“Cố đấm ăn xôi”, mặc dù không đạt hiệu quả phá hoại miền Bắc trong những năm 1961-1965, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục tung nhiều toán biệt kích ra phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cái kết của những lính biệt kích này cũng không khá hơn đồng bọn của chúng trước đó
Ngày 4/8/1964, Hoa Kỳ dựng lên cái gọi là “cuộc giao chiến xảy ra giữa hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với hai tàu chiến Mỹ” để lấy cớ thực hiện kế hoạch công khai ném bom miền Bắc Việt Nam.
Thực hiện kế hoạch đánh phá miền Bắc ký hiệu 34A, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn cho máy bay do thám U22 dùng lực lượng biệt hải bắt cóc ngư dân trên biển để khai thác, thu thập tin tức tình báo, đồng thời tăng cường các hoạt động gián điệp biệt kích tập kích vũ trang các vùng ven biển Việt Nam.
Trong các ngày 12 và 13/6/1964, ngày 1 và 19/7/1964, chúng liên tiếp cho nhiều toán biệt kích xâm nhập, đánh phá các địa điểm Bàu Tró (Quảng Bình), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quỳnh Châu (Nghệ An), Cầu Hang (Thanh Hóa).
Vào 0 giờ15 phút ngày 1/7/1964, một toán biệt kích từ chiếc tàu chiến đậu ngoài khơi dùng xuồng cao su bí mật xâm nhập phía Bắc cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình. Sau 2 giờ đổ bộ lên bờ, địch gặp một tổ tuần tra của ta, chúng nổ súng bắn chết một dân quân và tiếp tục tiến vào Bầu Tró thuộc thị xã Đồng Hới, Quảng Bình, bắn 15 phát đạn DKZ 57 mm vào nhà máy nước, gây một số thiệt hại.
Mặc dù chỉ có ba người, tổ tuần tra gồm công an nhân dân vũ trang và dân quân vẫn dũng cảm chiến đấu đánh trả bọn biệt kích. Sau đó, được sự chi viện của công an nhân dân vũ trang đồn Nhật Lệ và dân quân xã Bảo Ninh, ta tiếp tục truy kích địch, tiêu diệt 4 tên, buộc chúng phải rút chạy ra biển.
Từ đầu năm 1965, cùng với việc leo thang trong chiến tranh phá hoại, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tăng cường các hoạt động tình báo, gián điệp, biệt kích, chiến tranh tâm lý, nhằm tiếp tục phá hoại công cuộc xây dựng miền Bắc, uy hiếp tinh thần kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Chiến tranh phá hoại miền Bắc trở thành một bộ phận của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Trong năm 1965, cùng với việc dùng không, quân hải quân đánh phá miền Bắc, từ các trung tâm huấn luyện gián điệp, biệt kích ở miền Nam và nước ngoài, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục tung các toán gián điệp, biệt kích xâm nhập bằng đường biển, đường bộ qua biên giới vào các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chỉ tính trong 2 năm 1965-1966, chúng đã tung ra miền Bắc 25 toán gián điệp, biệt kích, gồm 189 tên, chưa kể 8 toán khác được trực thăng đổ xuống đất Lào rồi xâm nhập Việt Nam qua biên giới Việt-Lào.
Bọn biệt kích Bắc Hải Vân tổ chức các các kế hoạch “Mắt mèo”, “Sao biển” xâm nhập các vùng ven biển từ Đèo Ngang trở vào để điều tra sự vận chuyển của ta trên tuyến sông biển và đường mòn Hồ Chí Minh.
Một số toán biệt kích đặt trạm quan sát bí mật ở các điểm chốt đường qua lại biên giới, nhất là trên các trục đường số 7, số 8, số 12 để thu thập tin tức về sự vận chuyển quân sự của ta.
Các toán gián điệp, biệt kích xâm nhập vào đất ta, ngoài việc thu thập tình báo phục vụ máy bay địch bắn phá, còn bắt cóc cán bộ, bộ đội xây dựng cơ sở bí mật để kích động gây bạo loạn và phá hoại.
Với âm mưu chiến lược lâu dài về hoạt động gián điệp, biệt kích, Cục tình báo Trung ương Mỹ đã cùng với lực lượng phản động ở Thái Lan, lực lượng phản động trong chính phủ Vương Quốc Lào tuyển mộ một số thanh niên trong các vùng dân tộc H'mông, Thái, Lào, tổ chức thành lực lượng đặc biệt, xây dựng các căn cứ huấn luyện biệt kích dọc biên giới Việt-Lào, Thái Lan, Miến Điện, Tây Nam Trung Quốc để huấn luyện và tung vào miền Bắc nước ta hoạt động.
Một số vũ khí, trang bị của biệt kích Sài Gòn bị bắt tại miền Bắc (Ảnh tư liệu)
Bên kia biên giới, đối diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, lực lượng phản động lập ra hàng trăm căn cứ phỉ, căn cứ huấn luyện gián điệp, biệt kích. Chúng thường tung gián điệp, biệt kích sang các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để gây cơ sở thu thập tin tức và hoạt động phá hoại.
Trong số cầm đầu bọn phỉ và gián điệp đóng ở đất Lào có một số tên phản động miền núi từ Việt Nam chạy sang như Lò Khăm Thi, Sầm Văn Kim, Kha Văn Tạc...
Nghị quyết Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 20 (tháng 5/1965) đã chỉ ra ở những địa bàn xung yếu lực lượng gián điệp, biệt kích có thể thâm nhập, cần luôn luôn cảnh giác, không được xem nhẹ việc đẩy mạnh phòng, chống gián điệp, biệt kích, đề phòng địch tung hàng loạt gián điệp, biệt kích vừa bằng nhảy dù, vừa bằng đường biển để tăng cường các hoạt động phá hoại ở miền Bắc.
Vận dụng những kinh nghiệm đã rút ra trong đấu tranh chống gián điệp, biệt kích thời kỳ trước, lực lượng Công an nhân dân ở các vùng ven biểnn biên giới đã tiến hành thực tập nhiều phương án chiến đấu, bao vây, truy lùng biệt kích trong các tình huống khác nhau ,thực hiện phương châm “giữ dưới đất là chính, giữ bên trong là chính”. Đây là huấn thị của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất tại Hội nghị chuyên đề về công tác phòng chống gián điệp, biệt kích tháng 2 /1963. Ở các vùng xung yếu, công an nhân dân các địa phương đã tích cực phát động quần chúng đấu tranh chống các phần tử phản động, làm trong sạch địa bàn, điều chuyển những đối tượng nguy hiểm về chính trị ra khỏi các địa bàn xung yếu
Ngày 23/11/1965, Bộ Công an phát hiện hoạt động của một toán biệt kích ở phía Tây Quảng Bình, đến ngày 19/02/1965, ta đã phát hiện toán biệt kích này và tổ chức truy tìm ở khu vực phía Tây 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Ngày 2/1/1966, Đội trinh sát kỹ thuật lưu động của Bộ Công an lên đường vào Quảng Bình và ngày 3/1/1966 đã nghe rõ toán biệt kích liên lạc bằng vô tuyến điện đến ngày 14 /01/1965, trinh sát kỹ thuật xác minh đúng tọa độ đài vô tuyến địch đang hoạt động.
Ty Công an Quảng Bình huy động một số cán bộ chiến sĩ công an, cùng bộ đội, dân quân 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy chia thành các tổ bao vây khu vực có gián điệp biệt kích ẩn náu.
Ngày 8/1/1966, có 4 người dân tộc Vân Kiều thuộc xã Phan Đình Phùng, huyện Lệ Thủy đi lấy mây ở khu Tân Kỳ, bị bọn biệt kích bắt đưa về nơi trú ẩn náu. Bọn chúng moi hỏi tin tức tình hình quân sự và tình hình địa phương, sau đó chúng đưa cho mỗi người 20 đồng tiền miền Bắc, nhờ về mua lương thực. Biết rõ đó là bọn gián điệp, biệt kích, 4 người đã tìm cách báo cho chính quyền xã.
Chiều 13/1/1966, công an Quảng Bình bố trí lực lượng truy bắt 9 tên biệt kích nói trên trong đó có tên toán trưởng. Ta đã bố trí 9 trinh sát cải trang là gián điệp, biệt kích gùi gạo quay trở về nơi địch trú ẩn để bắt số còn lại. Nhưng khi vào gần đến nơi do sơ hở của ta, nên bọn địch phát hiện và tháo chạy, buộc ta phải nổ súng, bắn bị thương 4 tên, bắt sống 1 tên. Chiều ngày 16 /01/1966, ta bắt nốt những tên còn lại. Qua khai thác, bọn biệt kích cho biết toán của chúng có ký hiệu là ROMEO, xâm nhập bằng máy bay trực thăng xuống khu vực Hữu ngạn sông Long Đại, Quảng Bình lúc 16 giờ ngày 19/11/1965.
Bộ đã chỉ đạo công an Quảng Bình lập chuyên án đấu tranh bí số K38 để tiếp tục câu nhử và khống chế địa bàn đánh địch. Sau một thời gian đấu tranh, do bị lộ, ta đã kết thúc chuyên án.
Tháng 4/1966, lực lượng ta phát hiện biệt kích địch hoạt động điện đài ở khu vực Khe Nét, Quảng Bình.
Tháng 4/1966, Bộ Công an chỉ thị các lực lượng chống gián điệp, biệt kích và công an các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh tổ chức truy tìm gián điệp, biệt kích đang hoạt động ở khu vực tiếp giáp giữa hai tỉnh.
Được quần chúng giúp đỡ và qua điều tra xác minh các nguồn tin, công an Quảng Bình xác định toán gián điệp, biệt kích đang ẩn nấp ở khu vực Lèn Tình, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, là khu vực rừng già có nhiều hang động, khe suối, có đường giao thông số 12A và 15 chạy qua. Ngay lập tức, ta bố trí lực lượng bao vây, tiến công khu vực Lèn Tình.
Ngày 25/5/1966, gián điệp, biệt kích địch phát hiện lực lượng ta và chúng nổ súng trước. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo chuyên án quyết định chuyển hướng đấu tranh sang đánh cường tập. Đến 18 giờ 30 cùng ngày, lực lượng truy kích của ta bắt sống 5 tên. Tiếp đó, ngày 27/5/1966, ta bắt và diệt 3 tên còn lại, thu 8 súng tiểu liên, 8 súng ngắn, 1vô tuyến điện, 1 máy phát điện, 3 bộ đàm, 2 ống nhòm.
Ngày 29/04 /1966, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị số 125 - CT/TW về tăng cường gìn giữ an ninh miền Bắc, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu hoạt động của bọn gián điệp và phản cách mạng khác trong tình hình chiến tranh phá hoại hiện nay.
Trên cơ sở phân tích âm mưu và hoạt động của các thế lực phản cách mạng, chỉ thị đề ra nhiệm vụ và phương hướng công tác trong thời gian tới là phát động triệt để khí thế cách mạng của toàn Đảng toàn quân, toàn dân, đề cao cảnh giác bảo vệ công cuộc xây dựng kinh tế văn hóa bảo vệ quốc phòng bảo vệ các cơ quan của Đảng và nhà nước, giữ gìn trật tự, trị an, tăng cường lực lượng chủ động kịp thời đập tan mọi âm mưu hoạt động tình báo, chiến tranh tâm lý của địch trong chiến tranh phá hoại hoặc chiến tranh cục bộ nếu chúng gây ra, phải quán triệt nguyên tắc “Tích cực bảo vệ mình, chủ động tiêu diệt địch”.
Ngày 29/10/1966, công an nhân dân tỉnh Lai Châu nhận được tin do trinh sát kỹ thuật của bộ cung cấp Mỹ và chính quyền Sài Gòn tung 1 toàn gián điệp, biệt kích mang tên “Săm sông A” xuống phía Nam huyện Điện Biên, âm mưu gây cơ sở, kích động các phần tử phản động gây bạo loạn. Được quần chúng giúp đỡ, sau 3 ngày lần theo dấu vết, công an Lai Châu đã phát hiện bao vây và bắt toàn bộ toán gián điệp, biệt kích, gồm 8 tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện hoạt động của chúng.
Ngày 13/3/1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 145 -CT/TW về việc giữ vững an ninh miền Bắc, đối phó với bước leo thang mới của đế quốc Mỹ.
Chiều 25/01/1967, đồn công an nhân dân vũ trang Cầu Treo biên giới Việt-Lào thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh phát hiện 3 máy bay AD6 yểm trợ máy bay trực thăng hoạt động ở vùng Na Hương, thuộc đất Lào. Qua công tác tring sát, ta xác định địch đã thả gián điệp, biệt kích xuống vùng Phơn Xa Vang thuộc đất Lào, cách đường số 8 về phía Đông khoảng 5 km, cách đồn biên phòng của ta về phía Tây Nam khoảng 11 km. Lãnh đạo Bộ chỉ thị công an Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng vũ trang của bạn Lào truy tìm. Ngày 27/01/1967, Công an Hà Tĩnh đã bắt sống 4 tên, ngày 04/02 bắt tiếp 7 tên trên đất Hương Sơn. Khai thác những tên bị bắt, ta biết toàn gián điệp biệt kích này có 11 têm, gồm một toán trưởng một toán phó Kim truyền tin hai nhân viên truyền tin một nhân viên quân khí 6 nhân viên tình báo phá hoại. Bọn chúng đều là người dân tộc Kinh, 3 tên quê ở miền Nam, 8 tên quê ở miền Bắc thuộc tỉnh Thái Bình và Nam Định. Trước khi xâm nhập, chúng đều được kết nạp vào Đảng “Gươm thiêng Ái Quốc”. Toán gián điệp biệt kích mang tên Harley, được huấn luyện tại trung tâm Quyết Thắng, Long Thành, Đồng Nai. Chúng xâm nhập miền Bắc với nhiệm vụ điều tra tình báo, quan sát sự vận chuyển của ta trên tuyến đường chiến lược số 8, điều tra các mục tiêu quân sự ở vùng này. Khi mới xâm nhập, chúng chưa liên lạc được với nhau thì đã bị phát hiện và truy bắt, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện hoạt động.
Sau khi khai thác toán biệt kích bị bắt, ngày 17/2/1967, Bộ quyết định lập chuyên án đấu tranh mang bí số HN76, nhằm tìm hiểu thêm về âm mưu và hoạt động của địch để chủ động phòng ngừa và đấu tranh.
Quá trình đấu tranh, trinh sát đã thúc đẩy trung tâm địch tại miền Nam tiếp tế hai lần, gồm 13 kiện hàng, trong đó có một bộ truyền tin R51.
Tháng 10/1967, địch thả tiếp một toán biệt kích gồm 4 tên xuống biên giới Lào, cách địa điểm toán Harley khoảng 10 km. Khi toán này xuống, máy liên bị hỏng, không liên lạc được, buộc phải trở về. Trên đường trở về, 1 tên bị chết đói, 2 tên bị bắt.
Ngày 8 /5/1968, trung tâm địch thả tiếp 4 kiện hàng cho toán Harley và sau đó định điều toán này đến địa điểm cách đường số 8 khoảng 5 km để lập căn cứ. Ban Chỉ đạo chuyên án cho toán Harley di chuyển theo đúng yêu cầu của địch và đề nghị tiếp tế.
Xét thấy chuyên án không còn khả năng phát triển, tháng 2/1969, Ban chỉ đạo kết thúc chuyên án bằng cách cho Harley di chuyển sang đất Lào và bị bắt. Chuyên án HN76 đã đạt được kết quả tốt, ta khống chế được địa bàn đường 8 từ Hương Sơn, Hà Tĩnh qua Lào, bắt và tiêu diệt 15 tên gián điệp, biệt kích, thu nhiều máy móc, phương tiện và hàng hóa do địch tiếp tế.
Lính biệt kích Hoa Kỳ trong cuộc tập kích bất thành tại Sơn Tây tháng 11/1970 (Ảnh tư liệu)
Từ năm 1965 đến năm 1968, cuộc đấu tranh chống gián điệp biệt kích thu được những thắng lợi lớn các lực lượng Công an nhân dân, được sự giúp đỡ và tham gia tích cực của quần chúng, đã bắt 26 toán gián điệp, biệt kích gồm 142 tên, thu nhiều vũ khí, phương tiện hoạt động và lương thực của chúng.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh chống gián điệp biệt kích không những góp phần đập tan âm mưu “Đánh cộng sản trong lòng cộng sản” của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn mà còn có ý nghĩa góp phần bảo vệ vùng giải phóng, khu căn cứ của cách mạng Lào, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới hai nước Việt Nam và Lào.
Trong những năm 1969-1970, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn thay đổi phương thức tung biệt kích ra miền Bắc. Chúng tuyển dụng trong số tù binh miền Bắc những phần tử chiêu hồi, đầu hàng, phản bội, đào tạo huấn luyện nghiệp vụ tình báo, sau đó tung ra miền Bắc bằng những con đường như lạc ngũ, trao trả tù binh hoặc dùng máy bay, tàu xuồng đưa ra miền Bắc.
Lực lượng công an miền Bắc tiếp tục nắm vững tình hình địa bàn, ngày 14 /04/1970 bắt tên Lê Vĩnh Niên, được máy bay thả xuống biên giới Việt-Lào thuộc tỉnh Quảng Trị. Niên là bộ đội miền Bắc, bị địch bắt, đã đầu hàng phản bội và nhận làm tay sai cho địch.
Ngày 28 /05/1969, địch cho máy bay C47 thả dù Nguyễn Văn Quýnh, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương, là bộ đội vào Nam chiến đấu trong những năm 1965-1969, bị địch bắt và nhận làm tay sai cho địch, quay trở lại phá hoại miền Bắc. Quỳnh và hai đối tượng khác được thả dù xuống biên giới Việt-Lào thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum Tuy nhiên vừa mới thâm nhập địa bàn thì bị lực lượng vũ trang địa phương bắt giữ thu một số tư trang vũ khím giấy công tác giấy sinh hoạt Đảng do địch làm giả, bản đồ...
Năm 1969, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã tung 29 toán biệt kích, gồm 167 tên; năm 1970, tiếp tục tung 15 toán biệt kích gồm 76 tên ra miền Bắc nước ta, có những toán gián điệp, biệt kích thâm nhập vào các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, ngụy trang như bộ đội ta, mang theo đầy đủ các loại giấy tờ thâm nhập nội địa ta hoạt động điều tra tin tức, khi có điều kiện chúng bắt cán bộ, bộ đội khai thác thêm những tin tức cần thiết.
Lực lượng Công an nhân dân vũ trang các tỉnh Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An Sơn La, Lai Châu tiến hành triển khai các mặt công tác như điều tra cơ bản, tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ trị an biên giới, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng xã vững mạnh về chính trị và trật tự trị an, tổ chức sẵn sàng chiến đấu và xây dựng phương án phòng chống gián điệp, biệt kích
Ngày 13 /01/1969, Không quân Hoa Kỳ và lực lượng phản động ở Lào cho 3 máy bay lên thẳng có 5 máy bay T28 hộ tống, thả một toán biệt kích mang tên “Thủ cam khao” (tức Đội điều tra phá hoại số 4 hay còn gọi là Toán chim số 4), gồm 13 tên do Xiêng Phan làm toán trưởng, thành phần gồm toàn người Lào. Nhiệm vụ của toán này là xâm nhập Điện Biên thuộc tỉnh Lai Châu, điều tra phá hoại kho tàng, xe vận tải, chỉ điểm cho máy bay bắn phá đoạn đường chiến lược từ Tây Trang, Điện Biên đi Sốp Phùn, Lào. Do có sự phối hợp chuẩn bị từ trước nên ta nhanh chóng huy động lực lượng và lực lượng vũ trang bạn. Đồng chí Chử Lương Thi, Trưởng Ty công an kiêm Chính ủy Công an vũ trang Lai Châu trực tiếp chỉ đạo. Sau hơn một tháng truy lùng trên địa bàn rừng rậm núi cao, đến cuối tháng 2 /1969, toàn bộ toán gián điệp, biệt kích đã bị bắt và tiêu diệt.
Ngày 26/05/1970, đồn 75 công an nhân dân vũ trang Nghệ An được nhân dân bản Huổi Xài cho biết có 4 máy bay lên thẳng vừa hạ cánh xuống một địa điểm gần biên giới Việt-Lào. Tiếp đó, ta lại nhận được tin có một toán gián điệp, biệt kích từ biên giới xâm nhập vào các xã Phú Đánh, Nậm Cắn, Độc Mạy. Sau khi xác minh nguồn tin, Đồn công an nhân dân vũ trang 75 khẩn trương bố trí lực lượng truy tìm, phát hiện dấu vết của biệt kích, bố trí hai đội công tác phối hợp với lực lượng vũ trang Lào truy kích địch.
Ngày 28/05/1970, công an tỉnh Nghệ An tăng cường 1 trung đội cơ động công an nhân dân vũ trang cùng hai tiểu đội vũ trang của đồn 75, 76, dân quân thuộc lực lượng vũ trang của bạn Lào phân chia khu vực truy lùng và chốt chặt biên giới. Sau 9 ngày đêm truy kích địch, các lực lượng vũ trang ta và bạn Lào tiêu diệt 7 tên, bắt sống 8 tên, gọi hàng một tên, số còn lại chạy trốn sang vùng do lực lượng phản động Lào kiểm soát. Ta thu nhiều vũ khí, trang bị của lực lượng biệt kích, khai thác lính biệt kích bị bắt, ta biết được toán biệt kích gồm 21 tên, thuộc đại đội “Cọp đen” do Hoa Kỳ và Tướng phỉ Vàng Pao tổ chức huấn luyện tại Thái Lan, rồi xâm nhập từ biên giới Việt-Lào vào huyện Kỳ Sơn với âm mưu tập kích cơ quan Huyện ủy, gây rối ở vùng biên giới. Song bọn chúng vừa xâm nhập đã bị phát hiện và truy bắt làm tan rã ngay từ đầu.
Tháng 11/1970, Hoa Kỳ tung biệt kích tiến công trại tù binh Mỹ tại Sơn Tây nhằm giải cứu tù binh bị giam ở đây. Do tinh thần cảnh giác cao độ, biệt kích Mỹ đã không giải cứu được tù binh mặc dù có gây một số thiệt hại về người cho khu vực trại tù binh Mỹ. Một số lính biệt kích Hoa Kỳ bị thương và chúng bỏ lại một chiếc trực thăng HH 53 bị hỏng.
Sau vụ tập kích Sơn Tây, cùng với việc rút dần quân viễn chinh về nước và tập trung hỗ trợ chính quyền Sài Gòn chống lại các cuộc tiến công của quân giải phóng miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn cũng nhận rõ cuộc chiến tranh bằng biệt kích ít hiệu quả, còn bị thiệt hại lớn, nên kể từ năm 1971, về cơ bản, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn chấm dứt cuộc chiến tranh bí mật chống phá miền Bắc.
Bình Nguyễn