Tròn 79 năm về trước, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng tháng Tám, hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do sau hơn 80 năm chìm đắm trong cảnh “lầm than, nô lệ” đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thời gian đã lùi xa, nhưng thực tiễn sinh động của những ngày tháng hào hùng năm xưa vẫn là mạch nguồn để hôm nay dân tộc ta tiếp tục vững bước trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Cách mạng tháng Tám biểu hiện cao độ của khát vọng độc lập, tự do
Khát vọng độc lập, tự do là ý chí, sức mạnh vô hình, luôn tiềm ẩn trong mỗi người dân, được kết tinh thành sức mạnh dân tộc trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng, củng cố nền độc lập, tự do trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đồng thời, khát vọng độc lập, tự do luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nội dung chủ đạo tạo nguồn lực nội sinh và động lực tinh thần to lớn đưa dân tộc ta làm nên những điều phi thường trong lịch sử. Khát vọng ấy lại trổi dậy mạnh mẽ mỗi khi đất nước bị xâm lăng và biến thành sức mạnh vô song nếu được hình thành, tập hợp bằng đường lối với những chủ trương, định hướng đúng đắn.
Một trong những biểu hiện cao độ chính là thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là thắng lợi của khát vọng độc lập, tự do làm “biến đổi và hồi sinh” đất nước, dân tộc Việt Nam, đưa đất nước, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn lền với chủ nghĩa xã hội, tạo tiền đề, điều kiện để đất nước có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”, tiếp bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc dưới lá cờ vẻ vang của Đảng trong thời đại mới.
Ngược dòng lịch sử, từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi đất nước bị xâm lược, khởi nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn với khát vọng độc lập, tự do, trên đất nước ta các phong trào yêu nước diễn ra liên tiếp, kết thành làn sóng mạnh mẽ với tình thần “bao giờ người Tây nhổ hết có nước Nam mới hết người Nam đánh Tây” của nhân dân ta. Tuy nhiên các phong trào đều lần lượt thất bại, khát vọng độc lập, tự do của cả dân tộc chưa thể thành hiện thực, rơi vào bế tắc.
Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Tất Thành, người thanh niên yêu nước, tiếp bước khát vọng cha ông, đã rời xa đất nước, tìm kiếm một con đường cứu nước mới phù hợp, tiến bộ hơn nhằm hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc. Mang trong mình khát vọng thiêng liêng, trải qua quá trình khảo nghiệm và sàng lọc, Người đã quyết định lựa chọn con đường cách mạng vô sản, theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do.
Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênnin, được vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp đặc thù cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học kết tinh trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên và không ngừng được “bồi đắp”, cụ thể hóa trong từng giai đoạn nhất định cho phù hợp với từng điều kiện, bối cảnh cụ thể nhưng khát vọng độc lập, tự do thì không bao giờ thay đổi. Để hiện thực hóa mục tiêu độc lập, tự do, Đảng đề cao sức mạnh nội lực dân tộc, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước của nhân dân với phương châm đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, lấy mục tiêu độc lập, tự do làm “sợi dây” kết nối các tầng lớp, giai cấp thành một khối thống nhất nhằm hiện thực hóa độc lập, tự do từ đó tiến lên xã hội chủ nghĩa. Đường lối ấy, đã đáp ứng và giải quyết các yêu cầu cấp thiết của cách mạng và nguyên vọng của nhân dân, nhanh chóng bén rễ và luồn sâu trong quần chúng.
Với niềm tin và khát vọng to lớn, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đã biến thành sức mạnh quật cường, bền bỉ, vượt qua những khó khăn, thách thức từng bước tạo nên những thắng lợi. Từ năm 1930-1939, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong hai cao trào cách mạng lớn là cao trào 1930-1931 và cao trào1936-1939, qua đó các nguồn lực cách mạng không ngừng được hình thành và phát triển sâu rộng, tinh thần cách mạng ngày càng lên cao.
Từ cuối năm 1939, khi tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động lớn, Đảng xác định phải chuẩn bị để giải quyết vấn đề độc lập dân tộc. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, Đảng đã cụ thể hóa chủ trương lớn “giải quyết vấn đề dân tộc” thành những biện pháp đúng đắn để tổ chức một cuộc cách mạng giành chính quyền bằng sức mạnh, ý chí của quần chúng nhân dân.
Đến khi “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Đảng phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền với tinh thần “dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, bằng sức mạnh của khát vọng và ý chí, nhân dân ta đã giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám, khát vọng độc lập, tự do đã trở thành hiện thực, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh, tạo nên móc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta.
Nhìn lại dòng chảy lịch sử Các mạng Tháng Tám để thấy rằng, dù trong điều kiện gặp muôn vàn thử thách nhưng bằng khát vọng chính nghĩa, ý chí quật cường, tinh thần cách mạng vô song dân tộc ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng tháng Tám, “long trời lở đất”. Thắng lợi ấy là biểu hiện cao độ của khát vọng độc lập, tự do, khởi nguồn từ lòng “yêu nước nồng nàn” luôn tiềm ẩn trong mỗi người dân Việt Nam, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy và phát huy cao độ, kết tinh thành sức mạnh dân tộc to lớn. Sức mạnh ấy được đánh thức, quy tụ và dẫn dắt bởi sự lãnh đạo đúng đắn, đầy sức sáng tạo của Đảng trong suốt quá trình cách mạng đã làm nên một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.
Mạch nguồn của khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc hôm nay
Tiếp bước khát vọng dân tộc từ Cách mạng tháng Tám, 79 năm qua, với khát vọng của thời đại Hồ Chí Minh là “Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu”, dân tộc ta tiếp tục làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, là thắng lợi của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.
Đất nước trên con đường thưc hiện khát vọng giàu mạnh, văn minh
Đến nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã đi qua hơn nửa nhiệm kỳ hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng. Đất nước ta sau gần 40 năm Đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt, diện mạo đất nước ngày càng thay đổi lớn, dần khẳng định vị thế ngày càng cao trên bản đồ thế giới.
Từ chỗ là một trong những nước nghèo của thế giới, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam phát triển vượt bậc, “quy mô GDP không ngừng được mỏ rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023”[1]. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực, cũng như thế giới. Các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội có những bước phát triển. Vị thế đất nước ngày càng cao trong con mắt bạn bè thế giới. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, chất lượng sống ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên trong bối cảnh mới của thời đại, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự biến chuyển nhanh chóng, đầy phức tạp, khó dự báo của tình hình quốc tế, các vấn đề mới và cũ của an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng có những diễn biến phức tạp…đặt dân tộc ta đứng trước những cơ hội song cũng không ít thách thức trên con đường hiện thực hóa khát vọng dân tộc thời đại mới.
Mặc dù các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục phát triển sau đại dịch Covid-19, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống một bộ phân nhân dân còn gặp khó khăn do tác động từ nhiều phía. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi triệt để. Các thế lực phản động vẫn đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta…Tất cả những thách thức đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nêu cao khát vọng và ý chí như Đại hội XIII đã xác định là “ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[2]. Bám sát, vận dụng sáng tạo để thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đảng đề ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Trong vận hội và điều kiện mới, tinh thần, ý chí với khát vọng độc lập, tự do của Cách mạng tháng Tám năm xưa vẫn là “mạch nguồn” cần tiếp tục khơi dậy và phát huy cao độ để sức mạnh nội sinh của dân tộc đồng hành với sức mạnh thời đại, kết thành là động lực to lớn, thúc đẩy dân tộc ta tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các nước trên thế giới.
[1] Nguyễn Phú Trọng. Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.34
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.110.