Tuy nhiên, trong bối cảnh không thuận của kinh tế thế giới cũng như giai đoạn hồi phục kinh tế trong nước hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ hiệu quả hơn từ điều hành kinh tế của các địa phương.
Kết quả điều tra PCI 2023 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, chi phí không chính thức tiếp tục có chiều hướng giảm, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn và cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh không thuận của kinh tế quốc tế và cả khó khăn nội tại từ trong nước, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, để trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Từ thực tế ở địa phương, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhìn nhận: "Tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, đào tạo nhân lực, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và gia nhập thị trường, những chỉ số này đều cần được cải thiện. Khi doanh nghiệp về địa phương phải được hỗ trợ pháp lý, chi phí không chính thức không có, đi đôi với đó cần có tính minh bạch cao, thời gian gia nhập thị trường ngắn nhất, cả 10 chỉ số thành phần được cải thiện Hưng Yên mới có thể lọt tốp 10 toàn quốc".
Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn. Đơn cử như mô hình “Cà phê doanh nghiệp” hàng sáng, giúp kết nối lãnh đạo chính quyền với doanh nghiệp, là mô hình xuất phát từ Đồng Tháp, nay đã lan rộng và triển khai có hiệu quả ở nhiều tỉnh trên cả nước. Nhưng qua đó, cũng càng đáng chú ý hơn là sự bền bỉ và sáng tạo không ngừng trong cách thức hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp cho biết về mô hình hỗ trợ mới và hiệu quả của địa phương: "Mô hình khởi nghiệp ở chúng tôi đang hoạt động tốt, Đồng Tháp là một trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi đứng đầu về khởi nghiệp. Chúng tôi hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp, tổ chức tập huấn khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp. Ý tưởng sau khi có sản phẩm khởi nghiệp thì chúng tôi hỗ trợ phát triển lên, tham gia thị trường, triển lãm. Qua những sự kiện đó, qua góp ý khách hàng, sản phẩm dần được cải thiện, mẫu mã chất lượng tốt hơn và từ đó được doanh nghiệp đánh giá cao".
Rõ ràng, sự kiên trì và sáng tạo trong đồng hành với doanh nghiệp của chính quyền địa phương đã tạo nên hiện tượng Đồng Tháp – một tỉnh không có thuận lợi về địa lý, chất lượng hạ tầng lại chưa cao, nhưng suốt 16 năm nằm trong nhóm 5 địa phương dần đầu trong đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành tốt. Hoặc ở Quảng Ninh, địa phương dẫn dầu chỉ số PCI 2023, nhưng vẫn còn nhiều dư địa cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ông Lưu Công Thành, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh nêu kỳ vọng: "Mong lãnh đạo sở ngành tạo điều kiện hơn nữa trong tiếp cận đất đai. Còn có khu vực đất đai doanh nghiệp gặp khó khăn trở ngại về thủ tục hành chính. Doanh nghiệp gặp khó khăn về thời gian và thiệt hại khi chờ đợi thủ tục, cần tháo gỡ khó khăn từ chính quyền tỉnh, để phát triển tốt hơn nữa. Nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có sự quan tâm hơn nữa để có môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn".
Cũng về dư địa cải cách, khoảng 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, ở nhiều địa phương, thời gian thực hiện thủ tục hành chính còn ngắn hơn quy định.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nhận định: "Ứng dụng công nghệ như “một cửa”, “chuyển đổi số” trong sở ban ngành được hoàn thiện, thời gian thủ tục nhanh hơn và đánh giá cao về tính minh bạch, rõ ràng trong cải cách thủ tục hành chính".
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là khi địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, toàn bộ văn bản được đăng tải trên hệ thống điện tử và không còn được gửi bằng bản giấy, nên có doanh nghiệp khó tiếp cận. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị chậm tiếp cận thông báo từ địa phương, vì thiếu nhân lực cập nhật thông tin điện tử, nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh được triển khai, nhưng doanh nghiệp lại không nắm bắt được kịp thời. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới, cần có sự kết nối nhiều hơn giữa chính quyền, các sở, ngành với các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời gửi thông tin đến doanh nghiệp qua thư điện tử, Zalo… Chỉ một hành động này thôi thì chỉ số hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng đã được cải thiện khá nhiều.
Như vậy, các địa phương cần tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất hơn nữa. Trong đó, cần xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh, thành phố, bắt đầu từ những người đứng đầu sở ban ngành ở địa phương.