Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mở ra những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới
Năm 1991, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội hiện thực của Liên xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII.
Trước đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, đường lối chính trị tại Đại hội VI mới chỉ là những nét phác thảo đầu tiên cho công cuộc đổi mới và trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên xô và Đông Âu vẫn còn tồn tại với tư cách một hệ thống.
Tuy nhiên đến năm 1991, tình hình thế giới đã thay đổi căn bản với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu và Liên xô. Lúc này, Đảng ta phải tự mình tìm ra và xây dựng con đường phát triển của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh quốc tế phức tạp và bối cảnh trong nước vẫn đang chìm trong khủng hoảng kinh tế - xã hội gay gắt.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: “Do nhân dân lao động làm chủ. Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”[1]. Với việc xác định những đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa, nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội đã tiệm cận tới những nét bản chất của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện Việt Nam. Mô hình chủ nghĩa xã hội lần đầu tiên và nhận diện đã khắc phục bước đầu tư duy máy móc, giáo điều, rập khuôn theo mô hình Xôviết trước đây. Các đặc trưng đã chỉ ra những mặt, những phương diện liên quan đến mô hình, cấu trúc xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quan hệ đối nội và đối ngoại.
Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đăng báo Nhân Dân năm 1990 xin ý kiến nhân dân (Ảnh tư liệu)
Cương lĩnh xác định 7 phương hướng lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam để thực hiện những đặc trưng nêu trên.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng, đã hoạch định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm của Việt Nam và đề ra những giải pháp đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn.
Đếnnăm 1996, Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, bước vào thời kỳ mới: thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đến năm 2011, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra đối với sự lãnh đạo của Đảng đòi hỏi Đảng phải bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991. Đại hội đã bổ sung, phát triển và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011).
Tổng kết thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trong vòng 20 năm (1991- 2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước được nâng lên một tầm cao mới.
Cụ thể là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta tiếp tục được xác định là mục tiêu không thay đổi, tuy nhiên những đặc trưng và phương hướng xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được bổ sung và phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011) của Đảng nêu rõ:“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[2].
Đại hội XI thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)
So với Cương lĩnh năm 1991, những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa được đề ra trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đầy đủ, tinh gọn, sáng rõ hơn; vừa phản ánh những giá trị phổ quát của nhân loại, vừa thể hiện mục tiêu lý tưởng, mục đích chính trị của Đảng, nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân.
Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011 cũng xác định 8 phương hướng lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021, sau 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và sau 10 năm xây dựng đất nước theo Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện, được văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khái quát: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09 %, quy mô kinh tế của Việt Nam ước 470 tỷ USD.
Đến tháng 8/2024, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ[3].
Đến tháng 10/2024, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024) và Pháp (10/2024)[4].
Đó là sự khẳng định thắng lợi việc thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta mang lại.
Mặc dù trong quá trình thực hiện cương lĩnh còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết, nhưng không thể phủ nhận Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và năm 2011 là nguồn gốc dẫn đến những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua.
Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để đất nước bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của dân tộc, hướng tới hiện thực hóa khát vọng và mục tiêu được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra: đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Như vậy, trong 95 năm qua, những Cương lĩnh của Đảng đã mở đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên dành những thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới. Cương lĩnh là văn bản quan trọng nhất của một Đảng chính trị, tập trung trí tuệ, bản lĩnh của Đảng và là ngọn cờ lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.51, tr.134.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70..
[3] https://consosukien.vn/ngoai-giao-dua-viet-nam-hoi-nhap-vao-dong-chay-chung-cua-the-gioi.htm
[4]https://infographics.vn/8-nuoc-co-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-voi-viet-nam-tinh-den-thang-10-2024/212996.vna
Lê Minh