1. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, mâu thuẫn cơ bản giữa lực lượng sản xuất đã xã hội hóa rất cao với quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất được biểu hiện về mặt xã hội thành mâu thuẫn giai cấp - giai cấp vô sản đại diện lực lượng sản xuất phát triển cao mâu thuẫn với giai cấp tư sản đang nắm giữ quan hệ sản xuất đã lỗi thời. Mâu thuẫn giai cấp này tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp và đỉnh cao cách mạng xã hội – tức cách mạng vô sản, nên C.Mác khẳng định: “Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có... trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất… Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”[1].
Cuối thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ănghen dự báo: “Cách mạng cộng sản chủ nghĩa cũng có ảnh hưởng rất lớn đến các nước khác trên thế giới,... Nó là một cuộc cách mạng có tính chất toàn thế giới và vì vậy nó sẽ có một vũ đài toàn thế giới”[2]. Theo đó, cách mạng vô sản muốn thắng lợi phải nổ ra đồng loạt ở các nước tư bản, và thuận lợi hơn ở một số nước tư bản tiên tiến như ở Anh, Mỹ, Pháp, Đức... Kết luận trên của các ông rút ra từ thực tiễn, vào lúc chủ nghĩa tư bản đã trở thành một hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế. Một cuộc tiến công của giai cấp vô sản vào bất cứ một mắt xích nào trong hệ thống đó cũng có nghĩa là đánh vào toàn bộ hệ thống đế quốc. Vì vậy, chúng tạm dẹp các mâu thuẫn nội bộ để đàn áp các cuộc trỗi dậy của giai cấp vô sản. Do đó, cách mạng vô sản muốn giành thắng lợi không thể nổ ra ở một nước mà phải nổ ra đồng loạt ở nhiều nước tư bản.
Tuy nhiên, sau này trong Lời nói đầu viết cho tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ 1848 đến 1850” của C.Mác, Ph.Ăngghen đã thừa nhận các ông đã sai lầm khi cho rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa sắp nổ ra ở Châu Âu khi ấy”[3].
Vấn đề dân tộc ở Tây Âu, về cơ bản đã được giải quyết trong cách mạng tư sản, đồng thời ở thời đại của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu, bàn nhiều về vấn đề dân tộc thuộc địa nên so với vấn đề giai cấp vô sản, thì nó chỉ là thứ yếu. Về mối quan hệ dân tộc - giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc; giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản, trong Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”[4], tức là giải quyết vấn đề giai cấp một cách triệt để thì vấn đề dân tộc cũng được giải quyết theo. Quan điểm đó hoàn toàn đúng với đòi hỏi của cách mạng vô sản ở châu Âu đang đặt ra lúc bấy giờ, nhưng có thể nói, chưa phù hợp với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
2. V.I.Lênin bảo vệ và phát triển sáng tạo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các nước tư bản Âu - Mỹ có những chuyển biến mạnh mẽ sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và phát triển thành một hệ thống thế giới, cách mạng giải phóng dân tộc trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản, nên V.I.Lênin có cơ sở thực tiễn để phát triển vấn đề dân tộc thuộc địa và cách mạng thuộc địa thành một hệ thống lý luận. Theo V.I.Lênin, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản (ở chính quốc) sẽ không thể giành được thắng lợi, nếu nó không biết liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa. Từ đó, V.I.Lênin đã bổ sung khẩu hiệu của C.Mác và Ph.Ăngghen: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” thành: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại”. Trong Tuyên ngôn thành lập quốc tế cộng sản năm 1919, V.I.Lênin đã viết: Công nhân và nông dân không những ở An Nam, Angiêri, Bengan mà cả ở Ba Tư hay Ácmênia chỉ có thể giành được độc lập khi mà công nhân các nước Anh và Pháp lật đổ được Lôiít Gioócgiơ và Clêmăngxô giành chính quyền nhà nước vào tay mình[5]. Như vậy, cùng khẳng định mối quan hệ biện chứng mật thiết giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, nhưng C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều cho rằng, trong mối quan hệ đó, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của giai cấp công nhân là phải là tiến hành cuộc cách mạng lật đổ giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền. Sau khi lên nắm chính quyền, sẽ trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, hoặc tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa giành thắng lợi. Có nghĩa là, cách mạng vô sản ở chính quốc có vai trò tác động quyết định đến thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa.
Sang đầu thế kỷ XX, trên cơ sở phân tích sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin cho rằng cách mạng vô sản có thể nổ ra ở khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản, ở một số nước, thậm chí ở một nước, khi những mâu thuẫn giai cấp ở nước đó đã trở nên cực kỳ gay gắt. Thực tế lịch sử cho thấy rằng, đầu thế kỷ XX, nước Nga chính là khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc lúc bấy giờ và cũng là nơi có các tiền đề khách quan và chủ quan cho sự bùng nổ thắng lợi của cách mạng vô sản. Do đó, Cách mạng Tháng Mười nổ ra và giành thắng lợi không phải là sự kiện ngẫu nhiên mà nó diễn ra hợp quy luật. Nó là kết cục tất yếu của sự vận động các mâu thuẫn trong lòng xã hội Nga những năm đầu thế kỷ XX và được chuẩn bị đầy đủ cả về lý luận và tổ chức. Thắng lợi của cách mạng vô sản đó không chỉ khai mở ra thời đại mới: nhân loại chấm dứt thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản và quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mà còn là thước đo giá trị rõ ràng nhất, sinh động nhất về tính cách mạng và khoa học trước hết là chủ nghĩa Mác, tiếp nối sau đó là chủ nghĩa Mác - Lênin trên hiện thực.
3. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vận dụng, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin
Ngay những thập niên đầu của thế kỷ XX, trong quá trình hình thành tư tưởng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có những nhận thức sâu sắc và độc đáo về mối quan hệ chặt chẽ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản; phản ánh khát vọng độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Tiếp thu những quan điểm khoa học và cách mạng của các nhà kinh điển, Hồ Chí Minh còn thể hiện một sự sáng tạo mạnh mẽ là vấn đề dân tộc (ở các nước thuộc địa và lệ thuộc) được đặt lên trên vấn đề giai cấp trong tiến trình thực hiện của cuộc cách mạng vô sản. Người nói: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do. Vậy nên cách mệnh An Nam với cách mệnh Pháp phải liên lạc với nhau”[6]. Dù cho một dân tộc thuộc địa nhỏ làm cách mạng nhưng có bản lĩnh tự thân, sự đoàn kết và đường lối lãnh đạo đúng đắn thì chắc chắn sẽ “ca khúc khải hoàn”, nên Người nói: “... trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi trước hết là nông dân và đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong mặt trận thống nhất, với sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới…, nhân dân nước đó nhất định thắng lợi”[7].
Trưởng thành qua thực tiễn các cao trào 1930 - 1931, cao trào dân chủ 1936 - 1939 và cao trào kháng Nhật 1939 - 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh thành thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc vào mùa thu năm Ất Dậu. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ chứng minh dự báo của Nguyễn Ái Quốc về khả năng thành công của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa nổ ra và thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc mà còn là sự phát triển sáng tạo và bổ sung quan trọng vào kho tàng lý luận Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, thuộc địa và hơn thế nữa nâng vấn đề lý luận và thực tiễn này mang tầm vóc quốc tế, có ý nghĩa thời đại. Có thể thấy, Người đã xây dựng niềm tin thắng lợi của cách mạng trên cơ sở khoa học là sự hội tụ của rất nhiều nhân tố: có lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường; sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí tự chủ quật cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của các tầng lớp nhân dân; và kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại…
4. Thay lời kết
Như vậy, lý luận về đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản từ chủ nghĩa Mác - Lênin đến tư tưởng Hồ Chí Minh là một sợi dây xuyên suốt, nhất quán và phát triển. Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta – cuộc cách mạng vô sản đầu tiên ở một nước thuộc địa và lệ thuộc thắng lợi đã dệt thêm thực tiễn làm thước đo giá trị của lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và cũng là sự vận dụng sáng tạo, phát triển lý luận ấy. Kỷ niệm mốc son lịch sử hào hùng của 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 bất diệt là dịp quan trọng để chúng ta nhìn lại những thành công lớn, những bài học lịch sử quý báu và tôn vinh tinh thần đấu tranh anh dũng, sáng tạo của nhân dân Việt Nam, từ đó nhận thức đầy đủ trách nhiệm, thắp bừng khát vọng, vun bồi động lực nội sinh của các thế hệ hôm nay và mai sau trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, những tư tưởng lý luận mang tầm thời đại vào công cuộc đổi mới đất nước, vang mãi hào khí để viết tiếp những trang sử huy hoàng của công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cường thịnh trong thế kỷ XXI./.
[1]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, t.13, tr.15.
[2]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.4, tr.472
[3]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.22, tr.761
[4]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.4, tr.624
[5]. Xem: Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng sản gửi những người vô sản trên thế giới, (tại Ðại hội thành lập Quốc tế Cộng sản, 3-1919).
[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.2, tr.287
[7]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.1, tr.529.
Nguyễn Văn Hiền