95 năm qua, kể từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng những cương lĩnh mở đường cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc và trong thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội
Đó là Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, là Luận cương chánh trị được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, là Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, được thông quá tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, tháng 02/1951, là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng năm 1991 (được bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng năm 2011.
Những cương lĩnh làm lên thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Mùa Xuân năm 1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được tiến hành tại Hồng Kông, Trung Quốc. Hội nghị hợp nhất đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định con đường tiến lên của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam là làm cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất rồi tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Sách lược vắn tắt của Đảng đã xác định những vấn đề chính yếu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như đối tượng đấu tranh, lực lượng đấu tranh, phương pháp đấu tranh. Đông đảo nhân dân trong xã hội thuộc địa phong kiến vùng lên đánh dổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc và giai cấp địa chủ phản động.
Vai trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được xác định rõ, đồng thời cách mạng Việt Nam có liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Cháng cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng là cương lĩnh đầu tiên của Đảng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng từ đó về sau.
Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Luận cương chánh trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Một lần nữa, Luận cương chính trị đã xác định đường lối tiến lên của cách mạng Việt Nam và xác định những vấn đề cơ bản của cách mạng như đối tượng cách mạng, lực lượng cách mạng, phương pháp cách mạng.
Luận cương xác định làm cách mạng tư sản dân quyền, sau khi thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, sẽ bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Luận cương tái khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam với đội tiên phong là Đảng Cộng sản, động lực chính của cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. Phương pháp cách mạng là khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng khi có thời cơ thuận lợi, qua các đợt tập dượt quần chúng đấu tranh cách mạng. Cách mạng Việt Nam phải gắn kết chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng (Ảnh tư liệu)
Đây là cương lĩnh thứ hai của Đảng và có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, trước hết góp phần tạo nên phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xôviết Nghệ Tĩnh.
Thực hiện Cương lĩnh tháng 2/1930 và Cương lĩnh tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam, từ tháng 10/1930 là Đảng Cộng sản Đông Dương, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành 3 cao trào cách mạng: cao trào 1930-1931, cao trào dân chủ 1936-1939 và cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939-1945. Trong quá trình này, Đảng đã từng bước bổ sung, hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc với nội dung chính được thể hiện tại Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/1941 với sự “thay đổi chiến lược”, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xúc tiến những nhiệm vụ để tiến lên khởi nghĩa vũ trang khi thời cơ đến.
Dựa trên các cương lĩnh của Đảng, Đảng đã lãnh đạo xây dựng lực lượng cách mạng bao gồm lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, nghiên cứu xác định phương thức đấu tranh giành chính quyền trong mỗi giai đoạn lịch sử cũng như trong tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 để giành chính quyền.
Cuộc cách mạng tháng tám năm 1945 thắng lợi rực rỡ với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh dấu thắng lợi của việc thực hiện Cương lĩnh tháng 2/1930 và Cương lĩnh tháng 10/1930 của Đảng. Có thể khẳng định rằng những Cương lĩnh này đã dẫn tới thắng lợi của Đảng trong lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, làm lên thắng lợi to lớn đầu tiên của cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chính cương Đảng Lao động Việt Nam đưa cuộc kháng chiến đến chống thực dân Pháp đến thắng lợi
Kể từ Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng tháng 3/1935 đến tháng 02/1951 Đảng ta mới có điều kiện tổ chức đại hội đại biểu lần thứ hai.
Đại hội tổ chức trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta kháng chiến chống Pháp bước sang năm thứ năm với những thuận lợi mới kể từ sau Chiến thắng Biên Giới tháng 10/1950 quân và dân ta không còn phải chiến đấu trong vòng vây nữa mà đã nối thông hành lang với Trung Quốc và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, có điều kiện nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh đó, tháng 02/1951, Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng được tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, nay là xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, đăng báo Nhân Dân ngày 11/03/1951
Đại hội đã thông qua Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam với những nội dung cốt yếu nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi đồng thời xác định những yếu tố đầu tiên của con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi kháng chiến thắng lợi.
Chính cương Đảng Lao động Việt Nam xác định rõ con đường đưa kháng chiến đền thắng lợi đặc biệt là đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong giai đoạn chúng ta đã bước qua thời kỳ phòng ngự và chuyển sang thời kỳ phản công và tiến công thực dân Pháp.
Chính cương xác định cách mạng Việt Nam có hai đối tượng: đối tượng chính hiện tại là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, cụ thể là đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ, đối tượng phụ là phong kiến, cụ thể là thế lực phong kiến phản động.
“Nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội”[1].
Động lực của cách mạng Việt Nam gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, địa chủ yêu nước và tiến bộ, trong đó nền tảng là công nhân, nông dân và lao động trí thức, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, con đường tất yếu của nó là tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Chính cương cũng nêu rõ 15 chính sách lớn của Đảng để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi và đặt cơ sở kiến thiết quốc gia sau khi kháng chiến thắng lợi. Chính cương cũng xác định: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ hòa bình và dân chủ trên thế giới”[2].
Chỉ hơn 3 năm sau Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng với Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Hội nghị Geneva về đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.
Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam được thông qua tại Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng mở đường cho kháng chiến thắng lợi, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn cách mạng mới.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.12, tr. 433-434.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr. 431.
Lê Minh