mức giảm 0,33% và năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,56%; thu nhập bình quân tăng từ 5,2 triệu đồng/tháng lên 5,9 triệu đồng/tháng.
Dây chuyền sản xuất của các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau được đầu tư hiện đại.
(Nguồn: www.camau.gov.vn)
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng (GRDP) vẫn còn thấp so với cả nước và các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ; liên kết theo chuỗi giá trị chưa ổn định; tăng trưởng khu vực công nghiệp - dịch vụ đạt thấp; công tác đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn. Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp nhưng khả năng thích ứng của người dân chưa cao. Do đó, Cà Mau vẫn đang là một trong những địa phương có tỷ lệ thiếu hụt việc làm cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long; thu nhập bình quân đầu người thấp so với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ[5]. Đây là những lý do chính khiến tình trạng xuất cư ở Cà Mau chưa có dấu hiệu giảm.
Để lao động lựa chọn ở lại Cà Mau làm việc
Với mục tiêu giải quyết vấn đề xuất cư ở Cà Mau có hiệu quả, trước hết, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế. Thời gian tới, Cà Mau cần có những bước đột phá về cải thiện môi trường đầu tư để tăng sức hút đầu tư trong và ngoài nước. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ và đường thủy, hệ thống dịch vụ vận chuyển hàng hóa (logistics) để tạo thuận lợi và giảm chi phí trong sản xuất, giao thương.
Cải thiện cơ chế, chính sách và các điều kiện cần thiết để tăng sức hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản - thế mạnh của địa phương. Tăng cường chính sách hỗ trợ vốn, dạy nghề, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân gắn với xây dựng cơ chế liên kết vùng, liên kết “4 nhà” (nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa của địa phương. Xây dựng chính sách thu hút những lao động xuất cư, nhất là những người có trình độ cao, trở lại quê nhà Cà Mau, bảo đảm nguồn lực lao động phục vụ cho sự phát triển của địa phương.
Sản xuất bánh phồng tôm tại Cà Mau.
(Ảnh: Chúc Ly)
Cùng với đó, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến xã hội. Ngoài lý do kinh tế, tìm kiếm việc làm, lao động xuất cư còn tìm kiếm cơ hội học tập, tiếp cận các dịch vụ hiện đại cho bản thân và gia đình... Do đó, Cà Mau cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục, đặc biệt giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên địa phương. Có cơ chế, chính sách hợp lý để huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống y tế, dịch vụ xã hội khác để nâng cao cơ hội và điều kiện của người dân trong tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội thiết yếu. Thiết lập các mạng lưới xã hội của người xuất cư trong quản lý xã hội ở địa phương.
[1] Tổng Cục Thống kê.2022a. Niên giám thống kê năm 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội.
[2] Tổng Cục thống kê.2022b. Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/04/2021, Nxb Thống Kê, Hà Nội.
[3] Tỉnh ủy Cà Mau (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng tỉnh Cà Mau lần XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Tp Cà Mau, trang 54
[4] Tỉnh ủy Cà Mau (2020), Sđd, trang 75.
(*) Giảm nghèo theo tiêu chí dựa trên thu nhập của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội.
[5] PX Web – General Statistics Office of Vietnam (gso.gov.vn), truy cập ngày 26/7/2023
TT