Trả lời:
1. Đại hội I Công đoàn Việt Nam: họp từ ngày 01 - 15/01/1950 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Về dự Đại hội có trên 200 đại biểu thay mặt cho khoảng 350.000 công nhân, viên chức, lao động. Nhiều chiến sĩ thi đua các ngành, các đoàn thể quần chúng cách mạng, các đại biểu nước ngoài cũng tham dự Đại hội. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, đại diện Mặt trận dân tộc thống nhất đã đến dự Đại hội. Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất tiến hành nhằm kiểm điểm và tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam từ khi hình thành, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi đến thời điểm Đại hội. Đại hội đã quyết nghị về nhiệm vụ trước mắt của Công đoàn đối với đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng.
Đại hội bầu đồng chí Tôn Đức Thắng – Người thành lập và lãnh đạo Công hội Ba Son (1921) làm Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 21 ủy viên chính thức và 04 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký.
2. Đại hội II Công đoàn Việt Nam: họp từ ngày 23 - 27/02/1961, tại Thủ đô Hà Nội. Tổng số đại biểu về dự Đại hội có 752 người, trong đó có 666 đại biểu chính thức và 86 đại biểu dự khuyết. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu ý kiến. Đại hội đã quyết định lấy thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Huấn thị của Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho phương hướng, nhiệm vụ công tác Công đoàn Việt Nam. Đại hội đã thông qua những biện pháp phối hợp để thực hiện đường lối, chính sách mà Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã vạch ra về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Đại hội quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng thời nhất trí thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam gồm 10 chương và 45 điều trong đó qui định cụ thể nhiệm vụ, quyền lợi đoàn viên, nguyên tắc tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của các cấp công đoàn. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 55 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Trần Danh Tuyên, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Tổng Thư ký.
3. Đại hội III Công đoàn Việt Nam: họp từ ngày 11 - 14/02/1974 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 600 đại biểu (100 đại biểu dự khuyết) thay mặt cho hơn 1 triệu đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức cả nước. Đại hội đã đón 25 đoàn khách đại diện cho giai cấp công nhân và công đoàn quốc tế và đoàn đại biểu Liên Hiệp công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam do đồng chí Đặng Trần Thi (Phó Chủ tịch Liên Hiệp công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam) dẫn đầu. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Đại hội. Đại hội biểu dương những thành tích to lớn của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đề ra nhiệm vụ cho công tác công đoàn trong giai đoạn mới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 72 ủy viên, Ban Thư ký gồm 09 ủy viên. Đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
4. Đại hội IV Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 1978 - 1983: họp từ ngày 08 - 11/5/1978 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là Đại hội đầu tiên của phong trào công đoàn Việt Nam sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất và tổ chức Công đoàn hai miền Nam Bắc đã được thống nhất. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV được tiến hành sớm hơn một năm trong điều kiện cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tham dự Đại hội có 926 đại biểu thay mặt cho trên 3 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức trong cả nước. Đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, có đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Phạm Văn Đồng Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đến dự Đại hội. Đại hội đã cụ thể hóa nhiệm vụ cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, nhiệm vụ trọng tâm là tập hợp, vận động công nhân lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ hai. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 12 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
5. Đại hội V Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 1983 - 1988: họp từ ngày 16 - 18/11/1983 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội gồm 949 đại biểu thay mặt cho gần 4 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước về dự. Đến dự Đại hội có các đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đại hội đề ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất trong công nhân, viên chức; phát động phong trào công nhân, viên chức thi đua phục vụ nông nghiệp, đưa nông nghiệp từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; lập lại trật tự xã hội trên mặt trận lưu thông phân phối... Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 13 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Đại hội V Công đoàn Việt Nam đã nhất trí lấy ngày 28/7/1929, ngày thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ làm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tháng 02/1987, đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Dương Xuân An được bầu làm Tổng Thư ký.
6. Đại hội VI Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 1988 - 1993: họp từ ngày 17 - 20/10/1988 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội gồm có 834 đại biểu thay mặt cho hơn 3 triệu đoàn viên công đoàn. Tới dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước. Đại hội VI Công đoàn Việt Nam là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân và người lao động. Đây là Đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời cũng đặt ra cơ sở lý luận cho đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Mục tiêu của Đại hội là “Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội”. Đại hội quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch; đồng chí Dương Xuân An được bầu làm Phó Chủ tịch (còn tiếp)./.
TLĐ