Quân đội Sài Gòn, đội quân đánh thuê phục vụ mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ, có những loại lính lạ lùng. Những loại lính này không chỉ làm cho quân lực Việt Nam Cộng hòa thiếu hụt về số lượng mà còn làm cho chất lượng đội quân được mệnh danh đứng thứ tư thế giới tan vỡ chỉ trong vài tháng
Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, hầu hết thanh niên 18 tuổi sẽ bị động viên vào quân ngũ để tiến hành những đợt tập huấn có thể ngắn hạn hoặc dài hạn, rồi sau đó đưa ra mặt trận chiến đấu. Chỉ trừ những trường hợp được hoãn quân dịch vì sức khỏe cá nhân hoặc hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn sẽ được hoãn, nhưng thường sẽ vẫn bắt buộc phải đi, coi như là thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm công dân.
“Đi lính” là từ ngữ có tần suất xuất hiện hằng ngày trong cuộc sống dưới chế độ Sài Gòn. Cha mẹ thường lo lắng khi con cái đến tuổi đi quân dịch trong thời buổi chiến tranh, hiểm nguy bao quanh, đi lính ai biết được ngày về.
Chính vì thế, thanh niên miền Nam tìm mọi cách để trốn lính và nếu không trốn được thì họ tìm mọi cách để được gia nhập những loại lính đặc biệt dưới đây.
Lính cậu, lính kiểng
Đối với thanh niên miền Nam, sau khi học phổ thông, họ đứng trước một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời, xếp bút nghiên theo việc đao cung, buông bỏ áo thường dân để khoác lên mình màu áo xanh người lính.
Nỗi lo chung của họ sẽ được thể hiện rõ nhất, nỗi ám ảnh của thi rớt tú tài với nam giới thời đó, nếu thi hỏng tú tài một sẽ phải trình diện nhập ngũ quân đội và đi quân dịch 2 năm hoặc bị đưa vào trường Hạ sĩ quan.
Nên ở miền Nam Việt Nam tồn tại phổ biến câu thơ “Rớt tú tài anh vô trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”. Khi quân viễn chính Mỹ đổ vào miền Nam ngày càng nhiều thì phụ nữ miền Nam đi làm sở Mỹ cũng tăng lên. Nhiều người đã cặp bồ hay lấy chồng Mỹ, chồng nước ngoài để lo kinh tế cho gia đình còn đang khó khăn.
Con ông cháu cha dường như ở thời đại nào cũng có. Những thành phần này luôn có những cách để luồn lách, trốn khỏi những đợt bắt lính.
COCC là cụm từ viết tắt của “con ông cháu cha”, ý chỉ những người sinh ra trong giàu sang nhung lụa và thành phần phổ biến trong xã hội Việt Nam, dùng để ám chỉ con cháu của những người có quyền lực, những người này ở Sài Gòn đôi khi còn được gọi là “con ông cháu chị”.
Binh lính Sài Gòn vứt bỏ quân tư trang tháo chạy tại Sài Gòn tháng 4/1975 (Ảnh tư liệu)
Người Sài Gòn vẫn hay dùng cụm từ “trốn lính” hay “trốn quân dịch” để ám chỉ cho những trường hợp này và một trong những cách để trốn lính mà con ông cháu cha hay dùng nếu con mình khi rớt tú tài chính là lo cho các quý tử đi du học, không thì cùng lắm là khi bị bắt lính các bậc cha mẹ sẽ lo chạy cho con để các quý tử được phục vụ trong các đơn vị không tham gia tác chiến, chỉ cần làm lính văn phòng thôi hay còn được gọi bằng một thuật ngữ phổ thông hơn và có phần chế giễu đó là “lính kiểng”, đúng chất lính nhưng chỉ để làm kiểng.
Người ta thường dùng từ “kiểng” chỉ những loài hoa, loài cây cây cảnh để làm đẹp cho nhà làm thoáng mát cho không gian sống, nhưng từ “lính kiểng” lại được dùng để ám chỉ một hình thức tự làm đẹp đời mình khi viễn cảnh của đất nước thì u ám bởi chiến tranh vẫn đang diễn ra nhiều người lính thực thụ phải đối mặt hằng ngày hàng giờ với bom đạn khói lửa và chết chóc thì họ lại ngồi văn phòng để hưởng an nhàn, mặc cho chiến tranh có ác liệt đến đâu.
Ngoài cách gọi mỉa mai đó ra, đôi khi “lính kiểng” còn được gọi bằng một cái tên nghe qua có chút ngộ nghĩnh nhưng thực chất lại vô cùng thâm thúy đó là “lính cậu”.
Nghĩa cũng khá đơn giản, chả là do những thứ lính này có xuất thân là những “cậu ấm” con nhà quyền thế, cha mẹ đều là những người có chức quyền trong xã hội thời đó và không thì giàu có, bề thế, nói trắng ra họ là lính nhưng lại chẳng phải là lính và nếu đem so sánh với những chiến binh bị đẩy đến các chiến trường ngày đêm phải đương đầu với hiểm nguy và luôn mang theo súng đạn ngày canh gác, đêm hành quân ở những tiền đồn heo hút hoặc nơi rừng sâu núi thẳm cách biệt hoàn toàn với chốn đô thành phồn hoa ngựa xe tấp nập thì những lính cậu là chỉ mang thân lính, nhưng đối với khả năng tác chiến cũng như kiến thức quân sự lại chỉ biết "cưỡi ngựa xem hoa" mà thôi, khi gặp khó khăn, chỉ biết chạy là nhanh nhất.
Thời Việt Nam Cộng hòa, trốn lính đồng nghĩa với việc chấp nhận sống bên lề của xã hội. Tại sao lại nói thế, vì những người trốn lính sẽ phải sống trốn chui, trốn lủi khi vô tình bắt gặp bóng dáng của những cảnh sát, quân cảnh. Cuộc sống của những thành phần trốn lính là một chuỗi ngày sống bấp bênh không tương lai, không định hướng ngay giữa lòng Sài Gòn phồn hoa đô hội. Vì thế, không ít người chấp nhận tự chặt đi ngón tay bóp cò là ngón trỏ để được miễn đi lính, thậm chí có nhiều người tự hành xác mình bằng cách để bản thân gầy trơ xương để khi bị gọi vào các trung tâm nhập ngũ sẽ được trả về địa phương vì không đủ lý do sức khỏe.
Lính “ma”
Quân đội Sài Gòn nổi tiếng là quân đội tham nhũng, nhất là các cấp chỉ huy càng cao thì tham nhũng buôn lậu càng nhiều. Tuy nhiên có một cách tham nhũng tiền bạc của Hoa Kỳ là việc tạo ra những “lính ma”, tức là quân số không có thực để tham ô tài chính.
Mỗi năm, Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự. Dựa trên số viện trợ đó, chủ trương của Việt Nam Cộng hòa là xây dựng và duy trì lực lượng quân sự "hùng mạnh, trẻ trung và có hiệu lực". Nhưng vì những tổn thất nặng nề trong các cuộc đụng đầu với quân giải phóng, cộng với số đào rã ngũ ngày càng nhiều và việc tuyển tân binh bằng nghã vụ quân sự ngày càng khó khăn và kém hiệu quả hơn, nên tổng quân số Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã bắt đầu giảm, quân số chiến đấu của nhiều đơn vị bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Binh lính Sài Gòn trên một chiếc tàu di tản khỏi Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Thực tế cho thấy, nhiều người không hề muốn đi lính cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa mà bị cưỡng ép, cho nên, nếu có điều kiện là họ bỏ trốn, cộng thêm việc tuyền trueyèn binh vận của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tỷ lệ đào ngũ ngày càng tăng. Theo tiêu chuẩn biên chế của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thì mỗi tiểu đoàn chủ lực có 500 lính, nhưng đến cuối năm 1974, trên thực tế, mỗi tiểu đoàn chỉ có 300-350 lính; ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi tiểu đoàn chỉ còn 180-200 lính, cao nhất là 250 lính; các tiểu đoàn bảo an thậm chí có nơi chỉ còn 70-100 lính. Do đó, Việt Nam Cộng hòa đã phải ngừng việc thay thế 5 vạn lính già yếu theo kế hoạch. Tinh thần chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa giảm sút rõ rệt. Hiện tượng chống lệnh hành quân, báo cáo láo, tránh chạm súng với Quân Giải phóng ngày càng nhiều. Theo thống kê của Việt Nam Cộng hòa, trong 5 tháng đầu năm 1974 có gần 3.000 vụ chống lệnh hành quân, trong đó có gần 100 vụ bắn chỉ huy. Số đầu hàng trong chiến đấu cũng ngày càng nhiều hơn, có trận Quân giải phóng bắt sống đến hai ba trăm lính đối phương và tổng số địch bị bắt trong năm 1974 còn cao hơn cả số bị bắt trong cuộc tấn công chiến lược năm 1972.
Do bị áp lực của Quân giải phóng nên toàn bộ chủ lực của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị căng kéo, phân tán ra đối phó khắp nơi, thậm chí cả hai sư đoàn dự bị chiến lược (Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thủy quân lục chiến) cũng bị căng ra đối phó, không còn khả năng cơ động chiến lược.
Nhưng điều khó khăn lớn nhất cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa là tinh thần chiến đấu của binh sĩ xuống thấp. Sau Hiệp định hòa bình Paris, nhiều sĩ quan và binh lính đã thấy tương lai mờ mịt, tâm trạng bi quan chán nản và tinh thần chiến đấu sa sút nghiêm trọng dẫn đến tình trạng đào ngũ, trốn lính rất nhiều, bổ sung không kịp. Trong quân đội phổ biến tình trạng "lính ma": quân số, khí tài thực tế thì bị thiếu hụt nhưng trên giấy tờ thì vẫn có đủ. Số tiền chênh lệch rơi vào túi sĩ quan chỉ huy, trong khi chỉ huy cấp cao thì vẫn đánh giá quá cao sức mạnh thực tế của các đơn vị, dẫn tới các sai lầm trong việc chỉ huy.
Hậu quả của tình trạng lính cậu, lính kiểng, lính ma cuối cùng dẫn đến một đội quân ô hợp, hoàn toàn không còn tinh thần chiến đấu, tháo chạy tán loạn như chúng ta đã thấy vào tháng 4/1975.
Bình Nguyễn