Sinh thời, Mác chưa bao giờ có suy nghĩ lấy tên mình đặt cho học thuyết do ông khởi xướng và cùng với Ăngghen xây dựng. Xuyên suốt quá trình sáng tạo và phát triển học thuyết, Mác lao động với trách nhiệm, sứ mệnh của một nhà khoa học chân chính tâm huyết với sự nghiệp giải phóng loài người. Ở Mác hoàn toàn không có suy nghĩ sáng tạo học thuyết để lưu danh cá nhân, trái lại, mục đích của sự sáng tạo ấy chỉ có thể là soi đường cho sự nghiệp giải phóng nhân loại. Mác nghiêng về sử dụng thuật ngữ “Chủ nghĩa xã hội khoa học” để nói về học thuyết của ông hơn. Với cách gọi này có thể thấy Mác lấy hạt nhân trong nội dung lý thuyết của mình để đặt hơn là sử dụng tên của người sáng lập.
C.Mác và Ph.Ăngghen
Trong quá trình xây dựng chính đảng cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân - Liên đoàn những người cộng sản (1847), và lãnh đạo xây dựng Đảng sau đó, Mác chú trọng bảo đảm cho Đảng có đường lối chính trị đúng đắn bằng cách nói và viết để định hướng cho nhận thức và hành động của Đảng. Việc Mác thường xuyên tỏ rõ quan điểm và sẵn sàng “bút chiến” cũng là để ngăn chặn sự tác động của các dòng tư tưởng sai trái làm lệch đi đường lối chính trị của chính đảng của giai cấp công nhân. Toàn bộ quá trình đó, dù ít khi nói trực tiếp nhưng qua các nội dung đề cập, có thể thấy sự khẳng định của Mác rằng chính “Chủ nghĩa xã hội khoa học” là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản.
Chủ nghĩa xã hội khoa học có thể hiểu theo hai nghĩa:
Theo nghĩa hẹp, là một trong ba bộ phận chính cấu thành chủ nghĩa Mác -Lênin (như trong các định nghĩa hiện nay): “đó là một trong ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác -Lênin nó đưa ra những luận cứ xã hội -chính trị rõ ràng, trực tiếp nhất để chứng minh sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, những điều kiện và các con đường thực hiện sứ mệnh đó, nó là khoa học về các quy luật xã hội -chính trị chung, về các con đường, các hình thức và các phương pháp cải tạo xã hội theo chủ nghĩa cộng sản”[1].
Theo nghĩa rộng, là thuật ngữ được Mác sử dụng để chỉ toàn bộ lý luận mà ông cùng với Ăngghen xây dựng. Theo các nhà khoa học Liên Xô, chủ nghĩa cộng sản khoa học “là chủ nghĩa Mác -Lênin nói chung với tính cách là sự luận chứng toàn diện (triết học, kinh tế và xã hội -chính trị) về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản, là sự biểu hiện khoa học những lợi ích cơ bản và những nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp công nhân”[2].
Trong trường hợp Mác nói về nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản thì hiểu theo nghĩa thứ hai là phù hợp hơn. Và do đó, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản được thể hiện lúc sinh thời của Mác, không gì khác hơn chính là toàn bộ lý luận do Mác cùng Ăngghen xây dựng nên nhằm chỉ dẫn cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Sau khi Mác qua đời (1883), thực tiễn phong trào công nhân đòi hỏi phải có một học thuyết làm ngọn cờ tư tưởng lý luận. Trong bối cảnh đó, người đồng chí thân thiết cùng với Mác xây dựng và phát triển học thuyết - Ăngghen (1820-1895) - đã nêu lên thuật ngữ “Chủ nghĩa Mác” với tính cách là một học thuyết nhằm dẫn dắt sự nghiệp cách mạng. Bản thân Ăngghen đã xác nhận: Nếu không có Mác thì lý luận thật khó mà được như ngày nay. Vì vậy, lý luận đó mang tên của Mác là điều chính đáng.
Với thuật ngữ này, Ăngghen vừa thể hiện sự tôn vinh của mình đối với Mác, ghi nhận vai trò chủ đạo của Mác đối với học thuyết, đồng thời Ăngghen cũng làm tròn trách nhiệm lãnh tụ của phong trào công nhân khi thực tiễn phong trào cách mạng đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải có học thuyết với một tên gọi cụ thể làm nền tảng tư tưởng, lý luận soi đường. Mặt khác, thông qua thuật ngữ này, Ăngghen cũng thể hiện phẩm chất cao đẹp, sự khiêm tốn của một nhà cách mạng chân chính giống như Mác đương thời khi không để tên mình vào cùng với Mác. Thuật ngữ ấy cũng gián tiếp cung cấp một cách hiểu trong quan niệm mà sau này, năm 1913, Lênin đã có lần nêu ra định nghĩa một cách ngắn gọn: Chủ nghĩa Mác là hệ thống các quan điểm về học thuyết của Mác.
Ăngghen đã có những hoạt động lý luận và thực tiễn sôi nổi nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển chính đảng của giai cấp công nhân. Ông luôn nhất quán khẳng định chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa (Quốc tế II). Khi phê phán đại hội do phái ''Khả năng'' (theo chủ nghĩa cơ hội, cải lương) triệu tập “là đại hội của những người không đi xa hơn chủ nghĩa công liên”, Ăngghen nhấn mạnh trong Quốc tế II rằng: “chúng ta phải bảo vệ danh dự của ngọn cờ xã hội chủ nghĩa”. Với tinh thần đó, toàn bộ những hoạt động không mệt mỏi, trong đó có cả những “trận chiến” tư tưởng quyết liệt của Ăngghen cho đến khi mất đều nhằm khẳng định Đảng phải kiên định nền tảng tư tưởng là chủ nghỉa Mác, đều nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác trước sự tấn công của các trào lưu tư tưởng sai trái khác. Có thể nói, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản mà Ăngghen thể hiện rõ ràng và nhất quán chính là “Chủ nghĩa Mác”.
Lênin đã kế thừa và phát triển Chủ nghĩa Mác
Lênin trong quá trình kế thừa và phát triển Chủ nghĩa Mác, đặc biệt là trong xây dựng học thuyết về Đảng Cộng sản, đã kiên định quan điểm của Ăngghen về nền tảng tư tưởng của Đảng. Lênin nêu “công thức” ra đời một Đảng Cộng sản là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Chủ nghĩa Mác nêu ở đây chính là yếu tố lý thuyết khoa học có vai trò nền tảng tư tưởng để Đảng Cộng sản hình thành, tồn tại và phát triển. Đây chỉ là một trong rất nhiều minh chứng cho thấy Lênin tiếp nối quan điểm của Mác và Ăngghen để tiếp tục khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản là chủ nghĩa Mác. Sau này, khi Lênin mất, xuất hiện thuật ngữ “Chủ nghĩa Mác - Lênin” được Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản thành viên xem là nền tảng tư tưởng của mình.
Như vậy, có thể khẳng định, sinh thời, cả Mác, Ăngghen và Lênin đều thống nhất xác định “Chủ nghĩa cộng sản khoa học” (thời Mác gọi) hay “Chủ nghĩa Mác” (thời Ăngghen và Lênin gọi) là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản. Sự xác lập này có từ ngay khi xây dựng chính đảng cộng sản đầu tiên trên thế giới, kéo dài xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển các chính đảng vô sản của giai cấp công nhân sau đó. Sau khi Lênin mất, với sự ra đời khái niệm “Chủ nghĩa Mác -Lênin” thì đây chính là thành tố trước hết cấu thành nền tảng tư tưởng của nhiều Đảng Cộng sản hiện nay.
Khánh Minh